Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo – Chương 9: Ảo Vọng Quyền Lực
CUỘC LỮ HÀNH ÐỨC TIN
LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Chương 9: ẢO VỌNG QUYỀN LỰC
(Thế kỷ XI – XIV)
* Việc hình thành kinh Tin Kính Phần II : GIÁO HỘI THỜI TRUNG CỒ * Bối cảnh phát sinh Chính Thống Giáo * Những nền tảng Nước Kitô (tk 11-13) Phần III : GIÁO HỘI THỜI PHỤC HƯNG * Cuộc canh tân Gíao hội (c.đồng Trentô) * GH và cuộc khủng hoảng lương tâm Tk.18 * Phúc Âm hóa toàn thế giới (Tkỷ 15-18) Phần IV : GIÁO HỘI THỜI HIỆN ĐẠI * Từ Cách Mạng 1789 đến Vatican I * GH giữa thế giới Tân Tiến (1870-1939) * Sự trưởng thành các xứ truyền giáo Tk. 19 * Giáo Hội thời Vatican II (1939-1985) Phần V : GIÁO HỘI VIỆT NAM * GHVN thời sơ khai (tk 16-17) * GHVN thời cận đại (1802-1933) |
Đúng lúc Giáo hội Âu Châu trở thành sức nối kết các quốc gia, thái độ của người Hồi Giáo-Thồ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy Giáo hội dùng đến sức mạnh. Một vài thắng lợi nhỏ đã khiến một số giới chức trong Giáo hội sinh ra ảo tưởng về quyền lực. Họ nghĩ đó là con đường ngắn nhất để phát triển Giáo hội hoặc để giáo dục con cái mình. Người ta quên rằng Nước Đức Kitô không thuộc trần gian, quên rằng trong Nước đó người làm đầu phải hầu thiên hạ (Mt 20, 25 tt), và quên rằng Đức Kitô đã chiến thắng bằng con đường Khồ Giá.
Thất bại của binh thánh giá và tòa tra là bài học lớn của lịch sử giúp ta tránh những ảo vọng tương tự.
I. CÁC CUỘC THÁNH CHIẾN
1,1. Nguyên nhân
Với các kitô hữu, Thánh Địa là mảnh đất thiêng liêng. Nếu mới đầu các tín hữu Do thái về Đền Thánh theo luật Mai-sen, thì từ khi thánh nữ Helena tìm ra Thánh Giá, việc hành hương biến thành phong trào. Đức Gregorio Cả xây nhiều lữ quán để đón tiếp họ. Các tín hữu về Giêrusalem để đền tội hoặc để cảm nghiệm sâu sắc hơn cuộc sống và cái chết của Đức Kitô.
Người Hồi giáo Ả Rập đã chiếm Thánh Địa từ thế kỷ VII. Nhưng khi đó, những ông chủ này tương đối dễ tính với tín hữu địa phương và khách hành hương, miễn là họ nộp thuế. Hoàng đế Charlemagne còn cho xây đan viện tại vườn Cây Dầu. Thế nhưng năm 1070, Hồi quân Thồ Nhĩ Kỳ của Seljoukide chiếm đóng vùng Tiểu Á thì khác. Năm 1071 họ chiếm đóng Giêrusalem, cản trở sinh hoạt tôn giáo và trở thành mối lo cho đế quốc Byzantin. Hoàng đế Michael VII cầu cứu Tây phương. Đức Gregorio VII liền hô hào đi cứu Mồ Thánh. Nhưng vì ngài bận rộn với Henri IV, nên đức Urbano II mới là người khởi sự Binh Thánh Giá vào năm 1095 tại công đồng Clermont.
“Thế là người giàu kẻ nghèo, cả phụ nữ, đan sĩ lẫn giáo sĩ, thị dân và nông dân đều khát mong đi Giêrusalem hoặc hôỵ trợ cho những người lên đường”(Oderic Vital, Hist. Ecclesiastique 1135, Xc J.Comby Sđd I, P.162.). Niềm tin của họ khá đơn sơ ; Nogent đã kể : “Có kẻ không biết cầm vũ khí nhưng lại mong tử đạo. Họ nói với các chiến sĩ : các anh khỏe mạnh và can đảm nên ra trận, còn chúng tôi, chúng tôi chịu đau khỗ với Chúa Kitô để đoạt được Nước Trời” (Bùi Đức Sinh, LSGH I tr.318).
1,2. Tám cuộc Thánh Chiến
Ngoài những cuộc vận động lẻ tẻ như của đan sĩ Phêrô mà 9/10 đã chết dọc đường, lịch sử thường ghi nhận 8 cuộc thánh chiến
Khởi xướng | Ðặc tính | Kết quả | |
1. 1096-99 |
Đ. Urbano II |
4 đạo quân quần chúng |
Vương quốc Giêrusalem, ba hầu quốc Edessa, Triapoli và Antiokia |
2. 1147-49 | Th. Bênadô | Pháp, Ðức | Thua vì ô hợp |
3. 1189-92 | Ð. Urbano III | Pháp, Ðức, Anh | Thua vì ô hợp |
4. 1198 -1204 | Ð. Innocente III | Bị thương gia Venise chi phối | Chiếm Constantinople |
5. 1217-21 | Hung, Ðức, Áo | Ðánh Ai Cập | Rút vì lụt lội |
6. 1228-29 | H.đế Frederic II | Ðức | Thỏa Uớc Jaffa |
7. 1248-54 | Vua Louis IX | Pháp | Vua bị bắt : Chuộc |
8. 1270 | Vua Louis IX | Pháp | Vua bị bệnh dịch : Chết |
Dù có Dòng Bệnh Viện (1099) và Dòng Đền Thờ (1119) năm 1146 Edessa bị tái chiếm khiến thánh Benađô phải nhọc công hô hào thánh chiến lần thứ II. Năm 1187, Hồi quân Ai Cập tái chiếm Giêrusalem, gây nên thánh chiến III. Ảo vọng quyền lực bộc lộ rõ trong thánh chiến IV và V.
Cuộc chiến thứ VI kết thúc bằng Thỏa ước Jaffa, theo đó Hồi quân nhường lại Bêlem, Giêrusalem và Nagiarét, nhưng họ chỉ giữ Thỏa ước 10 năm. Hai cuộc viễn chinh cuối chỉ còn vua Louis IX với những nôỵ lực sau cùng. Sau đó, mọi lời hô hào Binh Thánh Giá gần như không được hưởng ứng. Năm 1342, vua nước Pháp Roland d’Anjou mua Thánh Mộ, đức Clêmente VI trao cho Dòng Phanxicô quản trị.
1,3. Nhận định
Tuy lấy tôn giáo làm lý do hô hào binh sĩ, nhưng ta có thể thấy nhiều yếu tố nhân loại nơi những người tham gia cuộc chiến, đó là : lãnh địa cho các ông hoàng, chiến phẩm cho binh sĩ, tước hiệp sĩ cho giới bình dân, sự kính nể của người ở nhà và ân xá cho các tội nhân.
Hơn nữa, chiến tranh bao giờ cũng mù quáng giết hại những người vô tội. Chiến tranh phải có kẻ chiến thắng người thua, có mối hận thù về người thân bị giết và làm cho người Kitô hữu với người Hồi giáo ngày càng xa nhau hơn.
Nếu không kể một số phát triển về vấn đề văn hóa và kinh tế (giao lưu ba nền văn hóa Latinh – Hy Lạp – Islam ; việc buôn bán trực tiếp với Đông phương ; học hỏi cải tiến kỹ thuật), Binh Thánh Giá hầu như hoàn toàn thất bại. Có lẽ đó là ý Chúa, vì Thiên Chúa không cần đến bạo lực của nhân loại mà chỉ muốn xây dựng tình thương. Người ta đã quên mất tổ tiên mình (German) đã được Tin Mừng cảm hóa trong trường hợp nào.
II. VIỆC TRẤN ÁP CÁC LẠC GIÁO
Ngay trong thời điểm thành công nhất của thần quyền chính trị, Giáo hội vẫn chịu sự phân rẽ ngay trong nội bộ. Người ta quen gọi là những nhóm lạc giáo. Có nhóm không công nhận giáo lý Giáo hội, có nhóm nhân danh Tin Mừng để đả phá các giáo sĩ giàu có và phong kiến. Rồi từ những dị biệt nhỏ, họ xa dần Giáo lý chính thống và phê phán cơ chế Giáo hội. Càng ngày họ càng ít được dung thứ.
2,1. Phong trào Vaudois
Dù hồ sơ Tòa Tra không nói tốt cho họ, ta vẫn thấy nhóm Vaudois nằm trong phong trào trở về nguồn Tin Mừng của thế kỷ XII. Đó là kết quả cuộc cải cách của Đức Gregorio VII. Tiếc rằng hành trình về nguồn của nhóm không được thuận lợi như hai Dòng tu lớn Phanxicô và Đa Minh (xin coi chương X).
Khoảng năm 1170, Valdo phát động phong trào “người nghèo Lyon”. Ông vốn là một thương gia giàu có, bối rối về lợi tức, đã đem bán toàn bộ tài sản Rồi đi rao giảng về sự nghèo khó của Tin Mừng. Ông qui tụ nhiều nhóm nam nữ. Họ cùng nhau đọc Kinh Thánh theo tiếng Pháp, học thuộc lòng nhiều đoạn văn các Giáo Phụ. Họ đến các quảng trường hô to lên : “Không thể làm tôi hai chủ, Thiên Chúa lẫn tiền tài”.
Hàng giáo sĩ Pháp bấy giờ không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tâm linh và trí thức của giới thị dân. Các vị chỉ thấy mình bị phê phán, nên tỏ ra e ngại các nhà giảng thuyết không chức thánh này. Giáo hoàng Roma lại trao quyền thẩm định cho Giáo hội địa phương. Và tỗng giám mục Lyon là Gioan cấm nhóm Vaudois đi giảng, liệt họ vào danh sách các lạc giáo. Thế là họ phân tán đi Languedoc, Dauphine, Provence và Bắc Ý.
Nếu trước, nhóm Vaudois là lời phản kháng có tính Tin Mừng, thì từ nay, họ liên kết với các nhóm khác chống đối hàng giáo phẩm. Họ đề cao chức tư tế cộng đoàn và chống lại mọi công việc có tính làm giàu. Họ nói chỉ có họ mới thi hành sứ vụ đích thực. Điều đáng tiếc của nhóm Vaudois là không tin vào sức mạnh của Lời Chúa, thiếu kiên nhẫn và chọn cách ứng xử thiếu tính Tin Mừng bác ái yêu thương.
2,2. Chờ đợi thế giới tốt hơn
Cũng trong hướng về nguồn Tin Mừng và Giáo hội sơ khai xuất hiện nhiều trào lưu tiên đoán về tương lai nhân loại dựa vào sách Khải Huyền và các sách Tiên tri. Phong trào “Ngàn Năm” dựa vào Khải Huyền 20, 4-5. Sống trong một xã hội khổ cực và tràn đầy bất công, một số người mong đợi Nước Trời chưa đến, nơi tình thế hiện tại sẽ bị đảo lộn. Đó là khởi điểm phát sinh các cuộc cách mạng tâm linh do những nhân vật tự nhận mình được Thánh Thần linh ứng.
Nổi tiếng trong trào lưu này là Joachim de Flore (1130-1202), ông nói đến lịch sử có ba thời kỳ : sau thời Chúa Cha Cựu Ước, thời Chúa Con Tân Ước, nay đến thời Thánh Linh kéo dài vô tận. Mỗi vị thiên thần thổi loa trong Khải Huyền, ông gán cho một hạng người nào đó sẽ xuất hiện.
2,3. Nhóm Cathares
Học thuyết của nhóm Cathares khác hẳn với Giáo lý Giáo Hội, được phổ biến nhiều tại Languedoc và Bắc Ý. Người ta coi họ là theo phái Manikê xưa, vì họ chủ trương Nhị nguyên.
Để trả lời câu hỏi muôn thuở của con người về nguồn gốc sự ác, thì nhị nguyên có vẻ có lý hơn nhất nguyên. Cathares “những người tinh tuyền” tự nhận mình là kitô hữu tốt (bon chrétien) và lấy lại nhiều nghi lễ của Giáo hội Thượng Cổ. Những ai lãnh nhận nghi thức đặt tay (Consolamentum) đều được phái đi giảng. Thế nhưng vì coi thân thể là vật chất xấu xa, họ chối việc Đức Kitô nhập thể và lên án hôn nhân. Đối với tín hữu thường, họ đòi hỏi ít hơn : cho phép lập gia đình và kêu gọi góp tiền giúp những người “hoàn hảo”.
2,4. Trấn áp lạc giáo.
Nói chung suốt 11 thế kỷ đầu không có bản án tử hình nào cho người lạc giáo, cùng lắm là án tù hoặc lưu đày. Thánh Gioan Kim Khẩu từng nói : “Giết một người lạc đạo là làm nẩy sinh trong thế gian một tội ác không thể nào đền bù được”.
Thế kỷ XI, đức tin trở thành nền tảng của xã hội Âu Châu. Do sức ép của dân chúng, một vài vị Vua muốn tiêu diệt những ai bất đồng chính kiến, thì Giáo hội vẫn phản đối án xử tử. Giám mục Wason thành Liège viết năm 1045 : “Những người hôm nay là đối thủ, biết đâu nhờ ơn Chúa, lại sẽ ở cao hơn ta trong thiên đường… Chúng ta được gọi là Giám mục, chúng ta được Chúa xức dầu để đem lại sự sống chứ đâu phải giết chết”.
Giữa thế kỷ XII, thánh Benađô khi giải quyết lạc giáo ở Cologne còn nói : “Đức tin là kết quả của thuyết phục chứ không thể áp đặt được”. Thế nhưng vì lạc giáo vẫn tiếp tục gia tăng, các thứ vạ tuyệt thông dường như cũng bất lực, các biện pháp khác được đem ra áp dụng. Bộ luật Gratiano (1142) vẫn nhấn mạnh việc thuyết phục, trường hợp đặc biệt mới xử án Rồi trao cho cánh tay trần thế thi hành. Công đồng Laterano III (1179) phân biệt : với lạc giáo ít người chỉ dùng hình phạt tinh thần, còn nếu họp thành băng nhóm đông người thì cần dùng đến sức mạnh. Vua Aragon (1197) và Đức Innocente III (1199) thêm cho kẻ cố chấp tội “khi quân”. Bản án tử hình vẫn chưa xuất hiện.
Năm 1208, sau khi đặc sứ Castelnau bị ám sát tại Pháp, binh thánh giá chống Aligeois bùng nỗ. Thực chất đây là cuộc tranh chấp giữa các ông hoàng hai phía Bắc Nam, nhưng hàng ngàn người Cathares đã bị giết. Tại Béziers, nhiều người bị thảm sát ngay trong thánh đường. Ở Minerva, hàng trăm anh em Cathares nói : “Chúng tôi đã thề bỏ Giáo hội Roma. Dù sống dù chết cũng không thể làm chúng tôi bỏ đức tin của mình được”. Rồi tất cả hăng hái nhảy vào đống lửa.
2,5. Pháp đình tôn giáo
Tòa Tra hiểu theo nghĩa truy lùng và trừng phạt xuất hiện năm 1184 do Thỏa ước giữa đức Lucio III và hoàng đế Frederic II. Còn Tòa Tra được phép kết án tử hình được khai sinh trong khoảng 1224-1233. Khổ hình lợi ích được dùng như thuốc đắng để trị bệnh. Tòa tra trần thế do Frederic II (1224), Tòa tra của Giám mục Toulouse (1229), tiến đến Tòa tra Giáo hoàng do đức Gregorio IX (1233) đặt dưới quyền điều khiển của giáo triều.
Để tránh kết án sai lầm, mỗi chánh án thường có một “Cố vấn” giám sát và can gián. Khi kết án tử hình hoặc tù chung thân phải được vị giám mục sở tại đồng ý. Nhiều chánh án lạm quyền đã bị đức giáo hoàng khiển trách hoặc truất chức. Thế nhưng càng về sau, yếu tố nhân phàm càng chi phối các Tòa tra : Dòng Đền Thờ ở Pháp bị tiêu diệt vì tài sản, và chân phước Jeanne d’Arc bị giáo sĩ Anh thiêu sống vì lý do chính trị …
Qua diễn biến xử án, rõ rệt các chánh án phải chịu trách nhiệm về bản án, vì cánh tay trần thế chỉ lãnh phần thực hiện thôi. Nếu trước khi châm lửa, tất cả cùng tuyên xưng đức tin (auto da fer) thì thực tế ít ai dám chắc bản án không do những động lực khác. Mà dù lương tâm các chánh án có trong sáng mấy đi nữa, không thể nào chấp nhận nỗi những giáo sĩ rao giảng Tin Mừng yêu thương, lại có thể can đảm thiêu sống những kẻ không chấp nhận giáo huấn của mình. Và dù cho công luận đại chúng thời đó cho rằng “làm biến chất đức tin, tức là sự sống của con người, còn nghiêm trọng hơn làm bạc giả nhiều” (Suma II, II, q 11, a 3), thì mọi biện pháp trấn áp chẳng thể nào đem lại đức tin thực sự được. Bạo lực chẳng bao giờ thắng được tinh thần.
Đọc lại những trang sử nổi cộm thường bị đem ra châm biếm nhất của Giáo hội Trung Cỗ, chúng ta cần giữ được tâm trạng bình thản. Từ thân phận bị đàn áp thuở ban đầu chuyển sang vị thế có uy quyền, quyền bính trong Giáo hội đã gặp những cạm bẫy như bất cứ tổ chức nào sau chiến thắng thường gặp. Sống giữa thế giới, con người trong Giáo hội khó có thể thoát khỏi những ảnh hưởng của xã hội và những yếu tố nhân phàm. Nên cần phải đánh giá sự kiện theo tư duy của người đương thời. Nhưng cũng cần đọc lại hiến chế Giáo hội của Vatican II : “Tuy cần đến những phương tiện nhân loại để chu toàn sứ vụ mình, Giáo hội được thiết lập không phải để tìm kiếm vinh quang trần thế, nhưng để truyền bá khiêm nhường và từ bỏ, bằng gương lành của chính mình” (Lumen Gentium số 8c).
TOÁT YẾU
1/. Binh Thánh Giá :
Trước thái độ của Hồi quân Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ XI, các giới chức Giáo hội đã tổ chức tám cuộc binh thánh giá, từ 1096 đến 1254. Giáo hội lập một số tiểu quốc tại vùng Đông phương và đã phải khá vất vả để gìn giữ nó. Kết cuộc Mồ Thánh vẫn không được giải thoát. Giới có lợi duy nhất là các thương nhân thành thị, yếu tố quan trọng làm sụp đổ chế độ phong kiến sau này.
2/. Trấn áp lạc giáo :
Ảnh hưởng cuộc cải cách đức Gregorio VII, nhiều nhóm trở về nguồn Tin Mừng xuất hiện, phản kháng lại sự giàu có xa hoa của hàng giáo sĩ bấy giờ. Thế nhưng vì thiếu khả năng thần học, thiếu tế nhị, họ bị đẩy ra bên lề Giáo hội để tiến dần đến lạc giáo. Nổi tiếng nhất có phong trào Vaudois (từ 1170) và Nhóm Nhị nguyên Cathares. Sau một số xô xát, các lạc giáo bị trấn áp bằng võ lực và các Tòa Tra (1184 đến 1233).
CÂU HỎI
1. Nguyên nhân phát sinh các cuộc binh thánh giá ?
2. Các nguyên nhân phụ của binh-không-thánh-giá ?
3. Binh thánh giá thành công hay thất bại ? Tại sao ?
4. Nhận định về lạc giáo Vaudois ?
5. Nhờ đâu phái Cathares vẫn phát triển mạnh mẽ ?
6. Không trấn áp lạc giáo, bạn sẽ xử sự thế nào cho hợp với Tin Mừng hơn ?
7. Có nên mặc cảm khi thấy Giáo hội “giữa lúa có cỏ lùng” chăng ?
BÀI ĐỌC THÊM
CÔNG ĐỒNG CLERMONT – 1095
(…) Với bản tường thuật cảm động đầy chi tiết, đức Urbano II trình bày về những đau khổ do áp bức của người Sarrasins dành cho các tín hữu Đông phương. Trong bài diễn từ đạo đức, ngài cảm xúc và khóc lên khi gợi đến việc người ta dày xéo dưới chân Giêrusalem và Thánh Địa mà xưa đức Giêsu và các thân hữu đã sinh sống. Thế là, ngài đã làm cho nhiều thính giả cùng khóc với ngài, vì chia sẻ sự xúc động sâu xa và lòng cảm thương của ngài với những người anh em mình.
Rồi với giọng điệu hùng hồn, ngài đọc một diễn văn dài đầy tính thuyết phục, kêu mời những người tây phương cùng bạn bè, hãy tôn trọng lời thề bảo vệ hòa bình,hãy mang dấu Thánh Giá trên vai phải. Ngài kêu mời họ, những chiến sĩ ưu tú hãy cho dân ngoại biết khả năng chiến đấu của mình. (…)
Thế là người giàu kẻ nghèo, cả phụ nữ, đan sĩ lẫn giáo sĩ và nông dân đều khao khát mong muốn đi Giêrusalem, hoặc hỗ trợ cho những người lên đường. Các ông chồng sẵn sàng bỏ nhà cửa lẫn bà vợ yêu quý. Nhưng các bà lại la lên, đòi theo nam giới trong đoàn hành hương, dù phải bỏ lại toàn bộ tài sản.Nhiều gia sản trước giá rất mắc, nay được bán rẻ mạt, để mua sắm vũ khí tham gia cuộc phục hận của Chúa trước đám bạn thiết của đức Allah . Cả những kẻ trộm cướp và gian ác cũng biểu lộ nỗi bất bình. Họ được ơn Chúa, xưng thú tội lỗi, sẵn sàng từ bỏ tất cả để tham gia Thập tự quân đền tội mình.
Thế nhưng, đức thánh cha còn nhìn xa hơn , ngài muốn mọi người có thể cầm vũ khí đều tham gia cuộc chiến chống lại kẻ thù của Chúa, nên ngài xá giải cho họ mọi tội lỗi, hình phạt khi họ khởi sự cần Thánh giá Chúa.
(Đan sĩ Oderic Vital, LSGH 1135 – JC, Để đọc LSGH I,p.162)
CHIẾM GIÊRUSALEM NGÀY 15.7.1099
Binh Thánh giá lần I
(…) Thứ sáu (15.7) trời đã sáng tỏ, chúng tôi tổng tấn công thành phố,lòng đầy lo ngại vì không được quyền tàn phá. Đến đúng giờ Chúa ta chết khổ hình thập giá, các hiệp sĩ của ta chiến đấu dũng mãnh tại các lâu đài, trong đó có công tước Godefroi và em ông là bá tước Eutache. Bấy giờ một hiệp sĩ của ta tên là Liétaud dùng thang đã lên được tường thành. Tức thì nhóm bảo vệ thành bỏ chạy. Quân ta rượt theo, truy lùng mãi đến tận đền thờ Salomon để chém giết, tại đó xảy ra một cuộc thảm sát và quân ta dầm chân trong máu đến mắt cá chân (…).
Sau khi thắng dân ngoại, quân ta bắt được trong đền thờ khá đông đàn ông và phụ nữ. Quân ta đã giết tất cả chỉ để lại một số kẻ có vẻ hiền lành. Khi đó trên nóc đền thờ Salomon, còn một nhóm nữa, nhưng Tancrède và Gaston ra hiệu cờ dung tha. Thế rồi, thập tự quân ùa ra khắp phố, tịch thu vàng bạc, lừa ngựa, cướp phá những nhà cửa đầy ắp của cải.
Rồi sung sướng và khóc lên mừng rỡ vì đã trả được món nợ với Đấng Cứu Thế (lời thề mang Thánh Giá), quân ta đến bên Thánh Mộ để tôn thờ Ngài. Sáng hôm sau quân ta lên mái đền thờ tấn công bọn Sarrasins, đàn ông hay đàn bà, chúng ta đều tuốt gươm giết hết.Thấy một vài kẻ từ mái đền thờ lao xuống đất (tự tử) , Tancrède tỏ vẻ bất bình.
(Tường thuật của một hiệp sĩ tham gia cuộc chiến. JC, Để đọc LSGH I,p.163)
Ghi chú :
* Người Ba Tư chiếm Giêrusalem năm 614, và đưa Thánh giá về nước.
Năm 626, hoàng đế Heraclius tái chiếm được Thánh địa và đòi lại Thánh Giá. Vua muốn tự mình vác Thánh Giá vào đền thờ nhưng không đi được. Sau nghe lời giám mục Giêrusalem, ông phải cởi hoàng bào ra, ông mới có thể vác Thánh Giá của Chúa. Giáo hội kỉ niệm biến cố này vào ngày lễ Suy tôn Thánh Giá (l4.9).
BINH THÁNH GIÁ TRẺ EM :
Sau cuộc thánh chiến thứ IV, năm 1212, có hai cuộc binh thánh giá trẻ em :
– Chú bé chăn cừu Stephano de Cloyes ở Pháp rủ được 30.000 thiếu niên xuống tàu từ Marseille. Chúng gặp bão, 2/3 bị chết đuối, số còn lại dạt vào bờ biển Phi Châu
– Em Nicolas ở Đức cũng kêu gọi được gần 20 ngàn bạn đồng tuổi.Chúng rủ nhau vượt núi Alpes. Nhiều em chết bỏ xác dọc đường. Số còn lại được giám mục Brisida săn sóc và xin Roma tháo lời thề thánh chiến của chúng. Đức Honorio III chỉ tháo lời khấn cho những em nhỏ tuổi, còn các em lớn, ngài tạo cơ hội để chúng sẽ thực hiện lời khấn đó trong tương lai.
NHÓM VAUDOIS Ở LYON
Lạc giáo Vaudois, nhóm người nghèo ở Lyon xuất hiện khoảng năm 1170. Sáng lập ra nó là Valdès ở Lyon. Tên của y được đặt cho nhóm. Y giàu có nhưng bỏ hết của cải tự nhận mình sống nghèo theo gương các tông đồ. Y dịch ra ngôn ngữ bình dân sách Tin mừng, các sách thánh khác, cùng một số lời hay ý đẹp của các thánh Augustino, Giêronimo, Ambrosio, Gregorio, rồi xếp thành từng chương, mà y và đồng bọn gọi là sách châm ngôn. Bọn chúng đọc thường xuyên mà chẳng hiểu gì, thế mà chúng dám tự phụ nhận cho mình nhiệm vụ của các tông đồ (dù dốt nát), dám giảng tin mừng trên đường phố và các nơi công cộng.
(…) Tổng giám mục Lyon là Gioan gọi chúng đến cấm giảng. Chúng từ chối vâng lời, biện hộ cho sự điên rổ của mình rằng : phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta. Chúng lấy lại mệnh lệnh Chúa phái các tông đồ đi giảng cho mọi tạo vật, áp dụng cho mình điều Chúa nói với các tông đồ, mà chúng cả gan nhận là người theo gương bằng lối sống nghèo giả bộ sống thánh thiện. Thực vậy, chúng khinh thường các giáo sĩ và giám mục vì chúng nói các ngài sống giàu có và hưởng thụ.
(…) Bị cấm giảng chúng lại không vâng lời, do đó bị kết án khiếm diện lưu đày, bị đuổi khỏi thành phố và quê hương … Ghen ghét với quyền bính giáo hội đã và vẫn là điều rối chính của nhóm Vaudois.
(Bernard Gui 1260-1331, Manuel de l’inquisiteur. JC, Để đọc LSGH I,p.167)
CATHARES : BÈ MANIKÊ MỚI
Lạc giáo theo phái Manikê, lầm lạc tuyên xưng hai vị thần, một Chúa thiện và một chúa ác. Họ quả quyết việc tạo dựng vạn vật hữu hình không do Cha trên trời (Chúa thiện) mà do ma quỉ Satan, do thần ác …
Cũng thế họ nói có hai giáo hội : một tốt là nhóm họ mà họ tự nhận là của Chúa Kitô; giáo hội kia xấu là giáo hội Roma, mà họ gọi là bà mẹ thông dâm, Babylon, con điếm vĩ đại, đền thờ ma quỉ, hội đường của Satan … Họ thay phép rửa bằng nước bằng phép rửa thiêng liêng, gọi là Consolamentum, của Thánh Thần !
Họ chối đức Kitô nhập thể trong lòng Mẹ Maria và nói ngài không có thân xác như mọi người khác; rằng ngài không chết trên Thánh giá, không phục sinh từ cõi chết; rằng Ngài không lên trời với xác phàm vì tất cả đều chỉ là hình bóng…
(Bernard Gui, JC Để đọc LSGH, I, p 169)
GIÁM MỤC PHỤNG SỰ HÒA BÌNH
Gm Wason gửi Gm Chalon : Chúng ta không có quyền nhờ gươm trần thế giết những người mà Tạo Hóa và Đấng Cứu Thế muốn họ sống để đưa họ khỏi lửa của quỷ thần … Những người hôm nay là đối thủ của ta, biết đâu nhờ ơn Chúa, lại ở cao hơn ta trong thiên đàng (…). Chúng ta được Chúa xức dầu để đem lại sự sống chứ đâu phải để giết chết !
(JC Để đọc LSGH I, p173)
CÁC KHOẢN LUẬT TÒA TRA
1) Luật Frederic chống lạc giáo : 1224
Bất cứ ai đã được giám mục địa phận xác định là lạc giáo, sẽ bị bắt ngay lập tức và đưa lên giàn lửa. Nhưng nếu các quan tòa thấy nên để cho y sống để thuyết phục những kẻ lạc giáo khác, người ta sẽ cắt lưỡi để y không thể báng bổ đức tin Công giáo và danh Thiên Chúa nữa.
2) Công đồng Toulouse : 1229
Tại mỗi xứ đạo trong thành cũng như ngoại thành, giám mục sẽ chỉ định hai, ba giáo hữu hoặc nhiều hơn nếu cần. Những người này tuyên thệ và truy lùng cẩn thận các kẻ lạc đạo trong vùng. Họ sẽ sục sạo hết các nhà, phòng hay hầm hố ngụy trang cần phải loại bỏ. Khi phát hiện ra kẻ lạc đạo hoặc những kẻ tín nhiệm, ủng hộ, chứa chấp hoặc bênh vực lạc giáo, họ sẽ tìm cách khi chúng chưa kịp trốn, báo tin nhanh bao nhiêu có thể cho giám mục và lãnh chúa trong vùng hoặc các quan tòa.
Những vị này phải truy lùng kỹ lưỡng các lạc giáo tụ họp trong làng, nhà hoặc rừng rú, và phải phá tan sào huyệt của chúng.
3) Đức Gregorio gửi các Gíam mục Pháp : 1233
Xét rằng giữa muôn thứ bận rộn, chư huynh khó có thể chu toàn nỗi những vất vả của công tác nặng nề. Vì thế, quả là hợp lý việc chia sẻ bớt gánh nặng của chư huynh, ta gửi đến chư huynh những Anh Em chuyên sứ mạng chống lạc giáo tại Pháp và các làng phụ cận. Ta yêu cầu chư huynh tiếp đón các vị cách chân thành và xử đối xứng đáng, chấp thuận cho các vị làm cố vấn để giúp đỡ hỗ trợ chư huynh trong việc này, hầu anh em đó có thể chu toàn được sứ mạng đã được ủy thác.
(JC,Để đọc LSGH I,p 173)
ĐỨC TÍNH CỦA SỬ GIA
Giáo hội là bí tích sự sống, là nhiệm thể Chúa Kitô, và là đền thờ Thánh Linh, nhưng đồng thời cũng là tổ chức nhân loại. Sử gia có niềm tin, có sự trang nghiêm của một tín hữu bước vào thánh điện, tìm hiệp thông với sự hiện diện của Chúa và các chi thể của Ngài, nhưng cũng phải nghiêm chỉnh tuân theo tính chính xác của phương pháp sử.
Đức Lêo VIII trong một buổi tiếp kiến các sử gia ngày 18.8.1883, đã nhắc lại câu cách ngôn của Cicêro : “Ne quid falsi dicere audeat, ne quid veri non audeat”,
Tạm dịch là : ” Không dám nói sai, không sợ nói phải “.
(JC. Để đọc LSGH I, p 91) Lm Phanxicô Xaviê Ðào Trung Hiệu OP
Hiệu đính tháng 9/2006