Bận rộn với những việc nhỏ nhặt chính là một loại thất bại

Đời người ngắn ngủi, nếu suốt ngày chỉ bận rộn với những việc nhỏ bé vụn vặt thì sẽ bỏ lỡ mất những việc lớn lao, đó cũng là một loại biểu hiện của thất bại…
Bận rộn với những việc nhỏ nhặt chính là một loại thất bại
BẬN RỘN VỚI NHỮNG VIỆC NHỎ NHẶT CHÍNH LÀ MỘT LOẠI THẤT BẠI
Trong một thiền viện nơi sơn cốc có một tiểu đệ tử vô cùng chăm chỉ, bất kể là đi hóa duyên, hay rửa rau, quét dọn đều thực hiện cần mẫn, nhưng tâm tư lại luôn rối loạn, cũng không hiểu vì sao lại thành ra như vậy.

Tiểu đệ tử luôn cảm thấy mệt mỏi, cuồng mắt càng ngày càng thâm, cuối cùng không chịu được nữa mới tìm đến sư phụ. Cậu ta nói với sư phụ: “Sư phụ, con quá mệt mỏi, thế nhưng không thấy được thành tựu nào hết, xin cho con hỏi nguyên nhân là vì đâu?”

Lão thiền sư trầm tư một lúc rồi nói: “Con mang cái bát hằng ngày mình đi hóa duyên đến đây”.

Sau khi tiểu đệ tử mang bát tới, lão thiền sư nói: “Được rồi, đặt nó xuống đây, con hãy đi lấy quả hạnh đào bỏ đầy vào bát”.

Tiểu đệ tử không biết sư phụ có dụng ý gì, nhưng cũng mang tới một rổ hạnh đào, bỏ mười mấy quả vào thì đã đầy bát.

Lão thiền sư hỏi đồ đệ: “Con có thể bỏ thêm hạnh đào vào bát được nữa không?”

Đệ tử nói: “Bát đã đầy rồi, nếu cứ cho hạnh đào vào thì nó sẽ rơi xuống”.

“Vậy con hãy mang gạo cho vào trong bát thử coi”, vị thiền sư gợi ý.

Tiểu đồ đệ liền bốc một ít gạo mang đến, cậu ta bỏ gạo vào những khe hở giữa các quả hạnh đào, bỏ được rất nhiều gạo vào trong. Sau khi gạo lấp đầy cả bát, tiểu đồ đệ dừng lại, đột nhiên như ngộ ra điều gì: “À, vừa rồi cái bát còn chưa đầy”.

Lão thiền sư liền hỏi đồ đệ: “Vậy bây giờ nó đã đầy chưa”.

Tiều đồ đệ trả lời: “Hiện giờ đã đầy rồi”.

Lão thiền sư bảo đồ đệ: “Con thử đổ nước vào trong bát xem như thế nào”.

Tiểu đồ đệ lấy nước đến rồi đổ vào trong bát, sau khi đổ được nửa bát nước vào, lần này thấy tất cả các khe đã được lấp đầy.

Lão thiền sư lại hỏi đồ đệ: “Lần này thì đầy rồi chứ?”

Tiểu đồ đệ nhìn thấy bát đã đầy rồi, nhưng lại không dám trả lời, không biết sư phụ còn cho thêm thứ gì vào nữa không.

Lão thiền sư cười bảo tiểu đệ tử mang một ít muối đến, rồi lại bỏ muối vào trong bát, nước cũng không tràn ra chút nào. Tiểu đệ tử lại có vẻ như ngộ ra gì đó, lão thiền sư hỏi cậu ta: “Con hãy giải thích xem vì sao lại như vậy?”

Tiểu đồ đệ nói: “Con biết rồi, điều này nói lên rằng chỉ cần vẫn còn kẽ hở thì vẫn có thể dung nạp được nhiều thứ”.

Lão thiền sư lắc đầu cười, nói: “Đây không phải là điều mà ta muốn nói với con”.

Sau đó lão thiền sư đổ hết những thứ trong bát vào trong một cái chậu, chỉ còn lại một cái bát không. Lão thiền sư làm chậm rãi, vừa đổ vừa nói: “Chúng ta vừa cho hạnh đào vào trước, bây giờ chúng ta làm ngược lại xem như thế nào?”

Lần này lão thiền sư cho một thìa muối vào bát trước, rồi đổ đầy nước vào, sau đó cho gạo vào bát, lúc này nước bắt đầu tràn ra ngoài.

Khi gạo đã đổ đầy bát, lão thiền sư nói với đồ đệ: “Con xem, bây giờ có thể cho quả hạnh đào vào trong bát được nữa không?”

Đệ tử ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì.

Lão thiền sư nói tiếp: “Nếu cuộc đời của con giống như cái bát, khi trong đó chứa toàn là gạo, tức là trong đầu con chỉ nghĩ đến những chuyện nhỏ bé, vậy thì làm sao có thể bỏ những thứ lớn lao vào trong được!”

Bấy giờ tiểu đệ tử mới hoàn toàn minh bạch ra, cúi đầu cảm tạ sư phụ.

Cuộc đời ngắn ngủi, nếu bạn cả ngày bôn ba chạy vạy, bận rộn không ngừng với những thứ nhỏ nhoi, vậy thì bạn hãy suy nghĩ xem: “Chúng ta làm thế nào để mang những thứ lớn lao vào trong cuộc sống của mình đây?”.

Nếu cuộc đời là một cái bát, thì làm sao để phân biệt đâu là gạo, đâu là hạnh đào? Chính là phải xác định được cái gì là quan trọng nhất trong cuộc sống của mình. Nếu mỗi người ai cũng biết rõ “hạnh đào” của mình là gì, thì cuộc sống sẽ rất nhẹ nhàng và đơn giản.

Lê Hiếu