1 “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán,2 vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.
3 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?4 Sao anh lại nói với người anh em: “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn”, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? 5 Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.
***
1. Thẩm phán
« Anh em đừng xét đoán ». Lời này của Đức Giê-su, nếu được dịch sát nghĩa từ bản văn Hi-lạp, sẽ là: « Anh em đừng tự đặt mình như là thẩm phán ». Thẩm phán là người có quyền cao nhất ở tòa án : trước khi xử án, ông đã phải nghiên cứu hồ sơ vụ án thật kĩ ; và trong quá trình xử án, trước khi kết án và ra hình phạt chiếu theo luật hiện hành, ông phải nghe các bên đối chất với nhau, nghe các lời biện hộ, thảo luận với các phụ tá…
Như thế, không cần phải là nhà chuyên môn về Luật, ai trong chúng ta cũng biết rằng định tội một người là điều không hề đơn giản. Vì thế, có những phiên tòa kéo dài, đôi khi phải tạm dừng việc xét xử để điều tra lại ; và có khi phải chuyển vụ án lên cấp cao hơn. Ngoài ra, khó định tội, không phải chỉ vì thiếu chứng cứ, nhưng còn vì động lực của người tố cáo không luôn luôn ngay thẳng, như kinh nghiệm sống cho chúng ta biết.
2. « Đừng xét đoán »
Vì thế, lời mời gọi của Đức Giê-su : « anh em đừng xét đoán » là một lời gọi rất hợp lí. Không chỉ bởi vì, chúng ta không phải là thẩm phán đối với người khác; và nếu chúng ta tự coi mình là thẩm phán, thì hãy biết rằng để kết tội một người là điều không hề đơn giản.
Bởi vì chúng ta chỉ biết được hành vi thôi ; trong khi đó, để xét đoán, còn phải biết động lực, hoàn cảnh, những vấn đề của nội tâm, vết thương, đau khổ, quá khứ, nền giáo dục, gia cảnh, mức độ hiểu biết và nhất là tự do. Bởi vì để thành tội, người ta phải có tự do ; và loài người chúng ta, không bao giờ có được sự tự do hoàn toàn. Đó là trường hợp tội nguyên tổ, tội của mọi tội, bởi lẽ, sau khi vi phạm lệnh truyền, người phụ nữ nói và nói rất đúng với Đức Chúa : « Con rắn lừa dối con, nên con ăn » (St 3, 13). Chính vì thế, trong cuộc thương khó, Đức Giê-su thưa với Chúa Cha : « Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm » (Lc 23, 34).
Ngoài ra, trong hành vi phạm tội, con người vừa là tác nhân và vừa là nạn nhân, bởi vì Sự Dữ mạnh hơn con người. Như trường hợp ông Giu-đa : « Ma quỉ đã gieo vào lòng Giu-đa… », và nhất là « Xa-tan liền nhập vào y » (Ga 13, 2 và 27) ; và như thánh Phao-lô nói : « Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là Tội vẫn ở trong tôi » (Rm 7, 19-20).
Và cuối cùng, chính chúng ta cũng là những người phạm luật, và có khi còn nghiêm trọng hơn. Vì thế, khi xét đoán và lên án người khác, chúng ta lên án chính chúng ta. Đó là trường hợp của những người đòi tố cáo, kết án và thi hành án tại chỗ người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8, 1-11).
Hơn nữa, lời hứa « không bị Thiên Chúa xét đoán » phải đánh động và thu hút chúng ta, nhất là chỉ với một điều kiện thật nhẹ nhàng, đó là chúng ta đừng xét đoán nhau. Cũng tương tự như lời hứa được Thiên Chúa tha thứ, nếu chúng ta biết tha thứ cho nhau.
3. Cái rác và cái xà
Và để thuyết phục chúng ta đừng xét đoán, Đức Giêsu còn đưa ra một lí do nữa, đó là sự hiện diện của cả cái xà trong mắt chúng ta và cái rác hay cọng rơm trong mắt người khác; ở đây có sự tương phản rất lớn : một đàng là cả một khúc gỗ, một đàng là chỉ có một cọng rơm mà thôi.
Điều này có nghĩa là, ở nơi chúng ta, có rất nhiều ngăn trở và có những ngăn trở rất lớn, làm cho chúng ta không thể nhìn rõ, để có thể xét đoán người khác. Chẳng hạn, trong Tin Mừng theo thánh Gioan, Đức Giê-su nói với những người xét đoán người phụ nữ ngoại tình : « Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi » (Ga 8, 7).
Đức Giêsu bảo hãy lấy cái xà của mình ra trước. Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: chúng ta không thể tự làm cho mình trong nên trong sạch được. Chỉ có Chúa mới làm cho chúng ta nên công chính bởi lòng thương xót. Nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh, Thiên Chúa không xét đoán nhưng thương xót chúng ta. Như Ngài nói, trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan, mà chúng ta nghe trong ngày lễ kính Thiên Chúa Ba Ngôi : Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.
Vì thế, chính kinh nghiệm đích thân được Thiên Chúa bao dung và thương xót, không chỉ làm cho mắt chúng ta nên trong sạch, nhưng còn làm cho chúng ta không còn xét đoán nhau, nhưng cũng bao dung và thương xót người khác.
(Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc,SJ)