Hôm 15/5/2020, một nhóm các nhà nghiên cứu Kinh Thánh của London, Lugano ở Thụy Sĩ và Đại học Malta công bố: Bốn mảnh của các Cuộn bản thảo Biển Chết đã tiết lộ bản viết kỳ diệu bằng tiếng Do Thái cổ, điều không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Các chuyên gia khẳng định: dưới bề mặt của những mảnh giấy da nhỏ xíu, bị đen do độ ẩm của hơn hai thiên niên kỷ, là các ký tự của bảng chữ cái tiếng Do Thái và một tham chiếu đến Shabbat, ngày nghỉ, ngày thứ Bảy của tuần lễ Do Thái.
Một bản sao khác của Tài liệu Damas
Nhờ hình ảnh đa phổ (kỹ thuật được sử dụng để khám phá bí mật của bức chân dung Mona Lisa), nhóm nghiên cứu đã phát hiện trên giấy da một bản văn tiếng Do Thái halakhic, có tính chất pháp lý. Đó là Tài liệu Damas quy định việc tuân giữ ngày Shabbat theo Do Thái giáo, vào cuối thời kỳ được gọi là Đền thờ thứ hai, tương ứng với thời của Chúa Giêsu.
Các mảnh da động vật được xác định đến từ các hang động của sa mạc Giuđa, ở Bờ Tây, một nơi khí hậu rất khô, ít mưa.
Ông Marcello Fidanzio, giám đốc Viện Văn hóa và Khảo cổ học của Vùng đất Kinh Thánh tại khoa thần học Lugano nói với Vatican News: “Thật là một cảm xúc tuyệt vời khi được trải nghiệm trực tiếp với các văn bản này. Chúng tôi có cảm giác lấp đầy khoảng trống thời gian và đến gần hơn với trải nghiệm của những người đã viết và sau đó đọc những văn bản này”.
900 bản thảo được phát hiện trong 12 hang động
Dự án nghiên cứu này đã mở rộng việc phát hiện vào những năm 1950 với 900 “bản thảo Biển Chết”, hay còn được gọi là “Bản thảo Qumran”, được đặt theo tên của địa điểm khảo cổ ở Bờ Tây Biển chết. Tài liệu này rất quan trọng trong lịch sử của Kinh thánh.
900 bản thảo, được sao chép giữa thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và thế kỷ đầu tiên sau đó, được phát hiện trong thời gian từ năm 1947 đến 1956 tại 12 hang động Qumran nơi chúng đã được lưu trữ hơn 2.000 năm trước. Hầu hết chúng được viết bằng tiếng Do Thái, một số bằng tiếng Aramaic, một số ít bằng tiếng Hy Lạp. Một trong những khám phá lớn là sách ngôn sứ Isaia, một bản sao của cuộn này đang được trưng bày tại Bảo tàng Sách Israel.
Một bảo tồn quý giá
Từ năm 1997, 4 trong 900 Cuộn Biển Chết được lưu giữ trong các bộ sưu tập của Thư viện John Rylands tại Đại học Manchester. Trong những năm 1950, các tài liệu này được chính phủ Jordan tặng cho ông Ronald Reed, một chuyên gia tại Đại học Leeds, để ông nghiên cứu thành phần hóa học và vật lý của chúng.
Phần lớn các bản thảo quý giá khác trong lịch sử của dân tộc Do Thái được đặt trong Bảo tàng Israel, một trong những bảo tàng lớn nhất ở Trung Đông, nằm ở Giêrusalem gần Knesset.
Ngọc Yến
(VaticanNews Tiếng Việt 22.05.2020)