Bà goá nghèo (6.6.2015 – Thứ bảy, sau Chúa nhật IX Thường Niên)

Bà goá nghèo
(Mc 12, 38-44)

 

38 Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng.39 Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc.40 Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.”

41 Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền.42 Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma.

43 Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.44 Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”

***

  1. Bệnh sống theo vẻ bề ngoài

Đức Giê-su mời gọi mọi người và nhất là mời gọi các môn đệ của Người, trong đó có chúng ta hôm nay, đừng sống theo cách sống của các ông kinh sư:

Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ.

(c. 38-40)

Lời của Đức Giê-su chứa đựng hai lời cảnh báo đụng chạm sâu xa đến cách sống của chúng ta trong tương quan với người khác và với chính Chúa. Trước hết, đó là sự không tương hợp giữa việc đọc kinh cầu nguyện và tương quan của chúng ta với các “bà góa”. “Bà góa” là bà góa thực sự, và ở mọi nơi và mọi thời, đều có các bà gòa; nhưng “bà góa” còn là biểu tượng nói về tất cả những người nhỏ bé, giới hạn, kém may mắn, ít khả năng, nghèo khó, bị bỏ rơi, cô đơn, không có địa vị. Đức Giê-su đặc biệt quan tâm đến các bà góa, chẳng hạn bà góa nghèo trong bài Tin Mừng của chúng ta, “bà góa” hiểu theo cả hai nghĩa. Chắc chắn là vì, Mẹ của Người cũng là một bà góa!

Lời cảnh báo thứ hai, là thái độ tìm kiếm và cảm thấy thích thú với những lời tôn vinh của người khác ngang qua lễ phục, sự chào hỏi, ghế danh dự và cỗ nhất. Đó không phải là vì lễ phục, sự chào hỏi, ghế danh dự và cỗ nhất là xấu, nhưng là thái độ tìm kiếm bằng mọi giá và cảm thấy vui thích trong những điều này; và mọi người chúng ta đều có kinh nghiệm, cách sống này là mảnh đất mầu mở của những điều thuộc về ma quỉ: ham muốn, ghen tị, ganh đua, loại trừ, thậm chí bạo lực…

Tóm lại, các kinh sư là những người, không chỉ sống theo vẻ bề ngoài, nhưng còn đi tìm và thích thú với vẻ bề ngoài. Và ngang qua việc vạch rõ lối cụ thể của một nhóm người, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhìn lại chính bản thân mình, để nhận ra rằng, sống theo vẻ bề ngoài ở trong mọi lãnh vực, ở mọi nơi và ở mọi cấp độ, là một căn bệnh phổ biến và nan y của mọi người, trong đó có chính bản thân chúng ta.

 

  1. Chữa lành bệnh sống theo vẻ bề ngoài

Trong “Bài Giảng Trên Núi,” Đức Giêsu mời gọi chúng ta đừng sống theo vẻ bề ngoài, nhưng sống theo sự thật trong tương quan với chính Thiên Chúa là Cha chúng ta, nhất là khi bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Đó là ba việc đạo đức căn bản trong đời sống đức tin; và chúng ta có thể mở rộng ra tất cả những việc đạo đức khác, và nhất là mở rộng ra cung cách sống căn tính Kitô hữu hay căn tính tu sĩ của chúng ta. Thực vậy, Đức Giê-su nói:

Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm,để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơikín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh

Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

(Mt 6, 1-18)

Thay vì phô trương, Đức Giêsu mời gọi chúng ta thực hành các việc đạo đức một cách kín đáo. Không phải để thi thố hay nâng cấp đức khiêm nhường, nhưng để trở nên giống Cha của mình là Thiên Chúa, Đấng hiện diện nơi kín đáo và hành động một cách kín đáo. Trong những lời chúng ta vừa trích dẫn, Đức Giêsu dùng tới sáu lần từ “kín đáo”, trong đó 5 lần được dùng để nói về Thiên Chúa Cha: Cha của anh hiện diện nơi kín đáo; Cha của anh thấy trong kín đáo. Như thế, Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu, là “Đấng kín đáo” và Ngài mời gọi chúng ta cũng trở nên “những người con kín đáo” như Cha của mình. Kín đáo là một đặc nét của nữ tính; vì thế, phụ nữ dễ trở nên giống Thiên Chúa, Cha của chúng ta hơn!

Chúng ta cứ nghiệm lại mà xem: Thiên Chúa hiện diện và hành động kín đáo biết bao trong sáng tạo, trong lịch sử loài người, nơi cuộc đời chúng ta và nhất là nơi Thập Giá của Đức Giêsu. Chúng ta phải có ngũ quan biết chiêm ngắm, mới có thể nhận ra Thiên Chúa hiện diện, lên tiếng và hành động.

Đức Giêsu không chỉ chữa bệnh sống theo vẻ bề ngoài của loài người của chúng ta, bằng lời nói, nhưng bằng chính cách sống của Người nữa; như Ngài nói về mình: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng sự sống của mình”. Và phương thuốc tận cùng của Ngài là Thập Giá, nơi đó, vẻ bề ngoài của Ngài không còn là gì nữa: thân xác, danh dự, sự nghiệp, sự sống… Nhưng chính lúc đó Căn Tính đích thật của Ngài lại rạng ngời nhất. Như con rắn đồng xưa, ai nhìn lên Đấng bị đâm thâu, thì sẽ được chữa lành (x. Ds 21, 4-9 và Ga 3, 14-15).

 

  1. Hình ảnh « Bà Góa Nghèo »

Chúng ta hãy cùng với Đức Giê-su « ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ », và « quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao ». Như thế, thùng tiền hẳn phải đặt ở nơi mà mọi người có thể quan sát được, để cho việc trở nên công khai và minh bạch hơn. Tuy nhiên, như tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm, vị trí thùng tiền được đặt ở nơi công cộng cũng là dịp để người ta phô trương và ganh đua ; và điều này vừa có lợi cho bên nhận cũng như bên cho. Ngày nay, người ta vẫn còn làm những điều tương tự, như công bố danh sách ân nhân với số tiền cụ thể, phát giấy chứng ân nhân với sự phân biệt đẳng cấp khác nhau, tùy theo số tiền dâng cúng. Giống như bằng cấp đại học có phân biệt thứ hạng !

Đức Giê-su nhìn thấy những người giàu bỏ tiền của họ vào thùng tiền ; và ngài cũng thấy một bà góa túng thiếu bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, tương đương với 2 đồng tiền kim loại màu trắng 500 vào những năm 2000 của chúng ta. Các nhà chú giải cho rằng câu chuyện này minh họa cho lời trách của Đức Giê-su, là các luật sĩ tước đoạt hết tài sản của các bà góa, là cơ cấu tôn giáo thời đó đã bắt người ta đóng góp quá sức, đến độ một bà góa không còn gì để sống ! Tuy nhiên, những gì Đức Giê-su nói sau đó, sẽ đi theo một hướng khác hẳn.

Loài người chúng ta, trong vấn đề dâng cúng và cả trong những vấn đề khác nữa, chẳng hạn trong vấn đề lượng giá học tập (không chỉ văn hóa, và cả giáo lý, linh đạo và thần học) và công việc, chỉ chú trọng đến thành tích nhiều ít, cao thấp, to nhỏ, nghĩa là vẻ bề ngoài của sự việc. Nhưng Đức Giê-su nhìn sự việc theo một chiều kích khác, vừa đúng, vừa sâu và vừa đánh động lòng của chúng ta : « bà góa đã bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình ».

  • Lời của Đức Giê-su an ủi chúng ta biết bao, vì tất cả chúng ta đều nhỏ bé, nghèo nàn, giới hạn, như bà góa ; và Chúa chỉ cần tấm lòng của chúng ta thôi.
  • Lời của Ngài cũng chất vấn chúng ta nữa : phải chăng chúng ta sống và xét đoán theo chỉ theo vẻ bề ngoài.
  • Và Lời của ngài mời gọi chúng ta : « Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất cả ». Xét về số lượng hay nội dung, « tất cả » của chúng ta thì quá nhỏ bé và ít ỏi so với « tất cả » của Chúa ; như xét về tình yêu của trái tim, thì TẤT CẢ = TẤT CẢ, hai bên đều trao ban trọn vẹn như nhau !

Xin cho chúng ta cũng biết bỏ « vào đó » tất cả những gì cần cho sự sống của chúng ta. « Vào đó », là vào ơn gọi và sứ vụ của cả cuộc đời chúng ta ; « vào đó », là vào những gì chúng ta được mời sống hằng ngày ; « vào đó », là vào những gì chúng ta cảm thấy phải sống, phải làm, phải thay đổi, phải hoán cải… trong Chúa và để ca tụng Chúa ; « vào đó » là… (chúng ta có thể nhận ra thêm tùy theo tương quan của chúng ta với Chúa).

Và chỉ khi chúng ta cảm nhận được « muôn ngàn đời tình thương của Chúa » (x. Tv 136), chúng ta mới có thể cho đi như thế được. Và quả thực như thế, Thiên Chúa đã sống đến tận cùng tâm tình của « Bà Góa Nghèo », nơi Đức Giê-su chịu đóng đinh trên Thánh Giá.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc