Từ ngàn xưa đến nay, vai trò của người thầy đã và luôn được khẳng định trong bất kỳ hoàn cảnh xã hội nào. Ông cha ta đã khẳng định vai trò của người thầy từ rất sớm qua những câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên”, hay “Muốn sang thì bắc cầu kiều.Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Tôi đã biết đến Einstein từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Ngày đó, tôi là một học sinh chỉ học ở mức trung bình về các môn tự nhiên cho nên những gì tôi biết về Einstein không có gì hơn ngoài việc ông là một nhà vật lý lỗi lạc với một phát minh vĩ đại gì đó mà hình như chúng tôi có học trong chương trình. Ngày tháng qua, tôi theo nghiệp giáo viên dạy văn. Điều đó càng khiến tôi lãng quên nhanh chóng cái tên Einstein. Cho đến một ngày được đọc câu chuyện “Buổi tối khi tôi gặp Einstein” trích từ “Những câu chuyện vĩ đại”của Jerome Weidman, nhà vật lý học lỗi lạc ngày nào sống lại trong tôi với một hình ảnh mới- một thầy giáo đầy tâm huyết và có nghệ thuật sư phạm tuyệt vời. Trong câu chuyện ấy, Einstein đã giúp tôi có được bài học đáng giá trong ghề dạy học của mình. Đặc biệt, ông đã cho tôi thấy được vai trò cao cả của người thầy qua câu nói “Hãy đánh thức tâm hồn để thế giới đưa cái đẹp vào cư ngụ”.
Từ ngàn xưa đến nay, vai trò của người thầy đã và luôn được khẳng định trong bất kỳ hoàn cảnh xã hội nào. Ông cha ta đã khẳng định vai trò của người thầy từ rất sớm qua những câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên”, hay “Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Ở những câu nói này, vai trò của người thầy được đặt lên rất cao. Người thầy quyết định cả cuộc đời, tương lai của trò. Nếu không có thầy, không người dạy bảo thì con người không làm nên việc gì. Cả sự nghiệp tương lai cũng không có nếu không “hay chữ” và “yêu lấy thầy”. Với những câu nói được đúc kết từ xa xưa ấy, ta đã thấy vai trò của người thầy được khẳng định và xếp vào vị trí rất quan trọng đối với cuộc đời mỗi người. Thế nhưng, đến câu nói của nhà bác học Einstein, ta lại càng thấy vai trò của người thầy trở nên cao cả và thiêng liêng, đó là vai trò “đánh thức tâm hồn” và “đưa cái đẹp vào cư ngụ” trong tâm hồn người học.
Càng suy ngẫm về câu nói, tôi càng thấy thấm thía ý nghĩa và tác động mà câu nói mang lại cho nghề dạy học và cho một giáo viên trẻ như tôi. “Hãy đánh thức tâm hồn”, đó là công việc mà không phải ai cũng làm được, đối với người giáo viên lại càng khó. Mỗi người đều có thế giới riêng của mình, có những suy nghĩ, cảm nhận riêng không ai hiểu được. Bản thân mỗi người đôi khi cũng không thể lý giải được những bí ẩn trong tâm hồn mình. Đôi khi mình thích hay không thích một cái gì cũng rất tự nhiên, không thể giải thích nguyên nhân. Chẳng hạn như nhân vật “tôi” trong câu chuyện “Buổi tối khi tôi gặp Einstein”. Nhân vật này chỉ biết là mình “không cảm được âm nhạc” và “không có khiếu âm nhạc” một cách rất cảm tính thế thôi. Từ đó, nhân vật này khép tâm hồn mình lại với âm nhạc, không thích và cũng chẳng màng để ý đến nó, dù đã đứng giữa không khí bao trùm của buổi hòa nhạc nhưng vẫn “mặc cho hồn mình lang thang phiêu lãng”. Tôi bắt gặp hình ảnh của nhân vật “tôi” trong số nhiều học trò của mình. Tôi tự hỏi có bao nhiêu đứa học trò trong lớp học mà tôi từng đi qua cũng đang đóng cánh cửa tâm hồn mình lại trong giờ học của tôi? Vì vậy, việc tìm ra nguyên nhân và cách để “đánh thức tâm hồn” người học là điều vô cùng cần thiết đối với giáo viên nói chung và bản thân tôi nói riêng. Vì chỉ có đánh thức được tâm hồn người học, chúng ta mới có thể thực hiện việc tiếp theo là “đưa cái đẹp vào cư ngụ” trong tâm hồn họ.
Thế nhưng, vấn đề đặt ra là giáo viên phải làm thế nào để “đánh thức tâm hồn” người học? Trước khi đi tìm giải pháp, chúng ta nên tìm hiểu nguyên nhân tại sao hoc sinh không thích học. Nguyên nhân chủ quan trước hết có lẽ vì học sinh cảm thấy không có năng khiếu môn học này, học không hiểu, đâm ra chán. Cũng có thể do bản thân học sinh lười học, không chịu học hành, dần dà mất kiến thức căn bản, không theo kịp. Nhưng cũng có thể có nhiều nguyên nhân khách quan tác động đến học sinh. Đặc biệt là người thầy. Một thầy giáo có thể có kiến thức uyên thâm, nhưng nếu không có phương pháp truyền đạt nguồn tri thức đó đến người học thì cũng bằng thừa. Quan trọng hơn, nếu có nội dung, có phương pháp nhưng người thầy không khơi gợi được hứng thú, động cơ học tập ở người học thì người học cũng cảm thấy việc học vô vị và vô nghĩa. Vậy vấn đề cốt yếu của người giáo viên là phải tìm cách khơi gợi hứng thú, động cơ học tập ở người học. Đối với một giáo viên dạy văn như tôi, thiết nghĩ công việc này càng quan trọng. Bởi văn chương là nghệ thuật ngôn từ. Dạy văn là dạy tác phẩm nghệ thuật nên nó có những đặc thù khác với những môn học khác. Đối với một môn học có tính nghệ thuật như văn chương mà nếu học sinh không có hứng thú thì không thể nào cảm nhận được cái hay cái đẹp của nó. Ngày nay, cùng với xu thế đổi mới phương pháp dạy học, các giáo viên dạy văn cũng áp dụng những phương pháp tích cực vào giảng dạy. Thế nhưng, việc vận dụng không khéo những phương pháp mới càng làm xơ cứng hóa một tác phẩm văn chương, triệt tiêu tính nghệ thuật của nó. Vì thế mà xã hội ngày càng báo động tình trạng học sinh quay lưng lại với môn văn và yêu cầu nhà trường “hãy trả lại bản chất nghệ thuật cho văn chương”. Điều đó cho thấy giáo viên chẳng những đã không khơi gợi được hứng thú học tập cho học sinh mà còn triệt tiêu mọi cảm hứng của học sinh đối với môn học này. Đây là một vấn đề nhức nhối đối với những giáo viên dạy văn nói chung và bản thân tôi nói riêng.
Giờ đây, qua câu chuyện về Einstein, tôi đã có thể rút ra một bài học bổ ích cho nghiệp giảng dạy của mình. Đó là bài học về cách “đánh thức tâm hồn người học”. Trong giờ dạy của mình, không phải giáo viên chỉ thao thao bất tuyệt nói những gì mình biết mà còn phải biết được học sinh của mình thích cái gì, không thích cái gì, muốn nghe cái gì và chưa biết cái gì. Từ đó, chúng ta sẽ khơi gợi từ cái người học biết, thích thú, kích thích nhu cầu tự thể hiện bản thân của người học để dẫn dắt người học đến cái người học chưa biết, chưa thích thú. Trong quá trình điều khiển nhận thức ấy của người học đòi hỏi giáo viên phải dẫn dắt bằng những câu hỏi, đặt ra những tình huống vừa sức đối với học sinh, đi từ dễ đến khó, kết hợp lý thuyết với vận dụng thực hành. Hơn nữa giáo viên còn phải thể hiện sự khéo léo, thái độ nhiệt thành của mình khi nêu từng câu hỏi, dẫn dắt từng vấn đề, quan sát, giúp đỡ người học khi người học thực hiện nhiệm vụ và có đánh giá hợp lý để khích lệ khi người học hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả những điều đó sẽ góp phần tạo hứng thú, động cơ học tập cho người học. Người học sẽ cảm thấy được quan tâm, được nâng đỡ, giúp sức để bước những bước vững vàng trên con đường tiếp thu tri thức làm hành trang vào đời.
Câu chuyện đã giúp tôi đúc kết được bài học giáo dục tuyệt vời từ nhà bác học tài ba. Đặc biệt câu nói của Einstiens “Hãy đánh thức tâm hồn để thế giới đưa cái đẹp vào cư ngụ” có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân mỗi người và ý nghĩa sư phạm tuyệt vời. Câu nói ấy đã đánh thức nhiệm vụ, vai trò cao cả của người giáo viên, giúp người giáo viên ý thức được sự khó khăn trong sứ mệnh của mình. Đối với bản thân tôi, một giáo viên trẻ mới chập chững vào nghề, câu nói ấy càng thúc giục tôi phải luôn học tập, bổ sung kiến thức, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy của những người đi trước để ngày càng trở thành một giáo viên biết cách và đủ bản lĩnh “đánh thức tâm hồn” người học, “đưa cái đẹp” của văn chương vào cư ngụ trong tâm hồn học sinh. Qua câu chuyện và câu nói của Einstien giúp tôi hiểu rằng, một người thầy muốn thành công thì không chỉ dạy bằng kiến thức mà còn phải dạy bằng cả trái tim mình.
BXM-LONG XUYÊN