Ông Carlo Castagna, một cư dân của Erba, ở Ý trở nên nổi tiếng từ năm 2006, ông được mọi người biết đến với lòng ngưỡng mộ không phải vì ông là một thiên tài nhưng vì là người đã sống niềm tin của mình một cách anh hùng, qua việc can đảm tha thứ cho những người đã sát hại chính người thân của ông. Từ nơi ông người ta thấy được một người bình thường như mọi người nhưng lại có một điều khác biệt mọi người, một người đã sống kinh nghiệm của sự tha thứ.
Carlo Castagna không muốn nói nhiều về những gì ông đã thực hiện, ông đã 75 tuổi, cảm thấy mệt mỏi, thực tâm ông bị cám dỗ từ chối lời mời ông nói lên những gì ông đã trải nghiệm về sự tha thứ. Nhưng sau đó, vì vâng lời Giáo hội mà ông cảm nhận như người mẹ và trên hết tất cả sự kiên định của mình, ông bắt đầu câu chuyện của tha thứ.
Vụ thảm sát xảy ra vào tối ngày 11 tháng 12 năm 2006, do chính những người hàng xóm thực hiện. Đó là vợ chồng Rosa và Olindo. Họ đã ra tay sát hại vợ, con gái và cháu trai của ông chỉ vì những lý do nhỏ nhặt thường xảy ra trong các khu phố. Ông Carlo Castagna cũng như những người hàng xóm khác, trong những ngày này cùng với gia đình đang trang trí căn phòng cho dịp lễ Giáng Sinh và đón năm mới. Vào ngày kinh hoàng đó ông đang thiu thiu ngủ trước ti vi chờ vợ về. Ớ dưới gốc cây thông Noel quà đã được chuẩn bị sẵn sàng cho mọi người đặc biệt cho cháu trai bé nhỏ. Nhưng rồi cái ác đã đến, sự lạnh lùng của nó đã đến trong ngôi nhà ấm cúng tràn đầy tình yêu của ông. Địa ngục không cần một lý do nào mà người ta có thể đoán trước, phá vỡ bầu khí thanh bình. Bất chợt ông cảm thấy mưa nhiều và lạnh, rồi tiếng còi xe của cảnh sát, những tiếng la lớn, đám đông. Tất cả hiện lên trước mắt ông hình ảnh kinh hoàng của những nạn nhân của vụ giết người mà họ chính là vợ, con và cháu của ông.
Ông nói: “Nếu ai ở vào hoàn cảnh của tôi, một là tưởng chừng có thể phát điên lên hoặc ước mong một ai đó cứu mình khỏi hoàn cảnh này. Tôi như một người bị đánh gục, tôi run rẩy như một chiếc lá, tôi không hiểu: ai là những người đã chết?”.
Rồi ông đối diện với điều bí ẩn của mình, điều mà mọi người muốn biết. Ông chia sẻ: “Một mình tôi sẽ không bao giờ có thể nói lên lời tha thứ, nhưng tôi cảm nhận bàn tay của Người Cha tốt lành đã đặt trên tôi một điều an ủi không thể giải thích được. Chắc chắn những người thân yêu của tôi, những người đã ở trong vòng tay của Thiên Chúa tốt lành đã cầu nguyện cho tôi”.
Ông làm cho mọi người sốc và ngạc nhiên khi chỉ cho thấy điều đơn giản mà đối với ông là một hành động đúng. Ông, một người cực kỳ hợp lý, gần như toán học, ông nói: “Tại sao các bạn ngạc nhiên nếu một Kitô hữu tha thứ cho những người bách hại mình? Chúa Giêsu dạy chúng ta yêu kẻ thù, sự ngạc nhiên sẽ là nếu người Kitô trả thù”. Và ông trích dẫn với sự ngưỡng mộ lời của người bạn linh mục mà ông thường xuyên lui tới hàng ngày, và lời của mẹ vợ ông, người đã cho ông thêm can đảm: “Carlo, chúng ta phải cầu nguyện cho những kẻ giết người, nếu không chúng ta không có thể cầu nguyện với kinh Lạy Cha… tới đọan chúng ta xin … như chúng con tha thứ cho những kẻ nợ với chúng con “.
Ông nói ông không cần phải biết tên những kẻ giết người, ông tha thứ cho họ dù họ là ai, ngay cả trước khi họ bị phát hiện. Và khi Olindo và Rosa thú nhận tội ác của họ, không có gì thay đổi trong ông, bất chấp những lý do tàn ác hơn nữa. Và ở đây một lần nữa tư tưởng của ông chiếu sáng: “Những người thân yêu của tôi ở bên cạnh tôi trong tinh thần và sớm hay muộn tất cả chúng tôi sẽ gặp lại nhau. Nhưng tôi cầu nguyện cho ông Olindo và bà Rosa vì họ vẫn có thể tự cứu mình và cầu xin sự tha thứ, không phải với tôi, mà là với Người Cha tốt lành. Nếu điều này xảy ra, họ sẽ khóc với nhau như những anh em tìm thấy nhau, bởi vì – theo thánh Augustino – “Thiên Chúa không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống”. Thiên Chúa, Ngài đã chết trước, và Ngài biết người tội lỗi, Ngài đang cầu nguyện mãnh liệt hơn.
Người ta chưa bao giờ thấy ông tỏ dấu hiệu thù hận đối với người phạm tội, chỉ một lần duy nhất ông thú nhận ông xấu hổ thực sự vì trong một phiên tòa ông đã gọi những người phạm tội là “kẻ sát nhân”; những lần khác người ta chứng kiến họ cười với nhau. Suy nghĩ của ông về họ đưa ông đến việc viết cuốn sách về “Sự tha thứ của Erba”, ông viết nó cũng vì sự vâng lời một linh mục. Đối với ông “điều bất hạnh không phải là đau khổ; bất hạnh là việc làm của cái ác”.
Người ta tự hỏi làm thế nào mà ông có thể tha thứ được như vậy. Thật ra theo ông, trước hết đó là ân sủng của Thiên Chúa và con người phải cộng tác. Trong cuộc sống, ông không có gì ngoài công việc, gia đình và một đức tin không thể lay chuyển, với nhịp điệu hàng ngày, cố gắng giữ tất cả mọi thứ lại với nhau. Tại các lễ hội của giáo xứ, ông cùng với vợ đi giúp bếp phục vụ người nghèo. Ông cũng đã tham gia vào các hoạt động bác ái của giáo xứ, chia sẽ những gì mình có cho những người thiếu thốn, không phân biệt ai, cả cho người đã sát hại những người thân của ông. Ông bắt đầu và kết thúc một ngày sống bằng việc cầu nguyện với gia đình. Mỗi ngày gia đình đọc Thánh vịnh và xin “sức mạnh của sự tha thứ”. Và chính lúc này đây, hoa trái của việc trung thành cầu nguyện đã có thể giúp ông tha thứ ở một nơi mà khi hận thù sẽ không làm ai ngạc nhiên, nhưng tha thứ thì có.(Avvenire 26/5/2018)
Ngọc Yến
(RadioVaticana 12.06.2018)