5 câu hỏi liên quan đến những việc làm thương xót?

Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các Kitô hữu suy nghĩ về những việc làm thương xót để « thức tỉnh lương tâm của chúng ta ». Dưới đây là một vài giải thích về những việc làm thương xót.

  1. Đâu là những việc làm thương xót?

 

Truyền thống Giáo Hội nói đến hai loại việc làm yêu thương hay thương xót : những việc liên quan đến thân xác và những việc liên quan đến tinh thần. Kinh thương người có 14 mối tóm tắt hai loại việc làm này.

Những việc làm thương xót liên quan đến thân xác
 : cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đậu nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết.


Những việc làm thương xót liên quan đến tinh thần
 : lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.


2. Đâu là nguồn gốc của những việc làm thương xót thể xác này ?

Người ta tìm thấy nguồn gốc của những việc liên quan đến thể xác trong chương 25 của Tin Mừng theo thánh Matthêu (cc. 31-46). Đây là đoạn Tin Mừng mô tả việc phán xét sau cùng trong đó Con Người ngự trên ngai vinh hiển triệu tập muôn dân và loan báo tiêu chí được vào Nước Trời : « Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; 36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han…. Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy ».

Việc chôn xác kẻ chết không thuộc vào danh sách này. Nó xuất hiện vào thế kỷ XII và được phê chuẩn vào năm 1220 qua bộ giáo luật của Raymond de Peñafort.

3. Đâu là nguồn gốc của những việc làm thương xót tinh thần ?

Chúng lấy lại những lời khuyến cáo khác nhau mà người ta tìm thấy trong Tân Ước. Chúng có thể được đọc như là việc khai triển trên bình diện thiêng liêng những việc làm thương xót thể xác. Một lời nói được gán cho thánh Gioan Kim Khẩu (+ 407) tóm tắt viễn ảnh này : « Trong Giáo Hội, ta không chỉ kể đến những người nghèo vể thể lý, mà thân thể thì đói khát hay không nơi nương thân. Cũng có những người nghèo về mặt tinh thần, thiếu đi lương thực của công lý, thức uống về sự hiểu biết Thiên Chúa, tấm áo của Chúa Kitô… Có những khách lạ với tâm hồn không nơi nương tựa, những người khác với lòng can đảm lung lay, những người mù trong tinh thần, những người điếc bị nhốt mãi trong sự bất tuân phục của họ, những người phải chịu đủ mọi bệnh tật tinh thần, và những người bệnh tật quá đến nỗi họ sợ đón nhận một lương thực tinh thần » (1).

4. Danh sách các việc làm thương xót thể xác có độc đáo không ?

Được xem xét cách riêng rẽ, những việc làm này có thể xem ra tầm thường. Người ta có thể tìm thấy chúng nơi những bản văn cổ xưa khác… Tính độc đáo của chúng trước tiên nằm ở tập hợp mà chúng hình thành : danh sách này hướng đến một nền nhân chủng học, một quan niệm về con người vốn quan tâm đến những hậu quả của tính hữu hạn của nó. Nó cũng nằm ở mối liên hệ với con người của Chúa Kitô. Những việc làm này, những hình thức đặc thù của việc thực hiện Lề Luật Do thái, được sáp nhập vào mầu nhiệm cứu độ của Kitô giáo.

Những việc làm thương xót là theo hình ảnh lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng phải được hiểu như là một biểu lộ tính triệt để của Tin Mừng. « Chúng được tập hợp bởi giới răn thứ hai, mà biến agapè (đức ái) thành quy luật của mọi mối tương quan với tha nhân. Yêu thương tha nhân, đó là nhìn nhận nơi người ấy một cuộc sống tự trị, và cho phép người ấy thực hiện cuộc sống đó », cha Louis-Jean Frahier viết như thế trong một bài nghiên cứu đào sâu về bản văn Cuộc phán xét cuối cùng (2). Khi yêu thương theo tính triệt để mà các việc làm thương xót bó buộc, người môn đệ khiến cho mọi người yêu thương như Chúa Kitô yêu thương và yêu thương Chúa Kitô nơi tha nhân được phục vụ như thế.

Theo cha Frahier, những việc làm thương xót gần với giới răn về tình yêu thương kẻ thù. « Xuyên qua nó, người ta hiểu tốt nhất những gì thuộc về đức ái (agapè) hay lòng thương xót : một sáng kiến nhưng không đối với tha nhân qua đó được thực hiện những gì nằm ở chính nền tảng của các luật cấm của Thập Giới, cho phép tha nhân được nhìn nhận và tồn tại với tư cách là tha nhân. » Sáng kiến này không giới hạn vào việc bố thí nhưng còn là một lời kêu gọi tới công bằng, tới một sự dấn thân xã hội và chính trị nhằm xóa bỏ những bất công. Trong cuốn « Nous avons obtenu miséricorde» (« Chúng ta đã nhận được lòng thương xót »), Đức Hồng y Schönborn đã viết : « Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, viếng kẻ liệt, tất cả điều đó là phù hợp với những cơ cấu từ thiện, với những luật lệ, những thể chế, những cơ quan vốn là những bộ máy của bác ái. Như thế nảy sinh các bệnh viện, các mạng lưới và các cơ sở xã hội ».

 

  1. Có cần thiết thực hành các việc làm thương xót để được ơn cứu độ không ?

Trong bản văn Matthêu 25, những người đã không thực hiện những cử chỉ được đòi hỏi đối với những người đang đói khổ đều được tuyên bố là « những kẻ bị nguyền rủa » và phải chịu « cực hình muôn kiếp ». Do đó, việc được ơn cứu độ dường như ngang qua những việc làm vốn là những cách thức diễn tả đức tin của mình, làm chứng cho đức tin và đào sâu đức tin. Đức Hồng y giải thích : « Càng chìm đắm trong sự sống và cuộc Thương khó của Chúa Giêsu, trong cái chết và sự phục sinh của Ngài, thì sự liên đới của chúng ta với tình yêu của Ngài càng được đào sâu, sự quảng đại của chúng ta càng được thanh luyện, được hoàn thiện đối với những người mà Chúa Giêsu xác định như là‘những người anh em bé mọn nhất của Ngài’, những anh chị em trong sự khốn khổ”.

Như thế, đang khi chính họ có thể hiểu giá trị luân lý cao cả của các việc làm thương xót, thì họ không quyết định làm thế nào những gì họ làm hay không làm cho tha nhân lại động chạm đến Chúa Giêsu, Đấng đã đồng hóa với những người bé mọn nhất. Nếu việc thực hành những việc làm thương xót là cần thiết cho ơn cứu độ, thì không phải vì thế mà nó là một bảo đảm cho việc vào Nước Thiên Chúa. Việc phán xét ai đáng dự phần vào Nước này là một đặc quyền của Thiên Chúa mà thôi, Đấng “dò thấu lòng dạ con người”.

Tý Linh chuyển ngữ

theo GREINER Dominique, La Croix.

(XBVN 02.03.2016)