Đứng trước cuộc khủng hoảng thế giới đang đi qua hiện nay, ba giá trị chuẩn có thể hướng dẫn được các bạn trẻ: cái đẹp, ý nghĩa và sự nhưng không. Ngày thứ sáu 5 tháng 6, trong một video-hội thảo, Đức Phanxicô đã nói với các bạn trẻ của Liên Trường Scholas Occurrentes như trên, đây là hiệp hội đón nhận các học sinh bị loại khỏi hệ thống trường học.
Liên Trường Scholas Occurrentes là hiệp hội do Đức Phanxicô thành lập khi ngài còn là Tổng Giám mục giáo phận Buenos Aires, Liên Trường được mở ra để đón nhận các học sinh bị loại ra khỏi hệ thống giáo dục trên thế giới. Đức Phanxicô giải thích, nếu không có các cuộc khủng hoảng liên tục diễn ra thì nhân loại sẽ “ngủ yên.” Theo ngài, một xã hội “hoàn hảo, có trật tự” không khác gì một xã hội “bị bệnh”. Vì thế ngài nhắc lại, Liên Trường Scholas Occurrentes đã được thành lập trong bối cảnh Argentina trong cuộc khủng hoảng hồi đó.
Khi cuộc khủng hoảng coronavirus xảy ra, Đức Phanxicô đã xin các bạn trẻ của Liên Trường mở các cánh cửa của “trường học ý nghĩa” để có thể tận dụng lợi ích của nó trong thời điểm này. Giáo dục, một giá trị chủ yếu của Liên Trường và theo ngài, giáo dục là đi tìm “ý nghĩa của sự việc”. Ba giá trị dùng để hướng dẫn họ giải quyết khủng hoảng: cái đẹp, sự nhưng không và ý nghĩa. Ngài nhắc: “Chúng ta đừng bao giờ quên các lời này.”
Không thể đi qua cuộc khủng hoảng một mình
Ngài đồng ý, không ai tìm cách xây dựng doanh nghiệp dựa trên ba giá trị này vì nó không mang lợi nhuận ngay lập tức. Vậy mà các chuyện “vô ích” này nhân loại và tương lai hoàn toàn tùy thuộc vào. Theo ngài, chuyện “thần bí” này có thể giúp vượt qua cuộc khủng hoảng. Để minh họa cho quan điểm của mình, Đức Phanxicô đưa ra ba câu chuyện: câu chuyện “người điên” trong cuốn phim La Strada của nhà đạo diễn Ý Fellini, bức tranh Ơn gọi của Thánh Mathêu của danh họa Caravage, tác phẩm mà Đức Phanxicô thường đến chiêm ngắm ở nhà thờ Thánh Lu-i ở Rôma và tác phẩm Chàng ngốc của văn hào Dostoïevski. Theo ngài, ba câu chuyện này gợi lên một cuộc khủng hoảng.
“Nếu bạn không lắng nghe, bạn không giáo dục được”
Tuy nhiên Đức Phanxicô cảnh báo: mọi khủng hoảng dù toàn cầu hay trong gia đình đều không thể sống một mình, và cần có sự hỗ trợ, cần phải mở ra với người khác. Ngài khen ngợi Liên Trường, hiệp hội này được sinh ra từ cơn khủng hoảng: các nhà sáng lập đã không đầu hàng, họ “lắng nghe trái tim của người trẻ”, “đi qua các rạn nứt của thế giới” để tìm câu trả lời.
Đức Phanxicô nói: “Nếu bạn không lắng nghe, bạn không giáo dục được.” Giáo dục tạo ra văn hóa, học cách ca ngợi, “không có điều này thì không có giáo dục”. Đây là cách mà các nhà sáng lập Liên Trường Scholas Occurrentes đã làm, những “người điên này” đã không hình dung được quy mô của công việc mà họ đã khởi xướng.
Trau dồi ý nghĩa của gặp gỡ
Ở Liên Trường Scholas, Đức Phanxicô cho biết ngài đã thấy “các giáo sư và sinh viên Nhật nhảy múa với người Colombia”, hoặc “các bạn trẻ Israel chơi với các bạn đến từ Palestina”. Do đó ngài xin luôn trau dồi văn hóa gặp gỡ. Ngài kết thúc buổi nói chuyện: “Xin các bạn tiếp tục gieo và gặt với nụ cười, với bất trắc nhưng tất cả cùng nhau tay trong tay để vượt lên mọi cuộc khủng hoảng”.
Trước khi phát video này, nhiều bạn trẻ trên thế giới đã chia sẻ kinh nghiệm sống trong hiệp hội Liên Trường. Đức Hồng y Mêhicô Carlos Aguiar Retes và các vị lãnh đạo các tôn giáo khác như giáo sĩ hồi giáo Abdel Nabi Elhefnawi, giáo sĩ do thái giáo của Giêrusalem, Shlomo Amar cũng đã lên tiếng về chủ đề môi sinh. Chín đệ nhất phu nhất các nước Châu Mỹ La Tinh cũng đã tham gia sự kiện này, các bà đọc các doạn trong Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato si’.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(phanxico.vn)