Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tại Indonesia vào ngày 05/9/2024, thứ Năm tuần 22 Thường Niên

Vào lúc 5 giờ chiều thứ Năm ngày 5/9/2024, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ tại Sân vận động Gelora Bung Karno ở Jakarta. Trong bài giảng, Đức Thánh nói rằng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống hai thái độ nền tảng: lắng nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa. Lắng nghe Lời Chúa, Lời cứu độ, Lời hướng dẫn chúng ta tìm ý nghĩa đích thực cho cuộc sống. Nhưng điều quan trọng là phải sống Lời Chúa, để Lời Chúa rơi vào tâm hồn và thay đổi cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động của chúng ta. Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha.

TÔNG DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TẠI INDONESIA, PAPUA NEW GUINEA,
ĐÔNG TIMOR, SINGAPORE
02 – 13/09/2024

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TRONG THÁNH LỄ

Sân vận động Gelora Bung Karno (Jakarta, Indonesia)

Thứ Năm, 05 tháng 9 năm 2024

Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống hai thái độ cơ bản, là những điều giúp chúng ta trở thành môn đệ của Người: lắng nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa. Trước tiên là lắng nghe, bởi vì mọi điều đều xuất phát từ việc lắng nghe, từ việc mở lòng ra với Người, từ việc đón nhận món quà quý giá là tình bạn của Người. Nhưng điều quan trọng là phải sống Lời đã nhận được, để không trở thành những người nghe suông và lừa dối chính mình (xem Gc 1,22); để không có nguy cơ chỉ nghe bằng tai mà không để hạt giống Lời Chúa rơi vào tâm hồn và thay đổi cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động của chúng ta. Lời được ban cho chúng ta và Lời mà chúng ta lắng nghe đòi được trở thành sự sống, yêu cầu biến đổi cuộc sống, muốn được thể hiện trong cuộc sống chúng ta.

Chúng ta có thể chiêm niệm suy tư về hai thái độ thiết yếu này: lắng nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa trong bài Tin Mừng vừa được công bố.

Trước hết, lắng nghe Lời Chúa. Thánh sử kể lại rằng nhiều người đã kéo đến với Chúa Giêsu và “đám đông vây quanh Người để lắng nghe lời Thiên Chúa” (Lc 5,1). Họ tìm kiếm Người, họ đói khát Lời Chúa và họ nghe Lời ấy vang vọng trong lời của Chúa Giêsu. Cảnh tượng này, được lặp lại nhiều lần trong Tin Mừng, nói với chúng ta rằng tâm hồn con người luôn luôn tìm kiếm một sự thật có khả năng nuôi sống và thỏa mãn niềm khao khát hạnh phúc của họ. Chúng ta không thể chỉ được thỏa mãn bởi lời nói của con người, bởi những tiêu chuẩn của thế giới này, bởi những phán xét trần thế: Chúng ta luôn cần một ánh sáng từ trên cao chiếu soi bước đi của chúng ta, cần một nguồn nước hằng sống có thể làm dịu đi cơn khát của sa mạc tâm hồn, cần một niềm an ủi không làm thất vọng vì nó đến từ trời cao chứ không phải từ những thứ phù du dưới thế. Giữa sự hỗn loạn và phù phiếm của ngôn từ loài người, cần có Lời Thiên Chúa, Lời duy nhất là kim chỉ nam cho cuộc hành trình của chúng ta, Lời duy nhất có thể dẫn chúng ta quay trở lại ý nghĩa đích thực của cuộc sống giữa biết bao thương tích và lạc hướng.

Thưa anh chị em, chúng ta đừng quên điều này: nhiệm vụ đầu tiên của người môn đệ không phải là khoác chiếc áo tôn giáo bề ngoài hoàn hảo, hay là làm những việc phi thường hoặc tham gia vào những công việc to lớn. Ngược lại, bước đầu tiên chính là biết cách lắng nghe Lời duy nhất có thể cứu độ, là Lời của Chúa Giêsu, như chúng ta có thể thấy trong đoạn Tin Mừng, khi vị Tôn sư bước lên thuyền của ông Phêrô, để rời xa bờ một chút và do đó có thể giảng dạy tốt hơn cho mọi người (xem Lc 5,3). Đời sống đức tin của chúng ta bắt đầu khi chúng ta khiêm nhường chào đón Chúa Giêsu lên con thuyền cuộc đời của chúng ta, dành chỗ cho Người, lắng nghe Lời Người và để mình được Lời Người chất vấn, bị lay động và biến đổi bởi Lời ấy.

Đồng thời, Lời Chúa yêu cầu được nhập thể một cách cụ thể trong chúng ta: do đó chúng ta được mời gọi sống Lời Chúa. Thực ra, sau khi giảng xong cho đám đông, từ trên thuyền, Chúa Giêsu quay sang ông Phêrô và thúc giục ông dám chấp nhận rủi ro khi tin tưởng vào Lời Chúa: “Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (c. 4). Lời Chúa không thể mãi chỉ là một ý tưởng trừu tượng đẹp đẽ hay chỉ khơi dậy cảm xúc nhất thời; Lời Chúa đòi chúng ta thay đổi cái nhìn, để tâm hồn chúng ta được biến đổi theo hình ảnh của Chúa Kitô; Lời mời gọi chúng ta can đảm thả lưới Tin Mừng giữa biển cả thế giới, “chấp nhận rủi ro” sống tình yêu thương mà Người đã dạy chúng ta và Người đã sống trước. Với sức mạnh cháy bỏng của Lời Người, Chúa cũng yêu cầu chúng ta ra khơi, tách mình khỏi bờ biển trì trệ của những thói quen xấu, của sợ hãi và sự tầm thường, để dám sống một cuộc sống mới.

Tất nhiên, không bao giờ thiếu những trở ngại và lý do để nói không; nhưng chúng ta hãy tiếp tục quan sát thái độ của ông Phêrô: ông vừa trải qua một đêm khó khăn, khi ông không đánh bắt được gì, mệt mỏi và thất vọng, tuy nhiên, thay vì tiếp tục thụ động trong sự trống rỗng đó và bị cản trở bởi thất bại của chính mình, ông nói: “Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì; nhưng vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới” (c. 5). Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới. Và rồi điều chưa từng có đã xảy ra, phép lạ với chiếc thuyền chở đầy cá đến mức gần chìm (xem câu 7).

Thưa anh chị em, chúng ta phải đối mặt với nhiều công việc trong cuộc sống hàng ngày; đứng trước lời kêu gọi mà tất cả chúng ta đều cảm thấy, là xây dựng một xã hội công bằng hơn, tiến tới con đường hòa bình và đối thoại, điều vốn đã được Indonesia quan tâm từ lâu, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy thiếu sót, cảm thấy sức nặng của sự cam kết và dấn thân của chúng ta, những điều không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như mong muốn, hoặc những sai lầm của chúng ta, những điều dường như khiến cuộc hành trình bị dừng lại. Nhưng với cùng sự khiêm nhường và đức tin như Thánh Phêrô, chúng ta cũng được yêu cầu đừng tiếp tục là tù nhân của những thất bại của mình; thay vì cứ dán mắt vào những tấm lưới trống rỗng, hãy nhìn lên Chúa Giêsu và tin tưởng vào Người. Chúng ta luôn có thể chấp nhận rủi ro để ra khơi và thả lưới lần nữa, ngay cả khi chúng ta trải qua một đêm thất bại, khoảng thời gian thất vọng mà chúng ta chẳng bắt được gì.

Thánh Têrêsa Calcutta, vị thánh mà chúng ta kính nhớ hôm nay và là người đã không mệt mỏi chăm sóc những người nghèo nhất và thúc đẩy hòa bình và đối thoại, đã nói: “Khi chúng ta không có gì để cho đi, chúng ta hãy cho sự không có gì đó. Và hãy nhớ rằng: ngay cả khi bạn không thu hoạch được gì thì cũng đừng bao giờ mệt mỏi gieo hạt”.

Thưa anh chị em, tôi cũng muốn nói như thế với anh chị em, với quốc gia này, với quần đảo tuyệt vời và đa dạng này: đừng mệt mỏi ra khơi và thả lưới, đừng mệt mỏi tiếp tục mơ ước và xây dựng một nền văn minh hòa bình! Hãy luôn dám ước mơ về tình huynh đệ! Dựa vào Lời Chúa, tôi khuyến khích anh chị em gieo trồng tình yêu, trung thành đi theo con đường đối thoại, tiếp tục thực hành lòng nhân hậu và nhân ái với nụ cười điển hình đặc trưng của anh chị em, hãy trở thành những người xây dựng sự hiệp nhất và hòa bình. Và như vậy anh chị em sẽ lan tỏa hương thơm hy vọng xung quanh mình.

Đây là mong muốn được các giám mục của Quốc gia bày tỏ gần đây, và đó là mong muốn mà tôi cũng muốn gửi đến tất cả người dân Indonesia: anh chị em hãy cùng nhau bước đi vì thiện ích của Giáo hội và xã hội! Hãy là những người xây dựng niềm hy vọng, niềm hy vọng của Tin Mừng, một hy vọng không làm thất vọng (x. Rm 5,5) và mở ra cho chúng ta niềm vui bất tận.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*