ĐTC dâng thánh lễ cầu bình an và công lý tại sân vận động Zayed Sports City với số người tham dự Thánh Lễ cả bên trong lẫn bên ngoài sân vận động khoảng 180 ngàn người, đến từ khoảng 100 quốc gia, trong đó có khoảng 4 ngàn người Hồi giáo. Tin Mừng trong Thánh Lễ được công bố là bài Tin Mừng về các Mối Phúc (Mt 5,1-12a): Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vị họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Tin Mừng được công bố bằng tiếng Anh, trong khi bài đọc 1 bằng tiếng Arập. Đức Thánh Cha giảng bằng tiếng Ý và được một linh mục thông dịch ra tiếng Arập.
Phúc thay: đây là lời Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng trong Tin Mừng Matthêu. Điệp từ này Ngài cũng lặp lại hôm nay, như để điều chỉnh con tim chúng ta, hơn bất cứ điều gì khác, về một thông điệp thiết yếu: nếu bạn ở với Chúa Giêsu, nếu bạn thích lắng nghe lời của Ngài như các môn đệ đã làm, nếu bạn cố gắng sống điệp từ này mỗi ngày, thì bạn được chúc phúc. Không phải là sẽ được, nhưng là được trong hiện tại; đây là sự thật đầu tiên chúng ta biết về đời sống Kitô hữu. Các Mối Phúc này không đơn giản là một danh sách dài những chỉ dẫn bên ngoài để thực hiện, hoặc một bộ các giáo huấn cần biết. Trước hết và trên hết, đời sống Kitô hữu không phải là như thế; nhưng đúng hơn, đó là việc nhận biết rằng, trong Chúa Giêsu, chúng ta là những người con yêu dấu của Chúa Cha. Đời sống Kitô hữu có nghĩa là sống niềm vui của lời chúc phúc này, muốn sống cuộc sống như một chuyện tình, một câu chuyện tình yêu trung tín của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi chúng ta và luôn muốn thông hiệp với chúng ta. Đây là lý do cho niềm vui của chúng ta, một niềm vui không ai trên thế giới và không hoàn cảnh nào trong cuộc sống có thể lấy đi khỏi chúng ta được. Đó là một niềm vui mang lại bình an giữa đau khổ, một niềm vui giúp chúng ta tham dự vào hạnh phúc vĩnh cửu đang chờ đợi chúng ta. Anh chị em thân mến, trong niềm vui gặp gỡ anh chị em, đây là lời tôi nói với anh chị em: những người được chúc phúc!
Ai là người được chúc phúc?
Dù Chúa Giêsu gọi các môn đệ của Ngài là những người được chúc phúc, nhưng họ phải đụng đến những lý do của từng Mối Phúc. Nơi đó, chúng ta thấy có một sự đảo lộn so với lối nghĩ chung: đó là, người giàu có và quyền lực là những người được chúc phúc, là những người thành công và được mọi người chúc tụng. Ngược lại, đối với Chúa Giêsu, phúc cho những người nghèo, người hiền lành và những người còn lại thậm chí còn phải trả giá bằng hình ảnh đen tối và cả bị bắt bớ. Ở đây ai là người đúng: Chúa Giêsu hay thế gian? Để hiểu điều này, chúng ta hãy nhìn vào cách Chúa Giêsu đã sống: nghèo về mọi thứ, nhưng giàu về tình yêu; Ngài chữa lành cho nhiều người, nhưng không dành cho chính mình. Ngài đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ; Ngài dạy chúng ta rằng sự vĩ đại không nằm ở việc có nhưng là ở việc cho đi. Công chính và hiền lành, Ngài không kêu gọi kháng cự, nhưng để mình bị kết án cách bất công. Bằng cách này, Chúa Giêsu đã mang tình yêu Thiên Chúa vào thế giới. Chỉ bằng cách này, Ngài đã đánh bại cái chết, tội lỗi, sợ hãi và chính thế gian: chỉ bằng sức mạnh tình yêu Thiên Chúa. Hôm nay, cùng nhau tại đây, chúng ta cầu xin ân sủng tái khám phá sự lôi cuốn của việc theo Chúa Giêsu, bắt chước Ngài, không tìm kiếm ai khác ngoài Ngài và tình yêu khiêm nhường của Ngài. Vì đây là ý nghĩa của cuộc sống chúng ta: hiệp thông với Ngài và trong tình yêu với người khác. Anh chị em có tin điều đó không?
Tin Mừng cần được thể hiện trong cuộc sống
Tôi cũng cảm ơn anh chị em vì cách anh chị em sống Tin Mừng chúng ta đã nghe. Người ta nói rằng Tin Mừng được viết và Tin Mừng được sống có sự khác nhau, giống như bản nhạc được viết và bản nhạc được trình diễn. Anh chị em ở đây biết giai điệu Tin Mừng và anh chị em hăng say sống nhịp điệu của nó. Anh chị em là một ca đoàn hợp nên từ sự đa dạng về quốc gia, ngôn ngữ và nghi lễ; một sự đa dạng mà Chúa Thánh Thần yêu thích và muốn ngày càng trở nên hài hòa, để tạo nên một dàn giao hưởng. Hợp ca vui tươi này của đức tin là một lời chứng cho mọi người và xây dựng Giáo hội. Tôi bị đánh động khi nghe Đức cha Hinder nói: ngài cảm thấy không chỉ ngài là mục tử của anh chị em, nhưng chính anh chị em với những gương sáng, anh chị em cũng thường là mục tử của ngài.
Tuy nhiên, sống như người được chúc phúc và bước theo con đường của Chúa Giêsu không có nghĩa là luôn phấn khởi. Những người chịu chèn ép, chịu bất công, những người làm tất cả những gì có thể để kiến tạo hoà bình, họ biết đau khổ nghĩa là gì. Chắc chắn, thật không dễ khi anh chị em sống xa nhà, và có thể cảm nhận sự thiếu vắng tình cảm từ những người thân yêu, và cũng cảm thấy không chắc chắn về tương lai của mình. Nhưng Chúa thành tín và không bỏ rơi dân Người. Một câu chuyện từ cuộc đời của Thánh Antôn viện phụ, người sáng lập vĩ đại của đời đan tu trong sa mạc, có thể hữu ích cho chúng ta. Vì Chúa, ngài đã bỏ hết mọi sự và vào ở trong sa mạc. Tại đó, có những lúc, ngài phải trải qua cuộc chiến đấu thiêng liêng gay gắt khiến ngài không bình an; ngài bị tấn công bởi những ngờ vực và bóng tối, và thậm chí bởi cám dỗ hoài niệm và tiếc nuối về cuộc sống trước đây. Nhưng sau đó, sau tất cả những dằn vặt này, Chúa đã an ủi ngài và thánh Antôn đã hỏi Chúa: Ngài đã ở đâu? Tại sao trước đây Ngài không xuất hiện để giải thoát con khỏi sự đau khổ? Rồi ngài nghiệm được một cách rõ ràng câu trả lời của Chúa Giêsu: Ta đã ở đây, Antôn (Thánh Athanasius, Vita Antonii, 10). Chúa gần gũi. Điều này có thể xảy ra, khi chúng ta phải đối mặt với một thử thách hay một thời điểm khó khăn, chúng ta nghĩ rằng mình đơn độc, thậm chí trước đó chúng ta đã dành nhiều thời gian với Chúa. Trong những lúc đó, dù không can thiệp ngay lập tức, nhưng Ngài vẫn đi cạnh chúng ta. Và nếu chúng ta tiếp tục tiến bước, Ngài sẽ mở cho chúng ta một con đường mới; Bởi vì Chúa là chuyên gia trong việc làm những điều mới; Ngài có thể mở những con đường trong sa mạc (x. Is 43,19).
Sống các Mối Phúc trong đời thường
Anh chị em thân mến,
Tôi muốn nói với anh chị em điều này, sống các Mối Phúc không đòi hỏi những cử chỉ vĩ đại. Hãy nhìn Chúa Giêsu: Ngài không để lại văn bản viết nào, không xây dựng gì lớn lao. Và khi Ngài nói với chúng ta về cách sống, Ngài đã không yêu cầu chúng ta xây dựng những công trình vĩ đại hay đánh dấu bản thân bằng những cử chỉ phi thường. Ngài chỉ yêu cầu chúng ta thực hiện một tác phẩm nghệ thuật mà mọi người đều có thể làm được: đó là cuộc sống của chính chúng ta. Do đó, các Mối Phúc là một bản đồ cuộc sống: không đòi hỏi những hành động siêu phàm, nhưng là bắt chước Chúa Giêsu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Các Mối Phúc mời chúng ta giữ cho trái tim mình được sạch, để trên hết, thực hành sự hiền lành và công chính, để trở nên lòng thương xót cho tất cả mọi người, để sống những đau khổ kết hiệp với Thiên Chúa. Đây là sự thánh thiện của cuộc sống hàng ngày, là điều không cần phép lạ hay dấu chỉ phi thường. Các Mối Phúc không dành cho siêu nhân, mà dành cho những con người phải đối mặt với bao nhiêu thách đố và khó khăn mỗi ngày. Ai sống theo Chúa Giêsu, người đó có thể làm sạch thế giới. Họ giống như một cây xanh, mà ngay cả trong vùng khô cằn, cũng hấp thụ không khí ô nhiễm mỗi ngày và trả lại oxy. Tôi cầu chúc anh chị em cũng giống như thế, bén rễ sâu vào Chúa Giêsu và sẵn sàng làm điều tốt cho những người xung quanh. Ước gì những cộng đoàn của anh chị em là đảo của hòa bình.
Mối phúc của người hiền lành
Cuối cùng, tôi muốn dừng lại một chút ở hai trong số các Mối Phúc. Trước tiên: “Phúc thay ai hiền lành” (Mt 5,5). Không phải phúc cho những kẻ tấn công hoặc chế ngự người khác, nhưng là cho những người theo lối hành xử của Chúa Giêsu, Đấng đã cứu chúng ta: Ngài hiền lành ngay cả đối với những kẻ buộc tội mình. Tôi muốn trích lời thánh Phanxicô, khi ngài cho các anh em những chỉ dẫn về việc tiếp cận những người Saracens và không Kitô. Ngài viết: Đừng làm cho họ phải tranh luận hay bất đồng, nhưng để họ thấy mình thụ tạo con người vì tình yêu Thiên Chúa, và để họ tuyên xưng rằng họ là Kitô hữu (Regula Non Bullata, XVI). Không tranh luận cũng không bất đồng: vào thời điểm đó, trong khi nhiều người trang bị vũ khí nặng, thánh Phanxicô đã chỉ ra rằng các Kitô hữu chỉ trang bị vũ khí là đức tin hiền lành và tình yêu cụ thể. Sự hiền lành rất quan trọng: nếu chúng ta sống trong thế giới theo cách của Thiên Chúa, chúng ta sẽ trở thành kênh hiện diện của Ngài; bằng không, chúng ta sẽ chẳng sinh hoa trái.
Mối phúc của người xây dựng hoà bình
Mối phúc thứ hai: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình” (c. 9). Kitô hữu thúc đẩy hòa bình, bắt đầu với cộng đoàn nơi mình sống. Trong Sách Khải Huyền, trong số các cộng đoàn mà chính Chúa Giêsu đề cập, có một cộng đoàn, đó là Philadelphia, mà tôi nghĩ có sự tương đồng với anh chị em. Giáo hội đó, không giống như hầu hết những Giáo hội khác, Chúa đã không trách cứ điều gì. Thật vậy, Giáo hội ấy đã giữ lời Chúa Giêsu, không chối bỏ danh Ngài, và đã kiên trì, nghĩa là tiến bước ngay cả khi gặp khó khăn. Ngoài ra, còn một chi tiết quan trọng: cái tên Philadelphia có nghĩa là tình yêu giữa anh em. Tình huynh đệ. Thế đó, một Giáo hội kiên trì giữ lời Chúa Giêsu; tình huynh đệ thì đẹp lòng Chúa và sinh hoa trái. Tôi cầu xin cho anh chị em ân sủng để gìn giữ bình an, hiệp nhất, chăm sóc lẫn nhau, với tình huynh đệ tốt lành, nơi đó không có Kitô hữu hạng nhất hay hạng hai.
Nguyện xin Chúa Giê-su, Đấng kêu gọi anh chị em đến các mối phúc, ban cho anh chị em ân sủng để luôn tiến bước không nản lòng, lớn lên trong tình yêu “với nhau và với tất cả mọi người” (1 Ts 3,12).
Văn Yên, SJ
(VaticanNews 05.02.2019