Chúng ta đang ở trong mùa chay. Có liên hệ gì giữa việc giữ chay với Thánh Thể không? Tại sao phải giữ chay trước khi rước lễ?
Trước khi nói đến mỗi liên hệ giữa việc giữ chay và Thánh Thể chúng ta cần phải phân biệt nhiều nghĩa của vài từ ngữ quen dùng trong truyền thống phụng vụ. Một đàng là giữ chay trước khi rước lễ. Đàng khác là giữ chay không tham dự Thánh lễ.
“Giữ chay không tham dự Thánh lễ” có nghĩa là ngày Chúa nhật không đi lễ phải không?’
Không phải thế. “Chay Thánh Thể” không có nghĩa bỏ lễ ngày Chúa nhật, cũng không có nghĩa là không được phép rước lễ vì mắc tội hay vạ. “Chay Thánh Thể” có nghĩa là không cử hành Thánh lễ trong Mùa Chay.
Tại sao vậy? Giáo hội vẫn khuyến khích các tín hữu tham dự Thánh lễ trong Mùa Chay mà.
Đúng thế, tại Rôma này ngay từ thời xưa đã có tục lệ giám mục cử hành Thánh lễ với Dân Chúa mỗi ngày tại một thánh đường khác nhau, tục gọi là “lễ trạm” (missa stationalis). Tuy nhiên chị đừng quên rằng vào hai ngày cuối Tuần thánh (thứ 6 và thứ 7) thì Giáo hội không cử hành Thánh lễ: chay Thánh Thể là thế đó.
Hai ngày thứ 6 và thứ 7 Tuần thánh không có Thánh lễ bởi vì tưởng niệm Chúa Chết, chứ đâu có liên quan đến mùa Chay đâu?
Có chứ. Chị đừng nên quên rằng vào thứ 6 tuần thánh Giáo luật buộc phải ăn chay kiêng thịt đó. Dù sao, trong nghi điển La-tinh, thì trong năm chỉ có hai ngày thứ 6 và thứ 7 là Giáo hội không cử hành Thánh lễ; nhưng bên Đông phương, nghi điển byzantin không cử hành Thánh lễ trong mùa Chay, vào các ngày phải giữ chay.
Trong suốt mùa chay, giáo luật chỉ buộc giữ chay có hai ngày: thứ tư lễ tro và thứ 6 tuần thánh. Như vậy bên Đông phương chỉ khác với La-tinh một ngày chứ mấy?
Không phải thế đâu. Bên Đông phương người ta còn giữ tập tục từ thời các giáo phụ là giữ chay mỗi tuần hai lần (thứ tư và thứ sáu) trong mùa chay. Vì thế trong hai ngày đó không có Thánh lễ. Theo như một số người giải thích, vào thời xưa, các tín hữu quan niệm việc giữ chay rất ngặt, nghĩa là không ăn không uống gì hết, kể cả rước Mình Thánh Chúa.
Trong hai ngày đó các linh mục làm gì?
Trong những ngày không có Thánh lễ, không phải là các linh mục được ngủ thêm đâu, nhưng các ngài cũng cử hành phụng vụ, tương tự như phụng vụ thứ 6 tuần thánh vậy, nghĩa là gồm có Phụng vụ Lời Chúa (các bài đọc Sách Thánh, các thánh vịnh), và kết thúc với việc rước lễ, với bánh thánh đã được truyền phép từ hôm trước.
Trong những chay Thánh lễ như vậy, các linh mục phải giữ chay chứ?
Câu trả lời tùy theo chúng ta hiểu từ “giữ chay” theo nghĩa nào. Xin nhắc lại là chúng ta đang ở trong Mùa Chay, nhưng chúng ta đâu có giữ chay gì đâu! Thực ra cũng nên biết là trong tiếng La-tinh, mùa phụng vụ mà chúng ta đang sống được gọi là mùa “Bốn mươi” (Quadragesimalis), tưởng nhớ việc Chúa Giêsu chay tịnh bốn mươi ngày trong sa mạc. Thời xưa các tín hữu buộc giữ chay trong suốt 40 ngày, chứ không chỉ có hai ngày như thời nay.
Ăn chay 40 ngày có nghĩa là tuyệt thực luôn phải không?
Không phải thế. Giữ chay 40 ngày không có nghĩa là tuyệt thực, nhưng chỉ có nghĩa là giảm thiểu lương thực. Dĩ nhiên là về vấn đề này kỷ luật đã thay đổi trải qua dòng thời gian, lúc siết vào lúc nới ra. Thời xưa, kỷ luật ăn chay chủ yếu bao hàm hai điều. Thứ nhất là chỉ được ăn một bữa; thứ hai là không được ăn trước khi mặt trời lặn. Nói khác đi, ăn chay có nghĩa là nhịn ăn ban ngày, và chỉ được ăn vào ban tối.
Hình như bên Hồi giáo, các tín đồ cũng ăn chay trong tháng Ramadan theo kiểu đó phải không?
Người ta đồn là trong tháng Ramadan, tín đồ chỉ buộc giữ chay vào ban ngày, nhưng sau khi mặt trời lặn thì tha hồ chén. Chắc chắn là những lạm dụng không thể nào tránh được. Dù sao chúng ta đừng nên quên rằng Hồi giáo phát xuất từ Ả-rập, nơi mà khí hậu rất nóng. Vì thế giữ chay suốt ngày không phải là chuyện dễ, xét vì không phải vì bụng đói cho bằng vì cổ khô khát nước. Tuy nhiên, theo các sử gia, tục lệ giữ chay cho đến lúc mặt trời lặn xem ra đã có từ trước Hồi giáo lâu lắm, và đã được người Do thái thực hành. Có lẽ người Kitô hữu đã du nhập tục lệ đó, và thêm một tinh thần mới: đó là tinh thần đền tội. Do đó, tuy được phép ăn vào ban chiều, nhưng bữa đó cũng chỉ được ăn cầm hơi đủ sống, chứ không được phép chè chén. Dần dần người ta gắn liền việc thực hành khổ chế với một giờ cầu nguyện. Vì thế, các tín hữu chỉ được dùng bữa sau khi đã tham dự giờ kinh chiều.
Từ thời nào thì được phép ăn vào bữa trưa?
Theo các sử gia, tục lệ ăn vào bữa trưa được du nhập từ thế kỷ XII trở đi. Lý do có lẽ một phần vì sức khoẻ thể lý và tinh thần không còn được như các thế kỷ trước nữa. Mặt khác, đầu óc vụ luật dần dần cũng lan tràn, tựa như mấy ông Biệt phái thời Chúa Giêsu vậy, theo nghĩa là để duy trì tập tục giữ chay cho đến sau khi đọc Kinh Chiều, thì người ta đọc Kinh Chiều vào lúc 2 giờ, rồi dần dần lùi lên 12 giờ trưa. Kể từ thế kỷ XV, giáo luật cho phép được dùng bữa trưa vào Mùa Chay, và giữa hai bữa trưa thì cũng được dùng tí chút đồ lỏng: lúc đầu là nước lã, tiếp đó là sữa, cà-phê, và thậm chí một lát bánh mì. Sang thời cận đại, thì Mùa Chay chỉ còn giữ tên gọi mà thôi, chứ không còn buộc phải ăn chay trường. Dù sao, như chị đã biết, vào thời này, Giáo hội kêu gọi các tín hữu không nên chỉ giới hạn việc giữ chay vào phạm vi lương thực, nhưng cần mở rộng sang các lãnh vực khác nhằm biểu lộ tinh thần thống hối: có thể là chay xem TV, chay thuốc lá, và nhất là chay bớt tội.
Việc giữ chay trong mùa Chay có liên quan với việc giữ chay trước khi rước lễ không?
Vừa có vừa không, nghĩa là vừa có chỗ giống vừa có chỗ khác. Trước hết, chúng ta hãy bắt đầu bằng chỗ khác nhau. Việc giữ chay trong mùa Chay chỉ kéo dài trong Mùa Chay (nghĩa là hơn kém 40 ngày trong năm); còn việc giữ chay trước khi rước lễ thì áp dụng quanh năm mỗi khi chúng ta đi rước lễ. Điều khác biệt nữa là (như đã nói) vào thời xưa, việc giữ chay trong muà Chay bao hàm việc nhịn ăn cho tới lúc mặt trời lặn; còn việc giữ chay trước khi rước lễ thì chấm dứt sau khi đã rước lễ: do đó ai đi lễ từ sớm thì có thể ăn trước khi mặt trời mọc.
Tục lệ giữ chay trước khi rước lễ có từ bao giờ?
Trước đây, có người nói rằng tục lệ này do các thánh tông đồ truyền lại; nhưng ngày nay, do các cuộc khảo cứu lịch sử, giả thuyết đó không đứng vững. Vào thời các thánh tông đồ, bữa tiệc Thánh Thể được gắn liền với một bữa tiệc huynh đệ, như ta đọc thấy trong chương 11 của thư thứ nhất thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô. Thánh tông đồ đã khiển trách họ không chỉ vì chè chén say sưa trước khi lên rước lễ, nhưng nhất là vì có bàn thì cỗ tiệc thịnh soạn, và có bàn thì trống trơn, tuỳ theo điều kiện kinh tế của thực khách. Tuy nhiên, không rõ từ lúc nào không những Thánh Thể được tách rời hoàn toàn ra khỏi bữa tiệc mà thậm chí các tín hữu phải giữ chay trước khi dự Thánh lễ.
Vào đầu thế kỷ III, Tertullianô đã khuyên các tín hữu đừng ăn uống đồ gì trước khi rước Mình Thánh Chúa. Nhưng đó chỉ là lời khuyên, và hạn chế trong miền Bắc Phi. Sang đến năm 397 (nghĩa là cuối thế kỷ IV), công đồng Cartago III chỉ cho phép những ai giữ chay thì mới được rước lễ, ngoại trừ ngày thứ 5 tuần thánh. Tuy nhiên, đây chỉ là chỉ thị của một công đồng điạ phương. Thế nhưng sang giữa thế kỷ V, thì đã thấy chứng tích của các giáo phụ bên Tây (như Augustinô) và bên Đông (như Athanasiô Grêgôriô Nazianzô, Gioan Kim khẩu) cho thấy tập tục giữ chay trước khi rước lễ được thực hành trong toàn Giáo hội. Theo các ngài, đây là một điều thánh thiện, do lòng đạo đức gợi lên, khi để cho Thánh Thể trở nên lương thực đầu tiên trong ngày.
Như vậy luật giữ chay trước khi rước lễ đã trở thành phổ quát từ thế kỷ V rồi sao?
Các sử gia không tìm được văn kiện nào quy định điều đó. Nói cách khác, vào thời xưa việc giữ chay trước khi rước lễ chỉ là tập tục lành thánh, hoặc chỉ được quy định bởi giáo quyền địa phương. Mãi đến ngày 22 tháng 2 năm 1418, đức thánh cha Martinô IV mới ra luật buộc tất cả các tín hữu khắp nơi phải giữ luật chay Thánh Thể, nghĩa là không được ăn hay uống bất cứ cái gì từ nửa đêm cho đến lúc rước lễ. Luật này được duy trì triệt để cho đến năm 1953, tức là hơn 5 thế kỷ, khi mà đức thánh cha Piô XII gia giảm đôi chút, theo đó, có thể uống nước lã mà không phá chay.
Ngoài ra, thời hạn giữ chay không tính từ nửa đêm cho đến khi rước lễ, nhưng là 3 tiếng trước khi rước lễ nếu là đồ ăn và rượu; 1 tiếng nếu là các đồ uống khác. Vào lúc bế mạc khoá 3 công đồng Vaticanô II (năm 1964), thì đức Phaolô VI giảm thời gian giữ chay trước khi rước lễ xuống còn 1 giờ đồng hồ. Đó cũng là quy định hiện hành của giáo luật ở điều 919, với khá nhiều khoản trừ. Cũng như các khoản luật khác, chúng ta cần phải khám phá ra ý nghĩa của nó, hầu tránh tinh thần vụ luật. Việc giữ chay trước khi rước lễ nhằm bày tỏ lòng tôn kính đối với Mình Thánh Chúa: đây không phải là món đồ tráng miệng, nhưng là lương thực đứng hàng đầu cho cuộc sống của chúng ta. Đàng khác, chúng ta cũng muốn tập hãm mình đôi chút trước khi kết hiệp với hiến tế Thập giá của Đức Kitô.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành