Bạn biết gì về 4 sinh vật đại diện cho 4 Tác Giả Tin Mừng?

Truyền thống nghệ thuật Kitô giáo từ lâu đã có thói quen mô tả 4 vị Thánh Sử Tin Mừng đi kèm hoặc được đại diện bằng 4 sinh vật: con người, sư tử, bò và đại bàng. Đây không phải là sự sắp xếp cố tình hay suy tư sáng tạo của các nghệ nhân, như trường hợp biểu tượng chim bồ nông là một ví dụ về sự suy tư liên tưởng, nhưng 4 hình ảnh trên là những điều có nền tảng Kinh Thánh hẳn hoi.


Ít nhất là hai lần Kinh Thánh đã nhắc đến hình ảnh của 4 sinh vật trên. Đầu tiên là trong thị kiến của tiên tri Êdêkien: ông mô tả 4 sinh vật, và “bộ mặt của chúng, thì chúng đều có mặt người, cả bốn đều có mặt sư tử bên phải, cả bốn đều có mặt bò rừng bên trái, cả bốn đều có mặt phượng hoàng. Đó là mặt của chúng. Còn cánh của chúng thì giương lên cao. Mỗi sinh vật có hai cánh giáp vào nhau và hai cánh khác phủ thân mình” (Ed 1,10-11). Đó là thị kiến của ông về xa giá của Thiên Chúa.

Ông Êdêkien sống trước Chúa Kitô 6 thế kỷ, trong thời kỳ dân Do Thái đi lưu đày ở Babylon. Ở đó, các biểu tượng kết hợp nhiều hình ảnh tương tự có nguồn gốc từ Ai Cập và Lưỡng Hà đang khá phổ biến (chẳng hạn như tượng nhân sư Ai Cập kết hợp người và sư tử), và có thể vị tiên tri đã chịu ảnh hưởng của kiểu văn hoá biểu tượng kết hợp ấy. Thực tế, 4 hình ảnh mà tiên tri đã mô tả tương ứng với 4 biểu tượng trong chiêm tinh Babylon: con bò tượng trưng cho chòm sao Kim Ngưu, con sư tử tượng trưng cho chòm Sư Tử, đại bàng cho chòm Bọ Cạp, và con người cho chòm Bảo Bình. Các tín hữu thời sơ khai đón nhận các biểu tượng này và gán chúng cho 4 vị Thánh Sử; và từ thế kỷ 5 thì hoàn toàn thay đổi ý nghĩa của chúng cho đến ngày nay.

Lần thứ hai mà 4 sinh vật trên xuất hiện trong Kinh Thánh là nơi chương 4, câu 7 của sách Khải Huyền của Thánh Gioan: “Ở giữa ngai và chung quanh ngai có bốn Con Vật, đằng trước và đằng sau đầy những mắt. Con Vật thứ nhất giống như sư tử, Con Vật thứ hai giống như bò tơ, Con Vật thứ ba có mặt như mặt người, Con Vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay.” Đây là thị kiến mà tác giả sách Khải Huyền mô tả về quang cảnh trước ngai toà Thiên Chúa. 4 Con Vật trên là 4 thụ tạo hằng ở trước ngai để chúc tụng vinh quang Chúa.

Thế nhưng tại sao người ta lại gán 4 con vật biểu tượng trên cho 4 Thánh Sử như chúng ta thấy hiện nay, mà không phải là theo quy tắc nào khác? Chính Thánh Giêrônimô (347-420), người đã dịch bộ Kinh Thánh từ tiếng Hípri và Hy Lạp sang tiếng Latinh lần đầu tiên, là người đã thực hiện việc gán ghép các biểu tượng ấy. Có những lý do ràng buộc và thuyết phục, liên quan đến đặc điểm Tin Mừng của 4 Thánh Sử để gán như vậy:

– Thánh Mátthêu được gắn liền với một người có cánh – đôi khi là một thiên thần – vì Tin Mừng của ngài tập trung vào nhân tính của Chúa Giêsu Kitô. Thực tế là Thánh Mátthêu đã bắt đầu Tin Mừng của mình bằng gia phả của Chúa Giêsu để nói về bản tính nhân loại của Người.

– Thánh Máccô thì được liên kết với một con sư tử, bởi lẽ Tin Mừng của ngài nhấn mạnh vẻ oai nghi của Chúa Giêsu và phẩm chất đế vương của Người, giống như sư tử được coi là vua của muôn thú. Tin Mừng của ngài bắt đầu với lời rao giảng của Thánh Gioan Tẩy Giả, kêu lên trong hoang địa như tiếng sư tử gầm.

– Thánh Luca thì đi liền với con bò, do Phúc Âm của ngài nói sâu về tính hy sinh trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, cũng như con bò là lễ vật hy tế thượng phẩm theo luật Môsê. Trong tác phẩm của ngài, Luca phát hoạ cảnh Giáng Sinh với các con vật, trong đó có con bò, làm chứng nhân cuộc giáng thế của Đấng Cứu Tinh.

– Cuối cùng, Thánh Gioan thì tương quan với con đại bàng, vì hai lý do: đầu tiên, Phúc Âm của ngài mô tả sự nhập thể của Ngôi Lời, tức sự giáng thế của Chúa Kitô, và đại bàng là biểu tượng của một thứ gì đó đến từ phía trên; thứ hai, cũng giống như đại bàng, Thánh Gioan là người có thể nhìn thấy những gì mà người khác không thấy được, chẳng hạn như các mặc khải trong sách Khải Huyền của ngài. Vì những sự cao siêu trong trước tác của ngài mà người ta gọi ngài là Thánh Gioan Tác Giả Tin Mừng, Đại Bàng đảo Pátmô.

Theo Aleteia

Gioakim Nguyễn lược dịch