Giáo hội Công giáo cử hành Đại Lễ này để tưởng nhớ và cầu nguyện cho tất cả những người đã qua đời.
1.Tổng quan:
Trong tiếng La-tinh, Đại Lễ Cầu Nguyện Cho Những Người Đã Qua Đời, mà giới bình dân vẫn thường gọi là Lễ Cầu Hồn, có tên là: in commemoratione omnium fidelium defunctorum. Giáo hội Công giáo cử hành Đại Lễ này để tưởng nhớ và cầu nguyện cho tất cả những người đã qua đời. Trong Lịch Phụng Vụ, Đại Lễ này được cử hành vào ngày mồng 02 tháng 11, tức ngay ngày hôm sau của Đại Lễ Kính Các Thánh. Thông qua việc cầu nguyện, làm phúc bố thí và viếng Nghĩa Địa, người Công giáo tưởng nhớ tới tất cả các Linh Hồn đang còn bị giam cầm trong luyện tội, và lãnh nhận các Ân Xá, đặc biệt là ơn Đại Xá để chỉ cho các Linh Hồn ấy. Trong Giáo hội Công giáo, việc lãnh nhận ơn Đại Xá để chỉ cho các Linh Hồn có một tầm quan trọng đặc biệt.
Theo thói quen, các Linh mục thường đến nghĩa trang vào buổi chiều ngày Đại Lễ Kính Các Thánh để làm phép và rảy Nước Thánh trên các ngôi mộ. Nghi thức này cũng có thể diễn ra vào chính ngày Đại Lễ Cầu Nguyện Cho Những Người Đã Qua Đời. Vì trong cấp độ Phụng Vụ, Đại Lễ Cầu Nguyện Cho Những Người Đã Qua Đời được xếp ngang hàng với bậc Lễ Trọng kính Chúa, nên nếu trong năm nào Đại Lễ này rơi vào ngày Chúa Nhật, thì ngày Chúa Nhật ấy sẽ được dành để cử hành Đại Lễ Cầu Nguyện Cho Những Người Đã Qua Đời. Màu Phụng Vụ của Đại Lễ này là màu đen hoặc màu tím (hầu hết các nơi trên đất Việt Nam người ta đều cử hành với màu tím; còn ở hầu hết các nơi tại Âu Châu thì người ta cử hành với màu đen), không có Kinh Vinh Danh, nhưng có Kinh Tin Kính nếu rơi vào Chúa Nhật, và cũng không có Halleluja trước Tin Mừng, nhưng thay vào đó là một lời tung hô mà tiếng La-tinh gọi là Tractus.
2.Nguồn gốc của Đại Lễ Cầu Nguyện Cho Những Người Đã Qua Đời:
Đại Lễ Cầu Nguyện Cho Những Người Đã Qua Đời vào ngày mồng 02 tháng 11 có nguồn gốc từ Thánh Odilo Viện Phụ của Đan Viện Cluny, Dòng Biển Đức, Pháp Quốc. Với sắc Lệnh được Ngài ký vào năm 998, Thánh Odilo đã thiết lập Đại Lễ này cho tất cả các Đan Viện Biển Đức trực thuộc Cluny. Người ta vẫn còn giữ được sắc lệnh đó của Ngài. Không lâu sau, Đại Lễ Cầu Nguyện Cho Những Người Đã Qua Đời cũng đã được cử hành bên ngoài các Đan Viện. Các bằng chứng cho thấy, ngay từ đầu thế kỷ XIV, Đại Lễ này đã được cử hành tại Rô-ma rồi. Đại Lễ này cũng nhanh chóng lan rộng ra toàn Giáo hội La-tinh. Về khía cạnh Thần Học, Đại Lễ này liên kết khắng khít với Giáo Lý về Lửa Luyện Tội, tức nơi thanh luyện những người đã qua đời. Theo Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, những người đã qua đời có thể trông chờ vào sự giúp đỡ của người còn sống cũng như có thể nhận được sự giúp đỡ của họ thông qua việc họ cầu nguyện, ăn chăy và làm phúc bố thí (xc. SGLHTCG số 1031-1032).
3.Ơn Đại Xá Nhân Dịp Đại Lễ Cầu Nguyện Cho Những Người Đã Qua Đời:
Trong Tông Hiến Giáo Lý Ân Xá – INDULGENTIARUM DOCTRINA – Do Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành ngày mồng 01 tháng 01 năm 1967, có quy định như sau:
„Ơn Đại xá được lãnh trong mọi nhà thờ, nhà nguyện công, bán công, vào ngày mồng 02 tháng 11 (Đại Lễ Cầu Nguyện Cho Những Người Đã Qua Đời) cho những ai có đủ điều kiện, để chỉ cho người quá cố.
Đại xá cũng được lãnh 2 lần trong năm tại các nhà thờ giáo xứ: ngày lễ kính thánh Bổn mạng và ngày mồng 02 tháng 08 (“Portiuncula”), hoặc dịp thuận tiện khác tùy Bản quyền địa phương.
Các đại xá nói trên, có thể lãnh vào đúng ngày hoặc Chúa nhật trước hoặc sau, tùy Bản quyền địa phương“ (n.15).
Tuy nhiên trong cuốn Hướng Dẫn về Ân Xá (Enchiridion Indulgentiarum) do Tòa Ân Giải Tối Cao công bố vào ngày 16 tháng 06 năm 1999, có hướng dẫn như sau:
Mỗi ngày, từ ngày mồng 01 tới ngày mồng 08 tháng 11, mỗi người đều có thể lãnh nhận một ơn Đại Xá để chỉ cho người quá cố. Để lãnh nhận được ơn Đại Xá trong những ngày này, bên cạnh những điều kiện thông thường như xưng tội, Rước Lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng, còn có những điều kiện sau đây:
*Vào ngày Đại Lễ Kính Các Thánh, kể từ 12 giờ trưa: Viếng một nhà thờ hay một nguyện đường chung, đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính; hay:
*Từ sáng ngày mồng 01 tới hết ngày mồng 08 tháng 11: Viếng Nghĩa Địa và cầu nguyện cho những người đã qua đời.
4.Giáo Huấn của Hội Thánh Công Giáo về Ân xá:
a.Giáo Luật:
Ðiều 992: Ân xá là sự tháo giải trước mặt Chúa các hình phạt thế tạm vì các tội lỗi đã được xóa bỏ. Người tín hữu dọn mình xứng đáng và thi hành ít nhiều điều kiện đã chỉ định thì được hưởng ơn tha thứ ấy nhờ sự trung gian của Giáo Hội. Với tư cách thừa tác viên ơn cứu chuộc, Giáo Hội dùng quyền phân phát và áp dụng kho tàng đền tạ của Chúa Kitô và các Thánh.
Ðiều 993: Ân xá là toàn phần hay từng phần, tùy theo sự giải thoát hình phạt thế tạm vì tội lỗi là hoàn toàn hay chỉ một phần.
Ðiều 994: Mọi tín hữu đều có thể hưởng ân xá toàn phần hay từng phần, hoặc cho chính mình hoặc để chuyển cầu cho những người đã qua đời.
Ðiều 995: (1) Ngoại trừ thẩm quyền tối cao của Giáo Hội, chỉ những ai được giáo luật nhìn nhận hay được Ðức Giáo Hoàng cấp quyền riêng mới có thể ban các ân xá.
(2) Không quyền bính nào dưới Ðức Giáo Hoàng có thể cấp cho người khác quyền ban ân xá, nếu không được Tòa Thánh minh định dành cho một đặc quyền ấy.
Ðiều 996: (1) Ðể có năng cách hưởng ân xá, cần phải là người đã rửa tội, không bị vạ tuyệt thông, sống trong tình trạng ân sủng ít là vào lúc kết thúc công tác phải làm.
(2) Tuy nhiên, để đương sự có năng cách được thực thụ hưởng ân xá, cần phải có ý định muốn thủ đắc ân xá và thi hành những công tác vào thời gian và theo cách thức mà giáo quyền đã định.
Ðiều 997: Ngoài ra, để ban ân xá và hưởng dùng ân xá, còn phải tuân giữ những quy định khác trong luật riêng của Giáo Hội.
b.Tông Hiến Giáo Lý Ân Xá – INDULGENTIARUM DOCTRINA – Do Đức Phaolô VI ban hành ngày mồng 01 tháng 01 năm 1967:
n.1—Ân xá là sự tha thứ trước mặt Chúa các hình phạt tạm phải chịu vì tội đã được tha, cho những môn đệ Chúa Kitô, với những điều kiện xác định, qua sự can thiệp của Giáo hội, như là thừa tác viên cứu rỗi, tha thứ với thẩm quyền, và áp dụng kho tàng đền tội do Chúa Kitô và các thánh đã lập.
n.2—Tùy được tiểu xá hay đại xá mà hình phạt tạm sinh ra bởi tội được tẩy xóa từng phần hay toàn phần.
n.3—Tiểu xá hay đại xá luôn luôn có thể chỉ cho các linh hồn đã qua đời.
n.4—Tiểu xá được xác định bằng từ “tiểu xá”, không xác định ngày hay năm như trước.
n.5—Người tín hữu, nếu ăn năn tội cách trọn, làm việc có tiểu xá, cũng được tha các hình phạt tạm do công việc ấy, và do sự bầu cử của Giáo hội.
n.6—Mỗi ngày chỉ được lãnh một đại xá, trừ sự tiên liệu trong số 18 dưới đây cho những ai nguy tử. Tiểu xá có thể lãnh mỗi ngày nhiều lần, trừ khi có điều khoản ấn định ngược lại rõ.
n.7—Để lãnh đại xá, phải làm việc có đại xá và giữ 3 điều kiện sau: – Xưng tội, – Rước lễ, Cầu nguyện theo ý ĐGH. Điều đòi khác là phải dứt lòng quyến luyến tội lỗi, dù tội nhẹ.
Nếu không có đủ điều đòi hỏi, hay không đủ 3 điều kiện trên, thì chỉ được tiểu xá, trừ khi gặp điều 11 dưới đây cho những ai ngăn trở.
n.8—Ba điều kiện đòi buộc, có thể làm ít ngày (several days) trước hoặc sau khi làm việc lãnh đại xá, nhưng việc Rước lễ và cầu theo ý ĐGH thì phải làm cùng ngày lãnh ơn.
n.9—Một lần xưng tội đủ để lãnh nhiều đại xá, nhưng Rước lễ và cầu theo ý Đức giáo hoàng thì đòi cho từng đại xá.
n.10—Điều kiện cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng , được coi như đầy đủ, khi đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Kính Mừng, nhưng tín hữu được tùy ý đọc thêm kinh theo lòng đạo đức của mình để cầu theo ý Đức giáo hoàng .
n.11—Không có gì thay đổi năng quyền ban theo giáo luật số 935 cho các linh mục giải tội đối với những ai ngăn trở hoặc do việc đã nói tới, hoặc do các điều kiện (để lãnh ân xá), Bản quyền địa phương có thể theo luật mà ban đại xá, cho những ai sống ở nơi không thể, hoặc rất khó lãnh Phép Giải tội và Rước lễ, miễn là họ ăn năn tội và có ý lãnh nhận hai bí tích này sớm bao nhiêu có thể.
n.12—Sự phân chia ân xá thành “cá nhân, thực sự, địa phương” như trước nay bị bãi bỏ, để làm sáng tỏ ân xá theo việc làm của người tín hữu, dù đồng thời có dính kết với đồ vật, nơi chốn.
n.13—Bảng ân xá (thu tập những việc làm và kinh nguyện có ân xá) sẽ được cải đổi cho hợp với những lời cầu nguyện và việc đạo đức, bác ái, đền tội quan trọng hơn.
n.14—Danh sách và tổng hợp ân xá riêng cho các Dòng tu, những Tu hội sống chung không lời khấn, Hiệp hội đời, hội đạo đức, sẽ được sửa đổi rất sớm, nương theo những ý kiến của các Bề trên Tổng quyền, các Hội đạo đức, các Bản quyền địa phương, trong việc lãnh đại xá vào những ngày đặc biệt do Tòa Thánh đã thiết lập.
n.15—Đại xá được lãnh trong mọi nhà thờ, nhà nguyện công, bán công vào ngày mồng 02 tháng 11 (Đại Lễ Cầu Nguyện Cho Những Người Đã Qua Đời), cho những ai có đủ điều kiện, để chỉ cho người quá cố.
Đại xá cũng được lãnh 2 lần trong năm tại các nhà thờ giáo xứ: ngày lễ kính thánh Bổn mạng và ngày mồng 02 tháng 08 (“Portiuncula”), hoặc dịp thuận tiện khác tùy Bản quyền địa phương.
Các đại xá nói trên, có thể lãnh vào đúng ngày hoặc Chúa nhật trước hoặc sau, tùy Bản quyền địa phương.
Các ân xá khác liên quan tới nhà thờ, nhà nguyện sẽ được điều chỉnh sớm hết sức.
n.16—Việc phải làm để lãnh đại xá khi viếng nhà thờ, nhà nguyện, là tín hữu sẽ đọc một kinh Lạy Cha và kinh Tin kính.
n.17—Tín hữu dùng đồ đạo được linh mục làm phép như tượng Chúa chịu nạn, thánh giá, tràng hạt, áo Đức Mẹ, ảnh vảy, sẽ được lãnh tiểu xá.
Nhưng nếu những đồ trên được Đức giáo hoàng hoặc Đức giám mục nào làm phép thì có thể được đại xá vào lễ kính hai thánh Phêrô Phaolô Tông đồ, nếu tín hữu ấy đọc bản tuyên xưng đức tin hợp pháp, (kinh Tin Kính).
n.18—Các tín hữu nguy tử mà linh mục không thể cho họ lãnh Bí tích cuối cùng cũng như đại xá giờ lâm chung theo giáo luật khoản 468, tuy nhiên Mẹ Giáo hội ban đại xá lâm chung cho họ, nếu trong đời sống họ vẫn thường cầu nguyện, và lúc này , thật đáng khen nếu họ cầm tượng Chúa Tử nạn hay Thánh giá và ước ao lãnh đại xá (toàn xá).
Đại xá giờ lâm chung này được ban cho tín hữu, dù ngày hôm đó họ đã lãnh đại xá khác rồi.
n.19—Luật ấn định về đại xá, liên quan tới số 16, cũng thường áp dụng từ trước tới nay như vậy để lãnh đại xá khi viếng nhà thờ nhà nguyện (đọc kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính).
n.20—Mẹ thánh Giáo hội , rất lo lắng cho các tín hữu đã qua đời, đã quyết định có thể nhường cho các linh hồn ấy ơn phúc cách rộng rãi nhất của bất cứ thánh lễ Misa nào.
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist