Thứ Tư Lễ Tro là một trong những ngày thánh thiêng quan trọng và phổ biến nhất trong lịch phụng vụ. Thứ Tư Lễ Tro khởi đầu mùa Chay, một mùa chay tịnh và cầu nguyện.
Thứ Tư Lễ Tro trải dài suốt 46 ngày cho tới trước Chúa Nhật Chúa Phục sinh, và người Công giáo tham dự thánh lễ này, nhiều Kitô hữu khác cũng cử hành tương tự.
Thứ Tư Lễ Tro bắt đầu từ truyền thống ăn chay và sám hối của người Do Thái thời xưa. Việc thực hành này bao gồm xức tro trên đầu. Tro biểu tượng cho bụi đất mà Thiên Chúa dựng nên chúng ta. Khi Linh mục xức tro lên đầu ta, ngài nói những lời này: “Hãy nhớ bạn là bụi tro, một mai bạn sẽ trở về tro bụi”.
Ngoài ra, linh mục cũng có thể nói: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
Tro cũng biểu trưng cho nỗi buồn sầu đau khổ, theo nghĩa này, buồn sầu vì chúng ta phạm tội và hệ quả là ta xa cách Thiên Chúa.
Nhiều bản văn từ thế kỷ thứ hai cho thấy Giáo hội ám chỉ việc xức tro như một dấu chỉ sám hối.
Linh mục xức tro trong thánh lễ và tất cả mọi người đều được mời gọi nhận lãnh tro như một dấu chứng thể hiện lòng ăn năn sám hối. Thậm chí không phải là Kitô hữu, và những người bị vạ tuyệt thông đều được mời gọi lãnh nhận tro. Tro được đốt từ những nhành lá đã làm phép từ ngày Chúa Nhật lễ Lá trước đây.
Thật quan trọng để nhớ rằng Thứ Tư Lễ Tro là một ngày cầu nguyện và ăn chay tỏ lòng sám hối. Nhiều tín hữu nghỉ làm việc và chỉ ở nhà. Thật không thích hợp chút nào nếu dành ngày này để ăn uống, mua sắm hoặc đi chơi sau khi được xức tro. Lễ hội thì không thích hợp chút nào. Chỉ có trẻ em và người già hoặc bệnh nhân mới được đặc cách mà thôi.
Không nhất thiết phải giữ tro trên đầu trong cả ngày, và chúng ta cũng có thể làm sạch tro sau Thánh Lễ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn giữ tro tới đêm khuya để nhắc nhớ mình.
Gần đây cũng có nhiều đổi thay trong mục vụ nhằm xức tro cho những người đi đường ở nhiều nơi công cộng. Đấy dường như không bị cấm cản, nhưng người Công Giáo nên biết việc thực hành này rất khác so với của anh em Tin Lành. Người Công giáo vẫn nên nhận lãnh tro trong thánh lễ mà thôi.
Trong nhiều trường hợp, Linh mục có thể xức tro hoặc một thành viên trong gia đình có thể xức tro cho bệnh nhân hoặc người tàn tật.
Phạm Đình Ngọc SJ,
(dongten.net 27.02.2017/catholic.org)