Bàn thờ: Lịch sử – Ý nghĩa – Thực hành

Ngoài bàn thờ bằng gỗ và bằng đá, người ta còn dùng cả kim loại để làm bàn thờ, chính xác là họ bọc bàn thờ gỗ hay bàn thờ đá bằng kim loại quý.
BÀN THỜ LỊCH SỬ Ý NGHĨA THỰC HÀNH

I] Vài nét lịch sử

Có hai loại bàn thờ được đề cập trong Kinh Thánh: một loại bàn thờ chung mà mọi người Do Thái xưa sẽ đi đến đó ba lần mỗi năm để dâng hy tế; còn lại là những bàn thờ tư chỉ được phép theo những điều kiện nhất định như được làm bằng những tảng đá không đẽo gọt hay bằng đất (Xh 20,25). Nhưng rồi các luật lệ được đưa ra sau đó yêu cầu mọi việc sát tế thú vật làm hy tế phải mang đến nhà của Đức Chúa [tức nhà tạm nằm ở giữa trại của dân Israel] và đòi hỏi phải hủy bỏ các bàn thờ tư, để rồi chỉ có một bàn thờ chung, một Đức Chúa, một chức tư tế, một quốc gia và một luật lệ. Đây là một khác biệt rất lớn so với các dân tộc theo đa thần ở chung quanh người Do Thái.

Bởi ảnh hưởng não trạng của vùng Cận Đông nên người Do Thái cũng quan niệm và dựng bàn thờ ở trên cao vì Đức Chúa ngự ở nơi cung thánh, trên chốn cao vời và thần tính Ngài sẽ xuống nơi bàn thờ để hòa nhập với dân chúng, còn dân chúng phải leo lên cao để gặp thần tính Ngài. Khi có đền thờ thì nơi cư ngụ của Đức Chúa là đền thờ với trung tâm của đền thờ là bàn thờ. Trên bàn thờ này luôn có việc thiêu đốt, có đèn cháy sáng (Lv 6,5; 2Mcb 1,6; Xh 27,20; Lv 24,2) và bàn thờ được thanh tẩy hằng năm (Xh 29, 12. 36; Lv 4, 1; 8, 9. 15; 16, 18). Khi loài người dâng lên Đức Chúa của lễ thì Ngài sẽ đáp lại tặng phẩm của con người bằng phúc lành của Ngài (Xh 20,24). Lại nữa, chính trên bàn thờ mà Giao ước được duy trì và tái thiết lập giữa Đức Chúa và dân riêng của Ngài.

Sang thời Tân Ước, bởi vì các Kitô hữu thời Giáo hội sơ khai hầu hết là người Do Thái trở lại cho nên không xảy ra sự phá vỡ hoàn toàn những thực hành truyền thống của người Do Thái. Họ vẫn kính trọng và sử dụng bàn thờ ở Giêrusalem. Tuy nhiên, không lâu sau, do sứ vụ truyền giảng của thánh Phaolô, con số dân ngoại gia nhập Kitô giáo tăng vọt, nên đã hình thành và phát triển một truyền thống thứ hai được tìm thấy trong Ga 2, 13-22: “Đền thờ chính là thân thể Chúa Kitô”. Càng ngày, họ càng tách biệt khỏi đền thờ và hội đường Do Thái để có một nơi phụng tự riêng (Dt 13,10).1

Thực sự, Tân Ước không đề cập đến bàn thờ. Chúng ta chỉ có thể biết tới bàn thờ trong thị kiến được nêu ra trong sách Khải Huyền. Khi các sách Tân Ước đang được viết, thì bàn thờ chỉ là cái bàn, trên đó cộng đoàn cử hành bữa tiệc của Chúa. Nhận định này trùng với ý kiến cho rằng thời các tông đồ, bàn thờ chỉ là một cái bàn ăn (mensa) và được gọi là bàn tiệc của Chúa Kitô (mensa Christi) vì bữa ăn huynh đệ (Agape) liên kết với nghi lễ bẻ bánh (Eucharistia) giữa cộng đoàn. Lúc bấy giờ, Agape đi chung với Eucharistia, bàn có hình chữ C. Nhưng từ khi Agape bị tách ra khỏi Eucharistia vì sự lạm dụng như được thánh Phaolô mô tả trong 1Cr 11,17-34, thì chỉ còn một cái bàn cho cả cộng đoàn. Căn cứ vào hình ảnh trên các vòm hang toại đạo thì bàn này hình tròn, có ba chân, thường làm bằng gỗ. Mọi người tham dự nghi lễ bẻ bánh đứng chung quanh bàn và tiến đến bàn khi hiệp lễ. Do nguồn gốc này mà trong Lễ quy Rôma, dân chúng được gọi là CIRCUMSTANTES, nghĩa đen là những người đứng chung quanh.2

Trong 4 thế kỷ đầu, không ai đặt vấn đề làm phép hay xức dầu bàn thờ vì thực sự bàn thờ bấy giờ không phải là bàn thờ đúng nghĩa mà chỉ là bàn tiệc. Cho đến thế kỷ IV, bàn thờ làm bằng gỗ và có thể di chuyển được. Khi Kitô giáo được tự do hành đạo và dần dần trở thành quốc giáo, các nhà thờ vĩ đại bằng gạch đá được xây dựng ở nhiều nơi, vì vậy bàn thờ gỗ trở nên không còn thích hợp, thay vào đó, người ta sử dụng bàn thờ bằng đá. Hơn nữa, việc thay thế bàn thờ bằng gỗ còn bởi lý do gỗ là chất liệu dễ bị hư hại hơn kim loại và không đắt giá bằng những loại kim loại quý. Có lẽ vì vậy mà Thánh Giáo Hoàng Sylvester (314-335) là người đầu tiên đã ra sắc lệnh rằng bàn thờ buộc phải được làm bằng đá bởi vì chính trong triều đại giáo hoàng của ngài nhiều ngôi nhà thờ vĩ đại đã được xây dựng. Từ đó, người ta cũng nghĩ đến việc thánh hiến bàn thờ cùng với thánh đường.3

Bàn thờ đá được đặt cố định trong cung thánh. Bàn thờ được làm bằng đá để ám chỉ đây là bàn dâng lễ tế và thánh lễ là một hy tế. Các giáo phụ dạy rằng: “Đức Kitô vừa là lễ tế, vừa là tư tế và là bàn thờ”. Khi cử hành thánh lễ trên bàn thờ bằng đá, Hội Thánh biến bàn thờ thành hình ảnh Đức Kitô. Trong Kinh Thánh, chủ đề “tảng đá” gợi lên hình ảnh ông Môsê làm nước vọt ra từ tảng đá. “Tảng đá chính là Đức Kitô” (1Cr 10,4); “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường” (Tv 117,22). Chủ đề “bàn thờ bằng đá” cũng đã có trong sách St 28, 18: “Sáng hôm sau, Gia-cóp dậy sớm, lấy hòn đá cậu đã gối đầu, dựng lên làm trụ và đổ dầu lên đầu trụ” và trở thành quy luật chắc chắn trong Đnl 27,5-7, để dâng của lễ toàn thiêu.4

Sau thời cấm đạo ở Rôma (thế kỷ IV-V), vì sự kính trọng các thánh tử đạo nên mộ huyệt của các ngài thường được trang trí, thánh lễ được cử hành trên phần mộ của các ngài và người ta liên kết hài cốt các vị tử đạo với bàn thờ (nơi cử hành thánh lễ) bằng cách cho xây đài tưởng niệm, đền đài nhỏ hay nhà thờ trên mộ của các ngài, chẳng hạn như nhiều thánh đường đã được xây dựng trên các hang toại đạo.5 Điều này thích ứng với những gì sách Khải Huyền mô tả: “Khi Con Chiên mở ấn thứ năm, thì tôi thấy dưới bàn thờ, linh hồn của những người đã bị giết vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và đã làm chứng”(Kh 6,9). Bàn thờ như thế còn nhằm nhấn mạnh ý nghĩa: Hy lễ của các chi thể (tín hữu) bắt nguồn từ hy lễ của Đấng là Đầu và là Thủ Lãnh.

Vào khoảng thời gian này (thế kỷ IV –VI), người ta cũng có thói quen chôn các linh mục và giám mục dưới bàn thờ. Nhưng Đức Giáo Hoàng Félix I tuyên bố chỉ mộ huyệt của các thánh tử đạo mới xứng đáng là nơi để dâng lễ, nên không cho cử hành thánh lễ trên bất cứ mộ phần nào khác. Đây là lý do mà trong quá khứ, các nhà kiến trúc đã từng thiết kế bàn thờ như một ngôi mộ, đôi khi có cả thi thể của một vị thánh nằm trong đó. Ngoài việc được xây cất theo dạng một cái mộ, có nơi, bàn thờ còn có cột đỡ một tấm đá phẳng bên trên. Tại các nhà thờ lớn, bàn thờ có thêm lộng bằng kim loại che phía bên trên, như trong Đền thờ thánh Phêrô ở Vatican. Quy luật lúc bấy giờ là: nếu bàn thờ nằm trên mộ thánh tử đạo, thì không cần đến xương thánh; nhưng nếu là bàn thờ bằng đá, thì phải có xương thánh tử đạo. Đó là lý do tại sao vào thế kỷ thứ VIII, người ta đi tìm kiếm xương thánh và trân trọng xương thánh còn hơn cả bảo ngọc trân châu. Thậm chí, còn hơn cả thánh điện hay vương cung thánh đường huy hoàng.6 Nếu có, xương thánh được đặt trong một cái hộp nhỏ rồi được gắn đặt trong bàn thờ hay dưới bàn thờ. Nếu không tìm được xương thánh, người ta thay thế bằng miếng vải đã chạm vào xương của thánh tử đạo.7

Ngoài bàn thờ bằng gỗ và bằng đá, người ta còn dùng cả kim loại để làm bàn thờ, chính xác là họ bọc bàn thờ gỗ hay bàn thờ đá bằng kim loại quý. Chẳng hạn trong đại thánh đường Latran, có đến bảy bàn thờ bằng bạc; trong đại thánh đường Sopia ở Constantinôpôli (thế kỷ V), có một bàn thờ bằng vàng do Pulchérie, con gái của Arcadius dâng tặng và sau đó được hoàng đế Justinien sửa lại năm 532.8

Về vị trí, ngày xưa bàn thờ nằm giữa cung thánh, vì chung quanh bàn thờ trống trải nên mọi người có thể nhìn thấy bàn thờ và đến với bàn thờ. Nhưng đến thế kỷ thứ X, người ta đẩy lùi bàn thờ vào cuối cung thánh. Linh mục quay mặt vào bàn thờ, giáo dân nhìn vào lưng của ngài. Còn thầy phó tế, lúc trước đứng đối diện với chủ tế trong suốt thánh lễ, nay đứng sau lưng của ngài.9

Sau Công đồng Vatican II, Giáo hội triển khai trở lại việc tư tế làm lễ đối diện với dân chúng cho nên bàn thờ thường được đặt để ở giữa cung thánh.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh Thể, SSS

______________________________________________________________________

1 Xc. Spicq, L’Epitre aux Hebreux, I (Paris, 1952), 266-329.

Charles E. Miller, CM, The Celebration of The Eucharist (Newyork: St Pauls, Alba House, 2010), 49.

3 Nguyễn Văn Trinh, Thánh Lễ 2 (Lớp BDTH Liên Dòng, knxb, 1999), 146.

4 Xc. A. G. Martimort, “Principles of the Liturgy” trong The Church at Prayer: An Introduction to the Liturgy, Vol. I (Minnesota: The Liturgical Press, 1992), 207-208.

5 Xc. Johann Peter Kirsch, “Pope St. Sylvester I (314-335)” trong The Catholic Encyclopedia, Vol. 14 (New York: Robert Appleton Company, 1912) [24 Apr. 2017] từ <http://www.newadvent.org/cathen/14370a.htm>.

6 Xc. Ignazio M. Calabuig, OSB, “The Rite of the Dedication of the Church” trong Anscar J. Chupunco, OSB (ed.), Handbook  for Liturgical Studies, Vol. V (Philippines: Claretian Publications, 2004), 340-341.

7 Nguyễn Văn Trinh, Thánh Lễ 2, 146-147.

8 Ibid., 148.

9 Ibid., 148-149.

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc