Trung tâm Bêlem – mô hình cộng tác chăm sóc người khuyết tật

Tại Camerun, người khuyết tật bị coi là lời nguyền rủa. Năm 1997, cha Danilo Fenaroli, một thừa sai thuộc Hội Giáo hoàng truyền giáo hải ngoại, đã thành lập Trung tâm Bêlem tại làng Mouda, một ngôi làng ở mạn bắc Camerun, để cung cấp nơi cư trú và bảo vệ chăm sóc cho hơn 200 người khuyết tật, gồm cả Kitô hữu và Hồi giáo. Cha đã giúp thay đổi cuộc đời của họ và giúp xã hội thay đổi cái nhìn về những anh em khuyết tật.

Kết quả hình ảnh cho Người khuyết tật
Một cuộc tuần hành vì quyền của những người khuyết tật
(ANSA)

Trung tâm Bêlem – chăm sóc và xây dựng tương lai cho người khuyết tật

Năm 1997, cha Danilo Fenaroli, một thừa sai thuộc Hội Giáo hoàng truyền giáo hải ngoại, đã thành lập Trung tâm Bêlem tại làng Mouda, một ngôi làng ở mạn bắc Camerun, với 2000 dân. Trung tâm là một tòa nhà lớn, cung cấp nơi cư trú và bảo vệ chăm sóc cho hơn 200 người khuyết tật, gồm cả Kitô hữu và Hồi giáo. 70 người người trẻ câm điếc ở đây có thể theo học tại một trường dành cho họ và 50 trẻ em và thiếu niên khuyết tật thể lý và tâm trí, phần lớn là tự kỷ, được chăm sóc tận tình và hết lòng. Từ từ, trong những năm qua, tình trạng của họ được cải thiện, và họ đã đạt được sự tự lập phần nào đó. Cũng có 70 trẻ sơ sinh mồ côi mẹ khi chào đời hay ngay sau khi chào đời, lớn lên cách bình an và sau 2 năm, trở về với gia đình của các em. Cũng có 30 tiểu mục đồng mồ côi, được các nhà hoạt động của Trung tâm tìm kiếm từng em một trên các cánh đồng; các em học chữ và học biết niềm vui sống cùng với những người đồng hương.

Ở đây, những người lớn bị khuyết tật thể lý đến từ các làng lân cận và từ thành phố Maroua gần đó, có thể được trị liệu vật lý tại bệnh viện trong ngày, còn những người đến từ xa thì ở lại một vài tuần cho đến khi việc chữa trị kết thúc. Bên cạnh đó, 150 người trẻ sống và học một nghề: một trường dạy các lớp nghề hàng năm như mộc, xây dựng, may, nhuộm, nông nghiệp và chăn nuôi.

Bầu khí hòa hợp tuyệt vời, tôn trọng tốt đẹp, hài hòa và thân thuộc giữa Kitô hữu và người Hồi giáo

Tại trung tâm có 180 người làm việc; đó là các bác sĩ, các nhà vật lý trị liệu, các y tá, các giáo viên, các trợ tá xã hội; họ là các Kitô hữu và tín hữu Hồi giáo. Cha Danilo kể: “Giữa các nhà hoạt động chúng tôi có một sự hòa hợp tuyệt vời, một bầu khí tôn trọng tốt đẹp, hài hòa và thân thuộc; ví dụ, chúng tôi mừng các ngày lễ tôn giáo với nhau. Thuộc về tôn giáo không phải là một lý do để chia rẽ: mọi người làm việc cùng nhau. Chúng tôi chia sẻ niềm vui, hy vọng và sự mệt nhọc, nhưng trên tất cả, chúng tôi làm việc với sự cống hiến và nhận thức về một sứ mệnh chung: chăm sóc và trả lại hy vọng cho những người bị các dạng khuyết tật khác nhau và cho những người trẻ muốn học một nghề và xây dựng một tương lai tốt đẹp.”

Có một bầu khí hòa thuận êm đềm giữa các trẻ em và các thiếu niên Kitô giáo và Hồi giáo được trung tâm Bêlem đón nhận, cũng như giữa gia đình của các em. Cha Danilo giải thích: “Chúng tôi hoạt động, dấn thân để xây dựng một bầu khí hiếu khách với các mối liên hệ thân tình và bạn bè. Những người Hồi giáo thường đến trung tâm thì cũng thường xuyên tham dự các buổi suy tư và lễ hội mà chúng tôi tổ chức và họ dừng lại nói chuyện với tôi. Với sự tò mò chân thành, một người hỏi tôi: “Thiên Chúa của cha thế nào?” Đó là một câu hỏi hay, và cách nào đó thật cảm động, và tôi trả lời câu hỏi đó với niềm vui.”

Liên hệ giữa cha Danilo và các imam Hồi giáo

Cha Danilo cũng kể về mối liên hệ với các imam, những lãnh đạo Hồi giáo, trong vùng. Cách đây không lâu, vài imam đã xin Đức Giám mục địa phương được thăm viếng Trung tâm để có thể hiểu về cách tổ chức hoạt động trợ giúp của trung tâm. Các imam đáng giá cao các hoạt động của trung tâm và bày tỏ ý định tổ chức tại các đền thờ Hồi giáo lân cận những hình thức trợ giúp khác nhau cho những người cần được giúp đỡ. Cha Danilo cho biết là có một imam đã tổ chức phân phát sữa cho trẻ em của các gia đình nghèo trong khu vực.

Cha Danilo và các imam ở Maroua và các lành xung quanh cộng tác với nhau để giúp cho người trẻ. Cha kể: “Tôi gặp các vị lãnh đạo Hồi giáo và trình bày cho họ các khóa đào tạo thường niên của chúng tôi; họ rất tin tưởng vào dự án và đã khuyến khích các người trẻ tham dự trường học của chúng tôi. Đó là một sự liên minh rất có lợi và tôi hài lòng về điều này. Từ đó, mỗi năm, vào cuối các khóa học, chúng tôi tổ chức một lễ hội lớn cho các sinh viên và các imam không bao giờ vắng mặt.

Trung tâm Belem giúp xã hội thay đổi cái nhìn về người khuyết tật

Trung tâm Belem là tổ chức duy nhất chăm sóc và trợ giúp cho người khuyết tật tại miền bắc Camerun. Đối với dân chúng ở đây, cả Hồi giáo và Kitô giáo, đều xem khuyết tật, đặc biệt là khuyết tật tâm trí, như một sự chúc dữ. Trước khi trung tâm Belem được thành lập, những người bị tâm thần, đặc biệt là người lớn, bị đối xử tàn tệ, bị chế nhạo một cách dữ dội, bị loại trừ khỏi cộng đồng: họ sống trong những túp lều ở rìa làng và họ thường cũng bị xiềng xích. Cha Danilo kể lại: “Cách đây 30 năm, khi tôi đến đây và đi quanh ngôi làng, tôi nhận thấy rằng không có bất cứ người khuyết tật nào sống tại cộng đồng này và tôi khám phá ra rằng họ bị để cho chết. Nhờ hoạt động của Trung tâm, cái nhìn về người khuyết tật đang từ từ thay đổi, nhưng vẫn còn nhiều điều cần làm: chúng tôi hỗ trợ và đưa các gia đình Kitô hữu và Hồi giáo đến trung tâm theo định kỳ để tham dự những buổi huấn luyện, để những người khuyết tật có thể trở về làng của họ và được đón tiếp, được thông cảm và chăm sóc cách tốt hơn.”

Hồng Thủy

(VaticanNews 24.07.2018)