Đức Thánh cha Phanxicô đã quyết định triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ 16, vào mùa thu năm 2022 và đề tài sẽ được công bố sau.
Trên đây là nội dung thông cáo của Hội đồng chuẩn bị sau khóa họp trong hai ngày 06 và 07/02/2020 vừa qua tại Roma, dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng y Tổng thư ký Lorenzo Baldisseri. Hội đồng này gồm 12 hồng y, giám mục được bầu lên vào cuối Thượng Hội đồng Giám mục kỳ thứ 15 về giới trẻ, hồi tháng cuối tháng 10 năm 2018. Thêm vào đó có 3 thành viên được Đức Thánh cha bổ nhiệm. Vị đại diện cho Á châu là Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, người Philippines, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo. Ngài thay thế Đức Hồng y Joseph Cutts, Tổng giám mục Karachi, Pakistan.
Thượng Hội đồng Giám mục thế giới thường kỳ nhóm họp 3 năm một lần, và lẽ ra khóa tới sẽ tiến hành vào năm 2021, nhưng vì mới có Thượng Hội đồng Giám mục về miền Amazzonia hồi tháng 10 năm ngoái, nên Đức Thánh cha quyết định Thượng Hội đồng Giám mục kỳ thứ 16 tới đây sẽ nhóm vào tháng 10 năm 2022 để có thời giờ chuẩn bị sâu rộng trong cộng đoàn dân Chúa.
Trong khóa họp hôm 06 và 07/02 vừa qua, Hội đồng chuẩn bị đã thảo luận về những đề nghị liên quan đến chủ đề Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16, được tham khảo hồi tháng 10 năm ngoái, và đã chọn 3 chủ đề đệ lên Đức Thánh cha để ngài quyết định và sẽ công bố.
Hội đồng chuẩn bị cũng dành ngày 07/02 để bàn về việc đón nhận Tông Huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ, do Đức Thánh cha ban hành với tựa đề “Christus vivit”, Chúa Kitô đang sống. Đức Hồng y Kevin Farell, Bộ trưởng Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, đã được mời trình bày các hoạt động hậu Thượng Hội đồng Giám mục, mà phân bộ giới trẻ thuộc Bộ này thực hiện để cổ võ việc áp dụng Tông huấn vừa nói của Đức Thánh cha.
Sứ điệp về những hậu quả di cư
Ngoài ra, vào cuối khóa họp, Hội đồng Thượng Hội đồng Giám mục đã công bố một sứ điệp kêu gọi giúp đỡ người di dân và tị nạn, với nội dung như sau:
“Vì chiến tranh, những chênh lệch về kinh tế, vì tìm kiếm công ăn việc làm và những miền đất phì nhiêu hơn, vì bách hại tôn giáo, khủng bố và khủng hoảng môi trường, … nên rất nhiều người buộc lòng phải di tản từ nước này sang nước khác. Những hậu quả nhiều khi thật tai hại. Cá nhân bị lạc hướng, gia đình bị tan vỡ, người trẻ bị chấn thương, và những người ở lại gia cư bị tuyệt vọng. Đôi khi những người di tản phải chịu đau khổ trong các trại tị nạn và một số bị cầm tù. Phụ nữ và người trẻ bị bó buộc mại dâm; họ bị lạm dụng về mặt thể lý, xã hội và tính dục. Các trẻ em bị xa cách cha mẹ và mất quyền được lớn lên trong an ninh của một gia đình hiệp nhất”.
Nghĩa vụ của Giáo hội phải đón tiếp và nâng đỡ di dân, tị nạn
Đứng trước tình trạng đó, Hội đồng của Thượng Hội đồng Giám mục muốn nhắc nhớ rằng, trong khi lên án những lý do tạo nên sự xuất cư ồ ạt như thế, Giáo hội được kêu gọi đỡ nâng, an ủi và đón tiếp tất cả những người đang chịu đau khổ cách này hay cách khác. Giáo hội đồng hóa với người nghèo, người bé nhỏ và ngoại kiều, coi sự dấn thân lên tiếng chống lại bất công, bóc lột và đau khổ là điều thuộc về sứ mạng ngôn sứ của Giáo hội.
Kêu gọi các chính phủ nâng đỡ
“Đồng thời Giáo hội đánh giá cao các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ tỏ ra quan tâm và dấn thân giúp đỡ những người buộc lòng phải tản cư. Giáo hội nâng đỡ những người đang tìm cách đề ra những chính sách ủng hộ việc đón tiếp những người di tản trong các cộng đoàn của họ. Giáo hội cầu mong rằng các chính phủ địa phương đối phó với những tình cảnh bó buộc con người phải rời bỏ gia cư của họ. Giáo hội kêu gọi cảnh giác chống lại nạn buôn người và dấn thân cổ võ chấm dứt các cuộc xung đột, gây ra bao nhiêu đau khổ”. (Sala Stampa 15-2-2020)
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu