Âm nhạc là một phương tiện để nâng tâm hồn con người hướng về Thiên Chúa. Đây là một ngôn ngữ phổ quát và một phương tiện được các tín đồ của các tôn giáo ở Indonesia gửi đến mọi người.
Đây là một sứ điệp hòa giải và hòa bình: với tinh thần và mục đích này từ ngày 27 tháng 10 đến mồng 2 tháng 11, tại thành phố Ambon của Indonesia sẽ đón tiếp 8.000 các tín hữu Công giáo đến từ 34 tỉnh thành trên khắp đất nước tham gia Liên hoan thánh nhạc quốc gia lần đầu tiên. Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo và một số các Giám mục sẽ tham dự lễ khai mạc, và sau đó phó tổng thống Jusuf Jalla sẽ có mặt tại lễ bế mạc.
Lễ hội thánh nhạc này mang lại một ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì thành phố Ambon trong giai đoạn 1999-2001 là tâm điểm của một cuộc xung đột xã hội và tôn giáo. Một làn sóng bạo lực đã nổ ra, hậu quả là có 4.000 nạn nhân, bao gồm tìn đồ Hồi giáo, Kitô hữu, Tin lành. Hậu quả của cuộc xung đột cũng đã làm cho hơn nửa triệu người phải di tản. Bạo lực chỉ kết thúc khi hiệp ước hòa bình Malino được ký kết vào ngày 13/02/2002.
“Chọn Ambon là nơi tổ chức Lễ hội thánh nhạc quốc gia đầu tiên nhằm tạo ấn tượng rằng bạo lực gây ra từ chủ nghĩa tôn giáo không tồn tại ở Indonesia”. Đây là điều mà Trưởng ban tôn giáo Lukman Hakim Saifuddin đã giải thích trong buổi hội thảo chuẩn bị Lễ hội. Lễ hội có chủ đề “Xây dựng hòa hợp dân tộc và bảo vệ Cộng hòa Indonesia qua nghệ thuật biểu diễn: từ Jakarta đến Ambon”.
Giáo sư Adrianus Meliala, một trong các nhà tổ chức sự kiện nói rằng Lễ hội ở Ambon nhằm thúc đẩy sự đa nguyên trong toàn bộ xã hội Indonesia. Và Putut Prabantoro, một người Công giáo và là thành viên của ban tổ chức cũng nhắc lại lời của thánh Augustinô “Hát là cầu nguyện hai lần”.
Trong dịp này sẽ có một số buổi hòa tấu thánh ca do các ca đoàn của người lớn, thanh niên, trẻ em Gandung Suhardono của Giáo phận Bogor đảm trách. Sự kiện này được mọi người đánh giá cao và được cho rằng đây là cơ hội để thúc đẩy lòng khoan dung xã hội và ý nghĩa tình huynh đệ giữa người dân Indonesia.
Ngọc Yến
(VaticanNews 24.10.2018)