Cho đến thời hoàng đế Constantine, với chiếu chỉ Milan năm 313, Giáo hội thực sự vẫn chưa có nhà thờ. Nơi các tín hữu tham dự Nghi lễ Bẻ bánh là tại các hầm mộ, hoặc tại nhà tư, hoặc ở ngoài trời hay trong hang toại đạo. Có ít nhất là hai lý do giải thích sự kiện này: i] Thứ nhất, các Kitô hữu rất cẩn trọng khi công khai thực hành các nghi lễ vì tính pháp lý chưa ổn của họ lẫn sự bách hại của nhà cầm quyền; ii] Thứ hai là lý do thần học: dựa trên căn bản những giáo huấn của Chúa Kitô và các tông đồ, những anh chị em Kitô hữu bấy giờ nhận thức rằng chính họ là “Đền thờ của Chúa Thánh Linh” (1Cr 3, 16-17), là “Đền thờ của Thiên Chúa hằng sống” (2Cr 6, 16). Trái ngược hoàn toàn với tôn giáo của dân ngoại, Kitô hữu tự hào rằng mình chẳng có đền thờ, bàn thờ, hình ảnh cũng như không có lễ phẩm bị sát tế.1 Người Do Thái dựng đền thờ ở nơi nọ nơi kia, chẳng hạn như đền thờ ở Giêrusalem, nhưng Kitô hữu đi theo lời dạy của Chúa Kitô: không có đền đài nào cả, chính Thiên Chúa cư ngụ ở trong họ và họ sẽ phụng thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý, không phải trên núi này núi kia (Ga 4, 20-24). Về sau, thánh Phaolô cũng đã triển khai tinh thần này trong thư Rm 12, 1: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người”.
Tuy nhiên, kể từ khi chiếu chỉ Milan ra đời (năm 313) và nhất là khi Công giáo trở thành tôn giáo của đế quốc La Mã (năm 380), Giáo hội được tự do, có quyền sở hữu những nơi phụng tự công và do nhu cầu phụng vụ ngày càng gia tăng, các tín hữu bắt đầu xây cất nhiều thánh đường và cử hành Thánh Thể trong những nhà thờ đúng nghĩa. Thế là xuất hiện các thánh đường được xây cất trên chính những nhà tư mà các Kitô hữu đã từng cùng nhau cử hành phụng vụ, hoặc trên những địa điểm liên quan đến các vị tử đạo hay ngay tại lối vào các hang toại đạo. Nhưng đến lúc này, Giáo hội lại phải đối mặt với một vấn đề khác: đó là chọn lựa mẫu kiến trúc nào cho nơi thờ tự của mình.2
Qua dòng lịch sử, biết bao thánh đường mọc lên ở khắp nơi với nhiều thể loại kiến trúc khác nhau. Cho đến thời đại của chúng ta, tựu trung, một số những mẫu mã sau đây nổi lên như những mô hình thực tế của các nhà thờ:
Kiểu mẫu / Mô hình I
Một trong số những kiểu mẫu sớm sủa nhất của nhà thờ là “basilica” với mặt sàn nhà hình vuông hay hình chữ nhật.
Từ ban đầu, “basilica” mà nay chúng ta gọi là vương cung thánh đường chỉ là một tòa nhà dân sự bao gồm nhiều phòng, mỗi phòng có những chức năng riêng khác nhau như phòng dùng làm tòa án, phòng làm phòng họp… mà hội họp và cầu nguyện chính là đòi hỏi thiết yếu của phụng vụ Kitô giáo.
Nguyên thủy, dân chúng chỉ đứng khi tham dự phụng vụ vì thực tế bấy giờ không có ghế ngồi trong vương cung thánh đường. Nhưng nhờ vậy, họ có thể di chuyển đến gần sát hơn những khu vực đang diễn ra các nghi thức phụng vụ hầu dễ dàng nghe thấy và nhìn thấy hơn, đồng thời họ cũng có thể nghe nhau và thấy nhau nữa.
Dần dần, mặt sàn vương cung thánh đường chuyển sang hình thánh giá. Các cánh của vương cung thánh đường dùng làm đền kính với bàn thờ trong đó. Còn chái (gian) phía đáy hay phía cánh hình thánh giá dài hơn dùng để chứa các ghế dài hay ghế đơn cho dân chúng ngồi tham dự. Ở mỗi một cánh thánh giá có thể có một cửa ra vào nhưng lối vào chính của vương cung thánh đường thường ở phía đầu hay phía cánh dài hơn của hình thánh giá. Các ghế dài được sắp xếp thành hai dãy trông như hai cột của bản văn được in trên các sách thời bấy giờ. Từ đây, các tín hữu sẽ ngồi để nhìn xem hành động phụng vụ diễn ra trên cung thánh, thuộc về phía cánh (gian) đỉnh của hình thánh giá. Nơi đây, các thừa tác viên, đại diện cho Chúa Kitô là đầu Giáo hội, sẽ cử hành phụng vụ.
Vì ngồi theo cách này nên các tín hữu ngồi phía sau thường chỉ thấy lưng hay gáy của tín hữu ngồi trước họ. Người ta quá chú trọng tới tiêu điểm chính là bàn thờ, đặc biệt là nhà tạm, ở phía trước họ hơn là những anh chị em xung quanh mình. Bởi thế, sự tham dự của họ trở nên thụ động và yếu kém nhất.
Thêm nữa, bởi lẽ phụng vụ là cầu nguyện chung chứ không mang tính cá nhân, cho nên ở đây phải đặt câu hỏi là chuyện gì sẽ xảy ra nếu toàn thể cộng đoàn ngồi hướng cả lên một phía thay vì nhìn thấy nhau như những chi thể trong Nhiệm thể Chúa Kitô.
Điểm yếu này tồn tại nơi các nhà thờ chánh tòa kiểu Gôtic tại Âu châu, tại nước Mỹ, nơi các nhà thờ cổ tại Việt Nam hay đa số các nhà thờ tại miền Bắc nước ta. Đây là những thánh đường thường có mặt sàn hình thánh giá. Những nhà thờ này giới hạn sự tham dự của dân chúng không những bởi những chiếc ghế dài hay ghế đơn được xếp theo hàng hàng mà còn vì các cột trụ vừa nhiều lại vừa lớn ở bên trong nhà thờ, chúng che chắn tầm nhìn của tín hữu. Hơn nữa, các hàng ghế sau ở rất xa cung thánh. Mặt khác, cái gần sát nhất với cung thánh lại chính là hàng rào tách biệt cung thánh với phần còn lại của nhà thờ. Nó vừa tách biệt các tín hữu với hành động phụng vụ, vừa phân biệt không gian dành cho giáo sĩ và không gian dành cho giáo dân.
Kiểu mẫu / Mô hình II
Mẫu nhà thờ thời kỳ hậu Vatican II có hình thức gần giống như một rạp hát. Chúng được thiết kế và xây dựng theo hình vuông, bán nguyệt, lục giác hoặc bát giác. Cung thánh được đặt ở góc của hình vuông hay dựa sát vào tường nếu mẫu nhà thờ có hình bán nguyệt, lục giác hay bát giác. Các ghế đơn hay ghế dài được sắp xếp trong nhà thờ để dân chúng có thể ngồi ở cả 3 phía xung quanh cung thánh.
Theo mô hình này, mặc dù người tham dự có thể nhìn thấy nhau, thấy được nhiều hơn những gì chung quanh họ và gần sát hơn với những hành động phụng vụ trên cung thánh nhưng họ vẫn đối diện với một cung thánh đơn độc như gợi lên trong họ về một sân khấu dựa vào bức tường.
Căn bản thì điểm hội tụ vẫn chưa có gì thay đổi so với tòa nhà thờ từ thời kỳ tiền Vatican II. Một sân khấu, như chúng ta thấy trong các rạp hát hay chiếu bóng, lấy trình diễn nghệ thuật làm trọng tâm. Thêm vào đó, chương trình sống được biểu diễn tại nhà hát không nhằm lôi kéo và phát triển sự tham dự của khán giả vì dân chúng chỉ đến xem, đến thưởng thức và thường thụ động. Thậm chí, khi người biểu diễn rời sân khấu, xuống hòa nhập vào với khán thính giả bên dưới nhằm tăng cường sự tham gia tích cực của họ vào màn diễn, thì hiệu quả đáp ứng cũng chỉ được chút ít. Khi người trình diễn quay lại sân khấu và ánh đèn trong nhà hát tối dần, ngay lập tức dân chúng sẽ trở nên im lặng, thụ động và chỉ đóng vai trò là người quan sát.
Kiểu mẫu / Mô hình III
Một kiểu sàn kiến trúc khác lôi kéo dân chúng tham gia nhiều hơn là kiểu kiến trúc của sân vận động hình tròn hay hình bầu dục (e-lip). Người tham dự được sắp xếp ở vị trí chung quanh trung tâm hành động. Không ai đối diện với bức tường. Tất cả đều có thể nhìn thấy nhau và tương tác với nhau. Bên ngoài Tòa Thánh Vatican, nhiều thánh lễ đại triều được cử hành tại các sân vận động lớn bởi vì nó không những cung cấp đủ chỗ cho số đông người mà còn làm cho sự tham gia của dân chúng trở nên tích cực hơn.
Rõ ràng, kiểu mẫu sân vận động không khác gì phòng khách tại gia đình nhưng ở một phạm vi lớn hơn. Trong hầu hết các phòng khách tại nhà tư, các đồ nội thất được sắp xếp theo hình tròn hay bầu dục để mọi người có thể thấy nhau và nghe nhau, thoải mái di chuyển và tham dự vào mọi sinh hoạt diễn ra trong phòng.
Tuy kiểu mẫu này nâng cao tính cộng đoàn và giúp mọi người có tầm nhìn tốt ra mọi hướng, nhưng lại gây khó khăn cho truyền thông.
Chẳng hạn, nếu một phần tư cộng đoàn hay đông người hơn nữa ngồi ở phía sau giảng đài thì phải đặt câu hỏi là hiệu quả của việc công bố Lời Chúa như thế nào. Một nguy hiểm nữa của lối kiến trúc được thiết kế giống như “nhà gặp nhau” này (trở lại với hoàn cảnh các tín hữu thời sơ khai gặp nhau tại nhà tư) là làm mất đi biểu đạt về tính thánh thiêng.3 Kiến trúc thiêng thánh duy nhất theo mô hình sân vận động này là nhà nguyện hay nhà thờ của các đan viện với hình thức ca tòa. Nơi đây, các đan sĩ ngồi đối diện nhau, ghế của vị chủ tọa đặt ở một đầu, còn tòa giảng hay giá sách đặt ở đầu đối diện bên kia. Nhờ vậy, các đan sĩ không những có thể nghe nhau mà còn thấy nhau nữa. Khoảng giữa hai bục của Cung nguyện thường không có gì hay chỉ được trang hoàng chút đỉnh, bởi vì bất cứ thứ gì ở giữa đều cản trở sự tham gia tích cực của họ cào cử hành phụng vụ.
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh Thể, SSS
______________________________
1 Xc. Ignazio M. Calabuig, OSB, “The Rite of the Dedication of the Church” trong Anscar J. Chupunco, OSB (ed.), Handbook for Liturgical Studies, Vol. V (Philippines: Claretian Publications, 2004), 334.
2 Xc. Ibid., 337
3 Xc. Duncan Stroik, “The Roots of Modernist Church Architecture” trong The Adoremus Bulletin Online Edition, Vol. III, No. 7 (October 1997).
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc