Ba cái nhìn về nhân vị theo Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

Thần học về Thân xác của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II bàn về ba tình trạng của con người. Con người trước khi phạm tội (Con người Nguyên thủy), con người sau khi Sa ngã (Con người Lịch sử), tức là tình trạng hiện tại của chúng ta, và cuộc sống của chúng ta với Thiên Chúa trên thiên đàng sau Cuộc Tái lâm của Đức Kitô (Con người Cánh chung).


 
Con người nguyên thủy

 Tình trạng con người nguyên thủy liên quan đến hai người: Ađam và Evà. Họ ngắm nhìn nhau với “tất cả bình an của cái nhìn nội tâm”. Thiên Chúa đi dạo giữa họ, gợi lên một sự thân thiết với Đấng tạo hóa mà chúng ta chỉ có thể tưởng tượng mà thôi. Tội lỗi chưa chạm tới cuộc sống của Ađam và Evà. Nết xấu, sự sa đọa và nỗi tuyệt vọng nằm bên ngoài kinh nghiệm của họ.

Ranh giới giữa tình trạng con người nguyên thủy và con người lịch sử là cây biết thiện ác. Con người là nhân vị duy nhất trong khu vườn. Các động vật không phải là những nhân vị. Chúng không thể canh tác đất đai hay chăm sóc khu vườn, càng không có sự lựa chọn, chiêm ngắm, và yêu thương như con người vốn được kêu gọi để thực hiện.

 Trước khi phạm tội, toàn bộ thế giới là đền thờ, nơi mà con người phụng thờ một Thiên Chúa chân thật. Con người sở hữu toàn bộ sự thánh thiện và công chính nguyên thủy. Với tội lỗi của Ađam, thế giới không còn là đền thờ nữa. Thiên đường đã mất.

 Thánh Gioan Phaolô II bắt đầu những suy tư của mình về “Con người Nguyên thủy” bằng cách phân tích đoạn Tin mừng Mt 19,3-8, trong đó, những người Pharisiêu đặt vấn đề với Chúa Giêsu về việc chấp thuận ly dị. Chúa Kitô trả lời rằng ly dị không nằm trong kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa dành cho con người. Chúa Giêsu bắt đầu và kết thúc câu trả lời của mình bằng việc nhắc đến cụm từ “lúc khởi đầu”. Cuộc tranh luận này cho thấy rằng đã có một thời (“lúc khởi đầu”) con người không cần đến ly dị, đúng như ý định của Thiên Chúa.

Con người Lịch sử

Sau khi Sa ngã, tội lỗi xâm nhập vào cuộc sống con người cùng với dục vọng và cái chết. Toàn thế giới không còn là một đền thờ. Việc xây dựng một đền thờ để thờ phượng Thiên Chúa trở nên cần thiết. Hơn nữa, con người cần thánh hóa hoặc thanh tẩy chính mình trước khi tiến vào chốn thánh thiêng này. Mọi thứ trong thế giới được tạo thành đã bị xâm phạm bao gồm cả bản tính con người, mối tương quan của chúng ta đối với chân, thiện, mỹ, với thế giới tự nhiên, tương quan với nhau và với Thiên Chúa.

 Trong suy tư của ngài về “Con người Lịch sử”, Thánh Gioan Phaolô II chú trọng đến những lời sau đây của Chúa Kitô: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,27-28).

 Lời khuyên răn của Chúa Giêsu nhắc nhớ chúng ta rằng ngoại tình xâm phạm đến cam kết cá nhân giữa vợ chồng và đi ngược lại sự chung thủy vợ chồng. Hành vi quan hệ giữa hai vợ chồng là một “dấu chỉ chân thực” của giao ước tình yêu mà hai người đã thề nguyền để trở nên một thân thể, tâm trí và một linh hồn với nhau. Tội ngoại tình (hay bất kỳ hành vi quan hệ tính dục ngoài hôn nhân nào) làm đổ vỡ sự hiệp nhất cùng với sự thánh thiêng, nhân vị sâu xa, sự biểu lộ tình yêu của con người trong đời sống vợ chồng. Khi quan hệ tính dục ngoài hôn nhân, cặp đôi ngoại tình phạm tội lừa dối với thân xác của mình.

 Suốt dòng lịch sử, chúng ta thấy được một số giáo huấn của Chúa Kitô về tội ngoại tình như một sự kết án thân xác. Thánh Gioan Phaolô II làm sáng tỏ ý nghĩa mà Chúa Cứu thế muốn diễn đạt. Hiểu cách chính xác, giáo huấn của Chúa Kitô là lời kêu gọi để con tim nhắc nhở chúng ta biết yêu thương cách vị tha, chứ không phải là kết án con người và nhu cầu xác thịt.

 

Con người cánh chung

 Vào thời của Chúa Kitô, tục cưới chị dâu đã được truyền lại. Nếu một người phụ nữ Do thái góa chồng và không có con, khi đó, một anh em của người chồng quá cố buộc phải cưới chị ta để sinh con nối dõi. Những người Sađốc thử đặt bẫy Chúa Giêsu với một câu hỏi liên quan đến đời sống vợ chồng như thế (Mc 12,20-27). Nếu một phụ nữ góa bụa liên tục kết hôn đến sáu lần theo Tục cưới chị dâu, mà cả bảy người chồng đều qua đời, vậy ai sẽ là chồng của chị ở cuộc sống đời sau? Chúa Giêsu trả lời rằng những ai sống lại từ cõi chết “thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời” (Mc 12,25). Thân xác được phục sinh của chúng ta vẫn giữ lại giới tính nam hay nữ, nhưng đây sẽ là “một thân xác thiêng liêng khác với cuộc sống trần thế”. Thân xác thiêng liêng này sẽ giải thoát chúng ta khỏi “sự đối lập” giữa tinh thần và thể xác, đem lại cho chúng một sự hòa hợp hoàn hảo. Điều này sẽ được Thiên Chúa thực hiện bằng cách thông ban chính thần tính của Người, không chỉ cho linh hồn, mà còn cho toàn thể con người hiệp nhất trong một thân xác, tinh thần và linh hồn. Thánh Gioan Phaolô II lưu ý rằng trong tình trạng phục sinh, Hôn nhân và sinh sản mất đi lý do hiện hữu của nó.

 Sau Chung Thẩm, “Con người lịch sử” sẽ nhường chỗ cho “Con người Cánh chung”; người tốt sẽ tận hưởng Phúc kiến, nhìn thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, và cảm nghiệm được hạnh phúc viên mãn. Lịch sử Cứu độ sẽ kết thúc khi đạt được mục đích tối hậu của mình, tình yêu sẽ chiến thắng sự dữ, và bóng tối sẽ không còn.

Matthew Coffin

 Minor Greg chuyển ngữ

(gpquinhon.org 29.02.2020/ bigccatholics.blogspot.com)