Ký giả Claire Giangravè của tạp chí Crux cho rằng dù Giáo Hội Công Giáo có nhiều điều chung với các tôn giáo thế giới, nhưng nó độc đáo ở chỗ là tôn giáo duy nhất có ngoại giao đoàn riêng, có thể thương thảo nhiều thỏa ước với các quốc gia, mà thuật ngữ gọi là tông ước (concordat).
Một số các vụ thương thảo này quá chậm, một số phát sinh do cần thiết, thậm chí cấp thiết nữa. Tuy vẫn có câu “Đừng thương thảo một tông hiến với bạn bè”, nhưng một hội nghị diễn ra hôm thứ Năm vừa qua tại Rôma cho thấy Giáo Hội sẵn sàng thích ứng với thời thế.
Tại đó, trong bài diễn văn mở đầu, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và là nhà ngoại giao kỳ cựu của Tòa Thánh, nói rằng “các thay đổi xã hội diễn ra trong thế kỷ vừa rồi, nhất là sau Thế Chiến II, đa dạng đến nỗi ngay các điều khoản dựa trên các nguồn gốc nền tảng mà chúng ta muốn tựa vào cũng đã nhanh chóng hết hạn và liên tục thay đổi”.
Hội nghị trên diễn ra tại Giáo Hoàng Đại Học Gregorian ở Rôma trong hai ngày 28 tháng Hai và 1 tháng Ba với chủ đề “Các Thỏa Ước của Tòa Thánh với Các Quốc Gia (XIX-XXI). Các Mô Hình và Biến Đổi: Từ Nhà Nước Tuyên Tín tới Tự Do Tôn Giáo”.
Đức Hồng Y Parolin cho biết “các xã hội ngày càng đa dạng và không đồng nhất” thách thức khả thể thiết lập các mối liên hệ dựa trên các nguyên tắc chung, do đó kêu gọi Tòa Thánh thích nghi với khung cảnh luôn thay đổi.
Suốt nhiều năm qua, Vatican đã tỏ ra mau mắn trong việc thích nghi với việc các hoàn cảnh chính trị và xã hội đang thay đổi, không chỉ ở châu Âu mà ở bình diện hoàn cầu.
Từ việc nhanh chóng thiết lập liên hệ với các quốc gia mới phát sinh từ chế độ cũ đang sụp đổ, đến các hiệp ước với các nước Đông Âu trong Khối Xô Viết cũ và thỏa thuận gần đây hơn với Trung Quốc về việc đề cử các giám mục, Tòa Thánh đã lo liệu sao cho mình vẫn còn liên quan trên bàn cờ hoàn cầu bất chấp các quy tắc và người chơi đang thay đổi.
Điều này không có nghĩa Giáo Hội Công Giáo có một thành tích hoàn hảo trong việc xử lý các mối liên hệ với các quốc gia. Một số người đã chỉ trích thỏa thuận mà Giáo hội đã ký 90 năm trước với Benito Mussolini như là hợp pháp hóa chủ nghĩa phát xít ở Ý, trong khi những người khác (bao gồm cả cố Tổng thống Pháp Fançois Mitterand) đổ lỗi cho việc Vatican vội vàng thừa nhận nền độc lập của Croatia và Slovenia vào đầu thập niên 1990 đã gây ra chiến tranh ở vùng Balkan.
Nhưng theo Đức Hồng Y Parolin, Công đồng Vatican II (1962-1965) đã củng cố mô hình vốn đã tồn tại dành cho các hiệp ước của Tòa Thánh với các quốc gia, đặt tiền đề trên tự do tôn giáo.
Đức Hồng Y nói “Bắt đầu từ Công đồng Vatican II, quyền tự do tôn giáo đã trở thành một quyền cần thiết”. Văn kiện Dignitatis Humanae năm 1969, được Công đồng thông qua, đã đặt nền móng cho cách tiếp cận mới về ngoại giao của Vatican, và nó được tiếp theo bởi một loạt các tông ước với các quốc gia dựa trên nguyên tắc tự do tôn giáo.
Ngài nói thêm “Trong các tông ước, Tòa Thánh không yêu cầu nhà nước trở thành Defensor Fidei (‘người bảo vệ đức tin’) hoặc ngành hành pháp của giáo luật. Nó nhằm mục đích đạt được một quy chế dân sự thích đáng bao nhiêu có thể để bảo đảm các nhu cầu của mình trong khuôn khổ chung của quyền tự do tôn giáo và bản sắc”.
Vị giáo phẩm cho rằng trong năm mươi năm qua, sự phân biệt giữa các giá trị thần học và thực tại chính trị cụ thể đã được tinh chỉnh bên trong Tòa Thánh, đặc biệt trong các trường hợp trong đó, cộng đồng Công Giáo đại diện cho một thiểu số trong một quốc gia.
Đức Hồng Y Parolin nói “Các nhu cầu của Giáo hội, dù trong bản chất vốn có tính phổ quát, trên thực thế phải trải nghiệm các biến thể tùy theo địa điểm và hoàn cảnh khác nhau ở mỗi quốc gia”.
Đức Hồng Y nói rằng, “không hề có mô hình tiền chế” cho các tông ước, lấy cảm hứng từ các hiệp ước trước đó và nhằm giải quyết “các nhu cầu mục vụ và tiềm năng cụ thể để phục vụ các giáo hội ở các quốc gia”.
Nhưng, ngài nói thêm, Tòa Thánh cũng có thể dựa vào một di sản quan trọng khác phát sinh từ Công đồng Vatican II, một di sản đặt để nguyên tắc hợp đoàn (collegiality) dành nhiều chỗ cho các giáo hội địa phương và các hội đồng giám mục trong việc đặt nền móng cho các mối liên hệ với các quốc gia.
Đức Hồng Y Parolin cho biết: Sự phát triển trên không chỉ là một “tiến bộ kỹ thuật” vốn tạo điều kiện cho việc tạo ra các tông ước giữa Tòa thánh và các quốc gia, mà nó còn “phản ánh cơ cấu cộng đồng của Giáo hội”, một cơ cấu khởi đi từ các thực tại giáo hội địa phương.
Ngày nay, các tông ước nằm ở trung tâm nền ngoại giao quyền lực mềm của Vatican và cho phép nó tạo được quyền tự chủ và tự do của mình, trong khi chịu đựng nhiều đòn đánh cố ý làm suy yếu tính liên quan của Giáo Hội Công Giáo.
Nhưng theo Đức Hồng Y Parolin, các hiệp ước giữa Tòa thánh và các quốc gia cũng có thể cung cấp một lăng kính hữu ích để đánh giá “sự lạc quan hoặc sự bi quan của Giáo hội liên quan đến các biến cố lịch sử”; ngài trích dẫn chính sách Ostpolitik (hòa hoãn đông tây) của Vatican đối với Liên Xô làm điển hình.
Ngài nói: “Người ta có thể bày tỏ sự tin tưởng đối với những người được [Vatican] ký tông ước”, nhưng cũng “đầu hàng đối với hiện tại” và thậm chí “lo sợ cho tương lai”.
Tuy nhiên, ngài nói thêm: bất chấp tất cả, các tông ước giữa Tòa thánh và các quốc gia phản ánh “cố gắng thường trực trong việc thích nghi với các quyền tự do và thực tại tôn giáo”.
Vũ Văn An
(vietcatholic 07.03.2019)