Hướng dẫn xưng tội

Điều kiện thiết yếu cho một lần xưng tội tốt là có ước muốn trở về với Thiên Chúa giống như “người con hoang đàng”, đồng thời, nhận ra tội lỗi của bản thân với lòng ăn năn sám hối trước cha giải tội.

confesionario.jpgTội lỗi trong cuộc sống của tôi

Xã hội hiện đại đang đánh mất đi cảm thức về tội. Là một Kitô hữu, tôi nỗ lực nhận ra tội lỗi của mình trong những hành động, lời nói và thiếu sót hàng ngày.

Các Tin Mừng cho thấy tầm quan trọng của ơn tha thứ. Cuộc sống của các thánh chứng minh rằng những ai được lớn lên trong sự thánh thiện đều có cảm thức mạnh mẽ về tội, đau khổ vì tội lỗi, và có một nhu cầu cấp thiết đối với Bí tích Hòa Giải.

Những khác biệt trong tội lỗi

Như một hệ quả của Tội Nguyên tổ, bản chất con người là yếu đuối. Bằng sự thông phần vào đời sống ân sủng trong Chúa Kitô, Bí tích Rửa Tội đã tẩy rửa Nguyên Tội, và đưa con người trở về cùng Thiên Chúa. Nhưng những hậu quả của sự yếu đuối và những nghiêng chiều về tội lỗi vẫn tồn tại, nên con người thường phạm tội hoặc sai lỗi.

Tội (thành sự) là tội mà mỗi người phạm phải. Có hai loại tội, tội trọng và tội nhẹ.

Tội trọng là tội cương quyết chống lại Thiên Chúa. Nó phá hủy đời sống ân sủng của linh hồn. Ba điều kiện đồng thời để suy xét tội trọng: 1) hành động rất nghiêm trọng; 2) người đó có hiểu biết đầy đủ về những gì đang được thực hiện; 3) người đó có tự do của ý muốn ưng thuận.

Hãy nhớ

Nếu bạn cần sự giúp đỡ, đặc biệt nếu bạn quên tiến trình xưng tội, bạn có thể nhờ cha giải tội; ngài sẽ giúp bạn “đi lại từng bước” để bạn có thể xưng tội tốt hơn.

Trước khi xưng tội

Hãy thật lòng sám hối vì tội lỗi của bản thân. Hành vi quan trọng của việc ăn năn tội của hối nhân hệ tại ở sự thống hối, quyết tâm từ bỏ dứt khoát những tội đã phạm cùng quyết tâm không tái phạm nữa. Việc quyết tâm không tái phạm là một dấu hiệu khả tín cho việc ăn năn sám hối chân thực. Điều này không có nghĩa là khi đã hứa không tái phạm tội thì bản thân sẽ không bao giờ tái phạm. Nhưng sự quyết tâm ấy nhắc nhớ bản thân tránh những dịp tội và để giục lòng sám hối. Chính ân sủng của Thiên Chúa cùng với ý hướng cải thiện bản thân sẽ cho bạn sức mạnh để chống lại và vượt qua những cám dỗ trong tương lai.

Xét Mình

Trước khi xưng tội, hối nhân duyệt xét lại các tội trọng và tội nhẹ từ lần xưng tội trước và bày tỏ lòng ăn năn sám hối vì những tội lỗi ấy, giục lòng chê ghét tội và kiên quyết không tái phạm nữa.

Một cách xét mình hữu ích là dựa vào các Điều Răn của Thiên Chúa và các Giáo huấn của Giáo Hội:

  1. Thiên Chúa và sự thánh thiện của Ngài có phải là cùng đích của đời tôi? Tôi có từ chối đức tin không? Tôi có đặt niềm tin vào những giáo huấn sai lạc hoặc tôn thờ ai/điều gì khác ngoài Thiên Chúa? Tôi đã tỏ ra thất vọng về Lòng thương xót của Thiên Chúa?
  1. Tôi có sử dụng danh Chúa một cách bất xứng? Tôi đã từng phá vỡ lời hứa hoặc lời khấn?
  1. Tôi có tôn kính ngày Chúa Nhật bằng việc nghỉ làm những việc không cần thiết, tham dự Thánh Lễ (cũng như các Ngày Thánh) không? Tôi có xao lãng hoặc đi Lễ muộn, về sớm vì những lý do không cần thiết? Tôi đã bỏ cầu nguyện trong một thời gian dài?
  1. Cùng với việc tôn thờ Thiên Chúa, tôi có kính trọng cha mẹ, tôn trọng vợ/chồng, các thành viên trong gia đình và những người có thẩm quyền hợp pháp không? Tôi có chú trọng giáo dục và huấn luyện con cái không?
  1. Tôi có chăm sóc sức khỏe và sự an toàn của bản thân cũng như của những người khác không? Tôi có lạm dụng ma túy hoặc rượu bia không? Tôi có cộng tác vào việc phá thai, “an tử” hoặc tự tử không?
  1. Tôi có nôn nóng, tức giận, đố kỵ, kiêu căng, ghen tương, hằn thù, và lười biếng không? Tôi có tha thứ cho người khác không?
  1. Tôi có phải là người có trách nhiệm đối với bề trên/ông chủ và bề dưới/nhân viên của tôi không? Tôi có phân biệt đối xử với người khác vì sắc tộc hay những lý do khác không?
  1. Tôi có giữ sự trong sáng trong tư tưởng và lời nói không? Tôi có quan hệ tính dục ngoài mục đích của hôn nhân hợp pháp không? Tôi có tự mình thỏa mãn tính dục không? Tôi có xem những chương trình Tivi, tranh ảnh và sách báo không lành mạnh?
  1. Tôi có lấy cắp của ai, từ người làm công hay từ cấp trên? Nếu có, tôi có sẵn sàng trả lại không? Tôi đã hoàn thành đúng những bản hợp đồng/ những gì tôi cam kết? Tôi có đánh bạc, và phung phá tài sản của gia đình?
  1. Tôi có nói xấu người khác không? Tôi có luôn nói sự thật không? Tôi có giữ bí mật và tôi có phải là người đáng tin cậy?
  1. Tôi có thỏa hiệp với những tư tưởng tính dục với người mà tôi không kết hôn không?
  1. Tôi có ham muốn những gì thuộc quyền sở hữu của người khác không? Tôi có mong những điều tồi tệ cho người khác không?
  1. Tôi có trung tín với sự sống động của các Bí tích không?
  1. Tôi có giúp cộng đoàn/giáo xứ của tôi thêm vững mạnh và thánh thiện hơn không? Tôi có đóng góp, xây dựng và bảo vệ Giáo Hội không?
  1. Tôi có giữ chay những ngày Hội Thánh buộc để tỏ lòng sám hối không? Tôi có giữ chay trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể không?
  1. Tôi có lưu tâm đến những người nghèo không? Tôi có đón nhận Thánh Ý Chúa trong cuộc đời không?

 Trong thời gian xưng tội

Sau khi xét mình và giục lòng ăn năn tội trước Thiên Chúa, bạn hãy đến tòa giải tội. Bạn có thể quỳ trước tòa giải tội hoặc ngồi xưng thú trực tiếp với cha giải tội.

Bạn bắt đầu xưng tội bằng việc làm dấu Thánh Giá: “Nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Con đã xưng tội từ …. tuần (tháng, năm).”

Cha giải tội có thể đọc đoạn trích Lời Chúa nào đó.

Bạn phải xưng tất cả những tội trọng đã phạm. Bạn cũng nên xưng các tội nhẹ, đặc biệt những tội thường hay vấp phạm, hoặc những tội ngại xưng nhất. Sau khi thú nhận tội lỗi bạn nhớ từ lần xưng tội trước, bạn có thể nói: “Con xin lỗi vì tất cả những tội con đã phạm trong cuộc sống của con.” Sau đó, bạn lắng nghe những lời khuyên của cha giải tội. Ngài sẽ trao cho bạn việc đền tội nào đó. Việc đền tội như một hình thức đền bù cho những tội đã được tha thứ.

Bạn có thể dâng một lời nguyện để diễn tả sự ăn năn sám hối như:

Một hành động của sự sám hối

Lạy Thiên Chúa của con! Con thực lòng xin lỗi vì đã xúc phạm đến Ngài. Con thực lòng chê ghét mọi tội lỗi của con. Con sợ đánh mất Thiên Đàng, và con sợ rơi vào hỏa ngục. Hơn hết, con sợ xúc phạm đến chính Ngài, lạy Thiên Chúa, Đấng tốt lành, Đấng xứng đáng nhận lấy trọn cả tình yêu của con. Nhờ ân sủng Chúa, con quyết tâm xưng thú những tội lỗi của con; con thực lòng sám hối và quyết tâm sửa đổi cuộc sống của con. Amen!

Cuối cuộc xưng tội

Lắng nghe những lời xá giải của cha giải tội. Kết lời xá giải, bạn cùng làm dấu thánh giá với cha: “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen”.

Sau khi xưng tội

Cảm tạ Chúa vì Ngài đã tha tội cho bạn. Nếu bạn nhớ lại, bạn còn một số tội chưa xưng, hãy yên tâm rằng những tội ấy đã được tha cùng với những tội khác. Và nếu được, bàn có thể xưng những tội ấy trong lần xưng tội kế tiếp.

Thực hiện việc đền tội đã được chỉ định

Là người Công giáo, chúng ta may mắn có Bí tích Hòa Giải và quyết tâm năng lãnh nhận Bí tích này. Đây là một phương thế giúp xóa bỏ những tội lỗi. Đồng thời, đây cũng là một Bí tích trợ lực mạnh mẽ giúp loại bỏ những yếu đuối, để mỗi người lớn lên trong ân sủng, và để sống một cuộc sống quân bình và đức hạnh.

Chuyển ngữ: Pr. Nguyễn Văn Đương, S.J.
(dongten.net 18.09.2018/ catholic.org)