Bàn về đức hy sinh trong đời sống hôn nhân gia đình Ki-tô hữu

Ngày 25-8-2022, trên trang Dân Trí Online có đăng bài viết tựa đề “Muốn hôn nhân đi cùng năm tháng, cần sự hy sinh và cả một điều này”, mở đầu bài viết tác giả đã nhận định như sau: “Khi kết hôn, chúng ta mong ước sẽ cùng nắm tay nhau đi qua năm tháng, cùng già đi cho tới ngày có thể bình lặng nhìn lại những thăng trầm. Đích đến ấy không đạt tới được dễ dàng, nếu chúng ta không có sự hy sinh…” Tiếp đó, tác giả cho rằng, trong gia đình nếu người đàn ông đi làm vất vả sáng chiều để có thu nhập đem về giúp gia đình thì bên cạnh đó, người phụ nữ ở nhà lo việc nội trợ, cơm nước, cũng đóng góp sức lực và thời gian để gia đình luôn ấm no, hạnh phúc. Tất cả đều phải vất vả cực khổ, đều phải hy sinh cho nhau cũng như cho cả gia đình.

Kế tiếp tác giả bài báo đã nhấn mạnh đến sự hy sinh đặc biệt của người nữ trong gia đình, như sau: “Một người phụ nữ khi lấy chồng rồi sinh con, việc nuôi con nhỏ có thể sẽ chiếm hết thời gian và sức lực của cô ấy. Cô ấy không thể đi làm, không có thu nhập trong thời gian này, vậy thu nhập của người đàn ông trong nhà đương nhiên cũng là thu nhập của cả vợ anh ấy. Đừng nói một người phụ nữ không đi làm là vô tích sự, cô ấy mang thai và sinh ra những đứa con, tương lai của gia đình bé nhỏ. Đừng nói rằng cô ấy không làm gì ra tiền, bởi vì cô ấy vẫn đang gánh trách nhiệm với gia đình và chồng con – cô ấy đang chịu gấp đôi trách nhiệm khi tiếp tục tình yêu với bạn! Hãy làm mọi điều trong khả năng để người vợ đang nuôi con nhỏ của bạn được vui lòng, và an lòng, giúp cô ấy có tâm trạng thoải mái trong suốt thai kỳ và sinh ra một em bé khỏe mạnh. Đây là sự hy sinh lớn nhất trong cuộc đời của người phụ nữ. Đàn ông, hãy trân trọng những người phụ nữ sẵn sàng cùng mình sinh ra những đứa con.”

Cuối cùng tác giả bài báo trên đã đưa ra kết luận: “Khi một người đàn ông trở về nhà sau ngày làm việc mệt mỏi, hãy cho anh ấy một ngôi nhà sạch sẽ, ngăn nắp, ấm áp và thoải mái, nấu cho anh ấy một bữa ăn ngon, trân trọng sự đóng góp của anh ấy cho tổ ấm của hai người. Chỉ cuộc hôn nhân như vậy mới có thể già đi theo năm tháng, vì không chỉ chứa đức hy sinh, nó còn có cả sự nâng niu mà mỗi người đều trân trọng đặt vào gia đình bé nhỏ họ đang cùng nhau xây đắp.”

Xưa nay chúng ta biết rằng sự hy sinh trong đời sống hôn nhân gia đình luôn được coi là một đức tính cao đẹp, một nhân đức cao cả tuyệt vời mà đôi bạn hằng nỗ lực thực hành để thể hiện cách cụ thể thường xuyên tình yêu và sự quan tâm của họ đối với bạn đời và gia đình họ. Không ai là không biết rằng một khi tình yêu là nền tảng của hôn nhân thì những hy sinh lớn nhỏ hàng ngày của đôi bạn chính là những chất liệu quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng hôn nhân ấy và là điều kiện không thể thiếu được trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình.

Do đó, có người đã khẳng định rằng trong hôn nhân, hoặc là chấp nhận hy sinh để sống với nhau lâu dài hoặc là chia tay đường ai nấy đi. Thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng thì nói rõ thế này, “Yêu và hy sinh là một, không hy sinh thì chưa gọi là yêu”. Như vậy ta thấy rằng, hy sinh là một đòi hỏi không thể thiếu được luôn gắn liền với đời sống hôn nhân. Ngạn ngữ tây phương đã khẳng định hôn nhân không phải là luống hồng nhưng là bãi chiến trường. Đôi bạn là các dũng sĩ trong chiến trường ấy. Vì thế có người đã nhấn mạnh, “Trận chiến dũng cảm nhất, tôi chưa từng thấy ở đâu trên bản đồ thế giới, mà tôi chỉ gặp giữa hai vợ chồng” (Joaquin Miller).

Thực vậy, tín hữu chúng ta biết rằng khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình, chúng ta chấp nhận đi vào con đường thánh giá, con đường mà Chúa Giêsu đã mời gọi mọi môn đệ cùng đi với Ngài. Tác giả D. Wahrheit trong cuốn Cẩm nang hạnh phúc gia đình Ki-tô đã chia sẻ: “Ngày thành hôn trước mặt Giáo hội, hai người nam nữ nên vợ nên chồng. Bí tích hôn phối đưa hai người lên đường, hé mở cho họ thấy sự thánh thiện mà tay trong tay họ cùng nhau đạt tới. Cuộc lễ long trọng trong nhà thờ mới chỉ là một khởi hành. Đức tin không là một cây đũa thần để họ làm phép lạ. Họ chỉ biết rằng, con đường mà trên đó họ cùng nắm tay tiến bước với Chúa Kitô là một con đường hẹp. Con đường ấy được trải đầy những thập giá mà họ phải vác lấy từng ngày…

Quả thực, những ai đã kết hôn mà cứ mơ tưởng đến hôn nhân như là “thiên đường hạ giới”, như là “mái nhà tranh với hai trái tim vàng!”, thì chứng tỏ họ chưa hiểu gì về ý nghĩa, mục đích và những đòi hỏi đích thực của một cuộc hôn nhân chân chính. Họ cần biết rằng đời sống hôn nhân không tránh khỏi muôn vàn khó khăn, phức tạp và rắc rối. Như có người đã nhận định, “Hôn nhân là một pháo đài, người ở trong muốn thoát ra, còn người ở ngoài lại muốn đi vào”. Gánh nặng của hôn nhân không chỉ là giải quyết vấn đề “cơm, áo, gạo, tiền”, mà còn bao gồm tất cả những rắc rối phức tạp trong đời sống vợ chồng. Chẳng hạn, chuyện xung đột nảy sinh do giới tính và cá tính khác biệt, do sở thích không đồng bộ, do nền giáo dục hấp thu không tương xứng, do trục trặc trong sinh hoạt tình dục vợ chồng vv. Những bất đồng này xói mòn tình yêu đôi bạn, khiến họ không thể chịu đựng nhau được nữa, lúc đó phát sinh hậu quả ly hôn ly dị.

Một thống kê cho biết tỉ lệ ly hôn ở Việt Nam chiếm khoảng 31%-40%, trong đó tuổi thọ hôn nhân bình quân của thế hệ 8x đưa nhau ra tòa dao động trong khoảng… 30 tháng. Ba mươi tháng đã ly hôn, nghĩa là chưa đầy ba năm cưới nhau người ta đã quyết định chia tay. Họ chia tay hẳn là có nhiều lý do, nhưng trên hết vẫn là do họ chưa được trang bị đủ hành trang để vào đời, để “đi gánh vác”, để làm vợ làm chồng, để xây dựng mái ấm gia đình, để thực hành nhân đức hy sinh trong đời sống lứa đôi. Ngạn ngữ Nga có câu, “Hãy cầu nguyện một lần trước khi ra trận, hai lần trước khi ra khơi, nhưng ba lần trước khi kết hôn”.

Chúng ta phải cầu nguyện và suy nghĩ thật nhiều trước khi bước vào đời sống hôn nhân bởi lẽ nếu đã kết hôn mà không có đức hy sinh để có thể chịu đựng nhau, có thể tha thứ cho nhau, có thể sống hòa thuận nhau, có thể quan tâm nhau từng ngày, có thể gồng mình mà lo cho con cái… thì cuộc hôn nhân của chúng ta khó bền vững lâu dài.

Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem thế nào là hy sinh và ý nghĩa đích thực của hy sinh trong hôn nhân là gì?

1. HY SINH LÀ GÌ?

“Hy sinh” theo định nghĩa trong từ điển tiếng Việt là “tự nguyện nhận về mình sự thiệt thòi, mất mát lớn lao, vì một lý tưởng hay một điều gì đó cao đẹp”. Ở chỗ khác, người ta đã giải thích như sau: Hy sinh có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất là chết (ngừng mọi hoạt động của cơ thể), nghĩa thứ hai là chịu thiệt hại, mất mát quyền lợi về vật chất, tinh thần hoặc một bộ phận nào đó trên cơ thể nhằm một mục tiêu cao cả hoặc một lý tưởng tốt đẹp (Theo Wikipedia).

Như vậy, sự hy sinh trong đời sống hôn nhân luôn hàm chứa sự đau khổ, mất mát, thiệt thòi. Tất cả những điều này đều nhằm một mục tiêu cao cả và một lý tưởng cao đẹp. Đó là hy sinh để củng cố tình yêu, duy trì hạnh phúc và bảo vệ hôn nhân bền vững.

Tình yêu trong hôn nhân đòi hỏi đôi bạn phải hy sinh hết mình vì bạn đời của mình và vì hạnh phúc gia đình. Đó là cách chứng minh tình yêu cụ thể nhất. Hy sinh cũng là điều kiện để bảo tồn và gia tăng sự hiệp thông, hiệp nhất trong gia đình. Như Tông huấn về gia đình (Familiaris Consortio) của Đức thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã khẳng định: “Chỉ có một tinh thần hi sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau”.

Như vậy, nếu phải chiến đấu, phải nỗ lực để có được một tình yêu chân chính trong một cuộc hôn nhân bền vững, thì ta phải dõi theo những gì mà Chúa đã dạy và làm gương. Ngài đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. (Ga 15,13). Sự đau khổ và sự chết của Đức Ki-tô đã giải thích cho ta hiểu rằng vì yêu và vì hạnh phúc của chúng ta, Ngài đã hi sinh đến chết (x. Ga 10,17; Pl 2,8). Đó là một Tình Yêu đích thực, tình yêu có sức mạnh cứu chuộc, thăng hoa và biến đổi.

Người ta thường nói ví von rằng hoa hồng nào mà chẳng có gai. Cuộc tình nào mà chẳng có nước mắt và đau khổ. Hôn nhân đích thực không phải là thiên đàng của những mộng mơ, viễn tưởng mà trái lại đó là một trường đào tạo, một cuộc chiến đấu cam go của những anh hùng. Như một danh nhân đã nói: “Yêu là ký kết với đau khổ” (Mme de Cohin). Dường như sự đau khổ đã gắn kết với tình yêu như bóng với hình. Cũng vì lý do đó mà có người đã nhận định: “Người ta hưởng được hạnh phúc của tình yêu trong những đau khổ của nó gây ra hơn là những sung sướng nó đem lại.” (Dulos).

Vậy, chúng ta cần xác tín rằng, “Hy sinh quên mình là vì hạnh phúc của vợ, của chồng, của con. Hy sinh trong những vấn đề cụ thể. Hạnh phúc gia đình được xây dựng bằng những điều nhỏ mọn, bằng những hy sinh liên lỉ hằng ngày của cả đôi bên, chẳng hạn như trong việc sử dụng tiền bạc, thời giờ, mua sắm, giải trí… Đừng chỉ quyết định theo sở thích riêng của mình, bất chấp sở thích của vợ hoặc chồng. Khi xảy ra những mâu thuẫn do bất đồng ý kiến, hy sinh có nghĩa là ‘một nhịn chín lành’. Dĩ nhiên có những điều không thể nhượng bộ, nhất là trong lãnh vực luân lý hay đạo đức. Chấp nhận làm điều xấu để làm vui lòng chồng hay vợ không phải là hy sinh quên mình, nhưng là đồng loã với cái xấu và càng làm hại người kia hơn.”

Và “Hy sinh cũng có nghĩa là tha thứ. Nhân vô thập toàn. Thánh Phaolô dạy: Như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau (Cl 3,12-13). Sự hy sinh còn được biểu lộ qua việc quan tâm đến nhau, chăm sóc, lo lắng cho nhau, không quản ngại vất vả, gian khổ vì nhau, nhất là khi người bạn đời gặp thử thách, bệnh tật, khó khăn. Đây chính là lúc sống lời cam kết trung thành với nhau ngày thành hôn.”

2. ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐỨC HY SINH TRONG ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG

Trên thực tế, có nhiều người nhất là các bạn trẻ ngày nay, khi nói đến hy sinh trong hôn nhân, nhất là sự hy sinh vượt trội của người phụ nữ trong gia đình, họ kịch liệt phản đối và cho rằng đó là sự bất công tai hại mà xã hội phải lên án.

Trên một bài báo tựa đề Sự hy sinh của phụ nữ ngày nay có phải là đã lạc hậu? có đoạn viết như sau: “Nếu như ngày xưa, sự hy sinh của người phụ nữ luôn được đề cao và ca ngợi thì ngày nay nhiều người lại sợ điều đó, thậm chí đã có rất nhiều bài viết, cũng như những chiến dịch truyền thông đưa ra quan điểm, phản đối việc xã hội coi trọng sự hy sinh của người phụ nữ. Vì nhiều người cho rằng đó là một sự bất công đối với phụ nữ. Phụ nữ ngày nay cần được giải phóng. Điều đó khiến cho rất nhiều phụ nữ ngày nay, khi lựa chọn từ bỏ hết công việc và sự nghiệp ở nhà chăm sóc gia đình, lại cảm thấy tự ti, vì sợ bị coi là lạc hậu, không thức thời, không năng động. Người ta cùng nhau kêu gọi từ bỏ cụm từ “đức hy sinh” của người phụ nữ, như là một sự cổ lỗ sĩ, lạc hậu cần xoá bỏ. Nhưng liệu sự hy sinh của phụ nữ ngày nay có phải là đã lạc hậu?…”

Một nam MC nổi tiếng trong giới nghệ sĩ tại Saigon mới đây đã gay gắt lên tiếng: “Tôi rất sợ người ta dạy phụ nữ hai chữ ‘hy sinh’. Đó là hai từ tàn nhẫn nhất trên đời để dạy người phụ nữ. Không có lý do gì phụ nữ phải hy sinh, và không có gì đáng để hãnh diện khi nói ‘tôi là người phụ nữ Việt Nam hy sinh nhất’… Phụ nữ là để đẹp, để nâng niu, để lo, để chiều chuộng. Đáng lẽ sự hy sinh phải dành cho đàn ông.”

Thực ra, chúng ta phải bình tĩnh và khách quan nhận định rằng không ai dạy người phụ nữ phải hy sinh 100%, và sự hy sinh của người vợ trong gia đình cũng không phải lúc nào cũng mang một ý nghĩa nặng nề, tiêu cực và bất công cả. Cũng không phải vì bênh vực cho phụ nữ mà chúng ta đổ hết mọi hy sinh khó nhọc trên đầu người đàn ông. Hy sinh không dành cho người này hay người kia mà cho cả hai vì hôn nhân là kết hợp hai người nên một, vợ chồng như đũa có đôi! Xét cho cùng sự hy sinh luôn nhằm mục đích đem lại hạnh phúc cho đôi bạn và nhất là nhằm bảo vệ sự nên một bất khả phân ly của hôn nhân Ki-tô hữu.

Sau đây, chúng ta sẽ bàn về 3 đặc điểm chính yếu của sự hy sinh trong đời sống hôn nhân gia đình. Đó là, hy sinh là một hành vi tự nguyện, là một dấu chỉ tình yêu chân thực và là trách nhiệm song phương của hai người.

2.1. Hy sinh: hành vi tự nguyện của đôi bạn

Chúng ta biết rằng, tình yêu tự nó là một sự hy sinh tự nguyện, tức là sự tự nguyện cao hơn hết thảy. Hôn nhân chỉ thực sự có ý nghĩa khi hai người yêu nhau và tự nguyện kết hôn với nhau. Không có sự tự nguyện và sự cam kết tự do, hôn nhân chỉ là một gánh nặng và lúc đó con người làm nô lệ cho nhau. Khi đôi bạn Ki-tô hữu cử hành Bí tích Hôn phối, họ sẽ được chủ tế thẩm vấn về hành vi ưng thuận của mỗi người trước mặt bạn đời, xem họ có tự do ưng thuận đến với nhau, kết ước với nhau, tự do thể hiện tình yêu đối với bạn đời không. Bởi vì, không có tự do ưng thuận, không có dấn thân tự nguyện thì người ta không thể hy sinh cho nhau và cho con cái được.

Chúng ta hãy xem câu chuyện sau đây về đôi bạn trẻ mới kết hôn.

Maggie và Ken chỉ mới biết nhau trong một thời gian ngắn và nhanh chóng quyết định cùng nhau xây dựng gia đình. Nhưng mối quan hệ vội vàng ấy được bù đắp bằng sự quan tâm chân thành họ dành cho nhau. Họ hiểu rõ nhau, không chỉ về những khía cạnh căn bản trong cuộc sống như sở thích cá nhân, thể thao… mà còn cả những khát khao thầm kín, niềm tin và nỗi sợ hãi. Dù bận rộn đến mức nào, họ vẫn ưu tiên người bạn đời, luôn đảm bảo dành thời gian hỏi han nhau mỗi ngày. Và ít nhất một lần trong tuần họ ra ngoài ăn tối chỉ để trò chuyện cùng nhau, lúc thì về chính trị, lúc thì về thời tiết, đôi khi về chính cuộc hôn nhân của họ.

Rồi khi con gái Alice của họ ra đời, Maggie quyết định từ bỏ công việc trong ngành khoa học máy tính để ở nhà chăm con. Chính cô cũng lấy làm ngạc nhiên bởi quyết định của mình, bởi trước nay cô trước nay cô hết sức coi trọng sự nghiệp. Nhưng một khi đã làm mẹ, ý nghĩa cuộc sống đối với cô thay đổi hoàn toàn. Cô nhận ra mình sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì Alice. Giờ đây, cô muốn đưa khoản tiền mà hai người đã dành dụm để mua chiếc xuồng máy vào quỹ học tập của con. Những gì xảy ra với Maggie cũng xảy ra với nhiều phụ nữ làm mẹ khác, trải nghiệm là cha mẹ sâu sắc đến nỗi ý niệm về bản thân và những giá trị sống ban đầu của bạn đều bị xáo trộn.

Câu chuyện ngắn trên cho ta thấy rằng ngay khi vừa kết hôn là đôi bạn phải hy sinh rồi. Maggie khép mình lại để dành sự quan tâm tới chồng, con. Cô đã tự nguyện quên mình để thích nghi với bạn đời của mình. Và hơn nữa, cô đã quyết định nghỉ công việc đang làm để toàn tâm toàn ý lo cho con cái và gia đình. Sự hy sinh là thế đó. Hoàn toàn là hành động tự nguyện, tự giác, không tính toán, không so đo, không hối tiếc. Tình yêu chiến thắng tất cả và trong tình yêu, hy sinh luôn là điều tất yếu…

2.2. Hy sinh: dấu chỉ tình yêu chân thực giữa đôi bạn

Xin nhắc câu nói tuyệt vời của thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su: “Yêu và hy sinh là một, không hy sinh thì chưa gọi là yêu”. Như vậy, hy sinh luôn gắn liền với tình yêu và hy sinh chính là dấu chỉ rõ ràng nhất của một tình yêu chân thực. Quả vậy, tình yêu vợ chồng là một tình yêu vĩ đại, bởi họ không chỉ sống cho nhau, với nhau trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, mà là trải dài suốt cả cuộc đời. Người ta thường nói, “Chết cho người mình yêu thì dễ hơn là sống với người ấy”. Bởi vì cuộc sống của đôi vợ chồng yêu nhau thì không bao giờ là yên ổn cả. Họ phải hy sinh suốt đời và sự hy sinh đó sẽ có ý nghĩa trọn vẹn khi nó xuất phát từ một tình yêu chân thực, dõi theo tình yêu mà Đức Ki-tô đã làm gương và dạy chúng ta sống.

Trong bài viết có tựa “Tình yêu hiến tế” trên trang simonhoadalat.com, tác giả LM Đinh Lập Liễm đã viết như sau:

“Chúng phải công nhận rằng tình yêu nối kết hai người lại với nhau, kết hợp với nhau để làm thành gia đình. Nhưng tình yêu ấy là tình yêu nào? Thưa, đó là “Tình yêu hiến tế”. Nhìn vào Chúa Giêsu, ta thấy Ngài đã có tình yêu ấy đối với chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta một cách vô vị lợi, tình yêu ấy phải được gọi là Tình yêu hiến tế. Chính vì vậy, Ngài đã hiến tế thân mình bằng cách chịu chết trên cây thập tự để cứu chuộc chúng ta và còn biến mình máu Ngài làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta.

“Trong cuộc sống hôn nhân cũng vậy, vợ chồng phải yêu thương nhau bằng một tình yêu hiến tế, nghĩa là vợ chồng biết hy sinh cho nhau, quên đi bản thân mình để mưu cầu hạnh phúc cho bạn mình. Một tình yêu thiếu hy sinh chưa hẳn là tình yêu thật mà chỉ là một tình cảm nhất thời chóng qua. Tình cảm thì không bền vững, nó có thể trồi sụt, dễ dàng biến mất. Và khi tình cảm đó biến mất thì gia đình cũng sẽ tan vỡ. Tình yêu hiến tế làm cho vợ chồng càng khắng khít với nhau, dám hiến thân cho nhau, quên đi những quyền lợi của mình để chỉ nghĩ đến hạnh phúc người yêu, như ca dao sau đây đã diễn tả:

Sông hồ một giải con con
Gặp cơn sóng gió chớ non tay chèo
Yêu nhau sinh tử cũng liều
Thương nhau lặn suối qua đèo có nhau. (Ca dao VN)”

2.3. Hy sinh: trách nhiệm song phương từ đôi bạn

Chúng ta biết rằng nếu tình yêu trọn vẹn là tình yêu song phương thì sự hy sinh đầy đủ cũng phải là hai chiều. Nghĩa là không phải anh hay em hy sinh mà “chúng ta” cùng hy sinh. Người ta thường nói, trong hôn nhân quyền lợi thì chia hai nhưng nghĩa vụ thì lại nhân đôi. Điều đó cho ta thấy một cuộc hôn nhân thành công bao giờ cũng là do công sức của hai người. Sự hy sinh để làm nên một gia đình hạnh phúc lâu bền luôn là mồ hôi nước mắt và lao công của cả vợ và chồng. Mỗi người một việc kẻ thì xay lúa người thì bồng em, chứ không phải gánh nặng nghĩa vụ nghiêng về một bên nào. Quả thực, một mối quan hệ lành mạnh và hạnh phúc nói chung là kết quả của rất nhiều sự hy sinh cái “tôi” để làm những điều có lợi cho “chúng ta”. Ngày nay, người ta diễn tả sự gắn bó giữa đôi bạn theo công thức 0,5+0,5 = 1 thay vì 1+1 = 1 như xưa. Điều đó cho thấy đôi bạn để nên một với nhau trọn vẹn và làm nên một gia đình hiệp nhất thì mỗi người phải mất đi một nửa cái “Tôi” của mình và sẵn sàng cống hiến những gì sâu xa nhất của mình vì hạnh phúc của nhau và của gia đình.

Trên thực tế, ta thấy cũng có nhiều trường hợp vợ hy sinh nhiều hơn chồng hay ngược lại, chồng vất vả hơn người vợ. Đó là sự mất cân đối trong việc chia sẻ trách nhiệm và sự hy sinh cần thiết. Đôi bạn cần ý thức điều này và điều chỉnh sao cho hợp tình, hợp lý. Chẳng hạn, chồng đi làm vất vả bên ngoài gia đình trong khi vợ ở nhà lo việc nội trợ và chăm sóc con cái. Không ai nghĩ rằng đi làm bên ngoài thì cực khổ hơn là ở nhà lo việc gia đình. Hay người ở nhà cực hơn đi làm bên ngoài. Sự hy sinh là vô giá và không thể cân đo đong đếm được. Mỗi công việc có cái cực, cái khổ, cái khó riêng của nó. Mỗi người có khả năng, sức lực riêng của mình. Vấn đề ở đây là ý thức trách nhiệm và sự chấp nhận đồng cam cộng khổ vì lợi ích chung. Một danh nhân đã nói: “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung với nhau là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm” (James Thurber). Ông bà ta cũng nhấn mạnh: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”. Sự thành công của hôn nhân không do tài năng của một người mà chính là do sự đồng tâm hiệp ý của cả hai người.

Hiện nay, có một tình trạng xem ra khá phổ biến trong các gia đình trẻ. Đó là, phần đông các anh chồng lười biếng và ỷ lại vào sự đảm đang của chị vợ mà bỏ bê việc chung trong gia đình. Điều đó khiến người vợ mệt mỏi và thất vọng vì gia đình là của chung, hôn nhân là do hai người cùng kiến tạo và niềm hạnh phúc là do hai người cùng chia sẻ. Khi hai bạn không biết chia sẻ công việc gia đình với nhau, điều đó sẽ dễ dàng gây nên sự bất bình giữa hai vợ chồng, và từ đó có thể sẽ gây ra cãi vã xung đột khiến cho mối quan hệ vợ chồng luôn nặng nề, khó chịu.

Tóm lại, vợ chồng như đũa có đôi, nếu trách nhiệm, bổn phận trong gia đình là sự hợp tác chung của đôi bạn thì sự hy sinh cũng đòi hỏi cả hai đều đồng cam cộng khổ vì nhau và vì gia đình. Như thánh Phao-lô đã khuyên tín hữu: “Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt.” (Dt 10,24) 

3. HOA QUẢ CỦA ĐỨC HY SINH TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Chúng ta biết rằng, tự bản chất, hôn nhân không phải là gánh nặng hay thảm họa hay ngục tù, trái lại đó là một dấn thân, một cam kết, một trách nhiệm, một trường học rèn luyện đào tạo. Cho nên, dù muốn hay không, cuộc sống lứa đôi luôn đòi buộc chúng ta phải chiến đấu, phải hy sinh mất mát để có được hạnh phúc lâu bền.

Linh mục Nguyễn Hữu Thy, trong cuốn “Những suy tư đúng đắn về hôn nhân và gia đình Công giáo” đã đề cập về những đòi hỏi của hạnh phúc hôn nhân, ngài viết như sau: “Hạnh phúc con người nói chung và hạnh phúc hôn nhân gia đình nói riêng tuyệt đối không phải là một món quà tặng được cho không và chỉ giơ tay đón nhận. Mọi hạnh phúc của cuộc sống đều đòi hỏi khắt khe nơi mỗi người chúng ta sự nỗ lực cá nhân trường kỳ và cam go. Vì thế chỉ những ai không sợ gai nhọn và can đảm dám chui vào bụi hồng cuộc đời, thì mới hái được bông hoa hồng hạnh phúc thơm ngát và tươi đẹp.”

Nhìn vào các gia đình trong đó vợ chồng thương yêu nhau, con cái hiếu đễ cha mẹ, anh em hòa hợp vui vẻ… thì ta có thể biết ngay rằng đó là một cộng đồng biết yêu thương nhau, biết sống hy sinh cho nhau, biết nhường nhịn và quan tâm đến nhau. Đó là những thành quả có được do đức tính hy sinh mà mỗi thành viên trong gia đình thực hành một cách kiên nhẫn và liên tục. Một cuộc hôn nhân bền vững, một gia đình hạnh phúc tươi vui và một đôi vợ chồng luôn giữ được mối quan hệ hiệp nhất thuận hòa, thì chắc chắn đó là những điều tốt đẹp nhất mà mỗi chúng ta đều mong ước cho mình và cho nhau.

3.1. Hy sinh giúp cuộc hôn nhân bền vững

Hoa quả đầu tiên của đức hy sinh đem lại cho đôi bạn chính là sự bền vững của hôn nhân.

Dựa vào thực tế ta dễ dàng thấy rằng nhiều cuộc hôn nhân có tuổi thọ quá ngắn, không phải do vấn đề nghèo đói, túng thiếu, bệnh tật hay những khó khăn này nọ, mà do các đôi vợ chồng ấy đã không thể hy sinh trọn vẹn cho nhau. Cụ thể là ngày nay tình trạng ly-hôn-sớm (các chuyên gia tâm lý gọi là “Hôn nhân xanh”) xảy ra khá phổ biến tức là chỉ lấy nhau mới vài ba tháng, hoặc lâu hơn vài năm là đã làm đơn ra tòa xin ly hôn rồi. Lý do họ thường đưa ra là do không hợp nhau, nhưng kỳ thực nguyên nhân chính vẫn là hai người không thể sống chung thủy với nhau lâu dài. Nguyên nhân từ đâu? Đó là vì họ không biết hy sinh quên mình, họ sống hoàn toàn ích kỷ, vô trách nhiệm, vô tâm và thực trạng đó khiến cho cuộc sống của họ luôn nặng nề và khó chịu. Và cuối cùng họ chấp nhận đường ai nấy đi! Dựa vào đó mà có nhiều bạn trẻ ngày nay cho rằng hôn nhân là thảm họa, là địa ngục trần gian, là sự bất hạnh không thể chấp nhận…

Vậy để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững, ta phải khẳng định điều này là, hôn nhân là một cuộc-sống-mới trong đó hai người nam nữ chấp nhận sống với nhau trọn đời và cam kết giúp nhau đạt đến hạnh phúc theo nguyện ước ban đầu. Đời sống hôn nhân là một chuỗi tháng ngày có niềm vui xen lẫn nước mắt. Đôi bạn phải tranh đấu, hy sinh bởi vì đã cưới nhau, các bạn không thể sống tự do, buông tuồng, trái lại phải tuân thủ những đòi hỏi riêng của hôn nhân mà người ta gọi đó là những quy tắc trong đời sống vợ chồng.

Những ai bước vào đời sống hôn nhân một cách ý thức và trách nhiệm thì không thể bỏ qua những đòi hỏi của hôn nhân bền vững: Đó là phải ra sức xây dựng cuộc hôn nhân từng ngày, phải trung tín với giao ước đã cam ký ngày kết hôn, phải trở nên người bạn đời đích thực của nhau và phải chu toàn trách nhiệm của vợ chồng, của cha mẹ trong gia đình. Có thể nói, một đời sống hôn nhân không có hy sinh là một cuộc hành trình nhạt nhẽo, vô vọng, khiến cho ta đau đớn hơn là được an ủi.

3.2. Hy sinh đem lại hạnh phúc lâu dài cho đôi bạn

Hoa quả kế tiếp của đức hy sinh trong hôn nhân đó là nó đem lại hạnh phúc và sự cảm thông lâu dài cho đôi bạn.

Người ta thường so sánh cuộc hôn nhân như một đóa hoa mà sắc màu của nó là tình yêu, còn hương thơm của nó là hạnh phúc. Hạnh phúc luôn là điều mà chúng ta mơ ước có được lâu dài trong đời sống vợ chồng. Nhưng để sống hạnh phúc lâu dài người ta phải nỗ lực chiến đấu với chính bản thân mình, với những khó khăn muôn mặt để có thể sống “dĩ hòa vi quý” với người bạn đời.

Tác giả Dale Carnegie trong quyển “Tâm lý vợ chồng” khi đề cập đến những va chạm hằng ngày xảy ra trong cuộc sống lứa đôi đã viết như sau: “Cuộc sống vợ chồng là một cuộc sống tế nhị, con người khi lập gia đình phải hiểu được những khó khăn, phiền phức trong cuộc sống lứa đôi đó, mới có thể mang lại cho nhau nguồn hạnh phúc chân thật đúng như lòng mình mong muốn. Yêu tức là thừa nhận, yêu là tha thứ, đó là một chuyện đương nhiên không ai không biết, nhưng không phải vì thế mà câu chuyện vợ chồng trở thành đơn giản, mọi người đều thừa biết là thế, song cuộc sống vợ chồng vẫn là một cuộc sống phiền toái luôn luôn phức tạp…”.

Khi mới kết hôn, người ta dễ ảo tưởng về một đời sống hôn nhân dễ dãi, rực rỡ, tươi đẹp, trải đầy hoa hồng và kim cương…nhưng qua va chạm thực tế họ mới thấy rằng “Hôn nhân không là một luống hồng nhưng là một chiến trường” và có thể rơi vào tình huống bi đát này “Cãi lộn chiếm phần lớn đời sống hôn nhân, phần còn lại không có gì đặc sắc” (Thornton Wilder).

Một linh mục đặc trách về Mục vụ Hôn nhân Gia đình đã chia sẻ: “Hạnh phúc gia đình lẽ ra ngày càng ổn định với thời gian hôn nhân, thì nay lại có thể bị đánh mất vào bất cứ lúc nào trong cuộc sống. Hạnh phúc ở trần gian đã thế nói chi đến hạnh phúc Nước Trời mà mọi cuộc sống hôn nhân Kitô giáo đều phải nhắm tới. Thiết tưởng, một nhận định như thế là bi quan nhưng rất tiếc là nó đã trở thành sự thật…”. Nói như thế có nghĩa là hạnh phúc đời này mà ta không nắm giữ được thì làm sao chiếm hữu được hạnh phúc đời đời mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta.

Như vậy, ta thấy rằng hạnh phúc thực sự chỉ có được nếu đôi bạn biết thực hành thường xuyên đức tính hy sinh để có thể vượt qua muôn vàn khó khăn, trở ngại trong cuộc sống lứa đôi này. Một trong những rào cản lớn nhất đối với sự hòa hợp trong đời sống vợ chồng, đó là tính ích kỷ, lòng dạ hẹp hòi và sự nhát đảm. Trong cuộc sống, có thể một trong hai bạn hoặc cả hai bạn đến lúc nào đó đều ngại hy sinh. Có câu nói sau: “Hy sinh cho nhau, đã là một phần thiết yếu của hôn nhân và sẽ mãi mãi là như vậy”. Đôi bạn phải hy sinh tự do cá nhân để hòa mình vào đời sống cộng đồng gia đình. Họ phải hy sinh để cái “Tôi” của mỗi người thích nghi với cái “Chúng ta” của hai người. Họ phải hy sinh để lắng nghe hơn là phán dạy, để thực hiện hơn là nói suông, để biết chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của bạn đời hơn là sống dửng dưng, lạnh nhạt, vô cảm. Nói cách khác, đôi bạn phải tỏ ra “người này cần đến người kia”, để bổ sung cho nhau.

Tóm lại, hy sinh chính là chìa khóa mở ra một đời sống chung hài hòa, trong đó hai vợ chồng luôn biết nhường nhịn nhau, sẵn sàng tha thứ cho nhau, sẵn sàng yêu kính và tôn trọng nhau, sẵn sàng làm hòa với nhau sau cãi vã xung đột, sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm chung để “đồng cam cộng khổ” nhằm bảo vệ hôn nhân lâu bền và hạnh phúc lâu dài.

3.3. Hy sinh giúp đôi bạn sống êm ấm thuận hòa

Người xưa nói “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Câu nói trên giúp ta hiểu vì sao sự hòa thuận trong đời sống vợ chồng có tầm mức quan trọng như vậy. Nhờ có sự thuận hòa êm đẹp mà đôi bạn có thể giải quyết mọi khó khăn trở ngại trong cuộc sống. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm sao vợ chồng lại có thể giữ được hòa khí lâu dài với nhau được, trong khi cuộc sống chung thì đầy những khó khăn, bất đồng, mâu thuẫn và xung đột?

Câu trả lời chính xác nhất, đó chính là nhờ sự hy sinh của đôi bạn. Không có hy sinh, người ta không thể sống hòa hợp lâu dài được. Và một trong những biểu hiện cụ thể nhất về sự hy sinh của đôi bạn đó là họ biết nhượng bộ và nhường nhịn nhau.

Chúng ta biết rằng, trong tương quan vợ chồng, sự hòa hợp để “nên một” luôn đòi hỏi người này nhường nhịn người kia và cả hai cùng chấp nhận sự “bỏ mình” vì bạn đời. Ngày nay người ta nói nhiều đến “Nghệ thuật nhượng bộ”. Chuyện kể có một đôi vợ chồng già đã ngoài tám mươi tuổi. Con cháu đầy đàn. Trong ngày lễ kỷ niệm năm mươi năm thành hôn, con cháu tụ họp chúc thọ và chúc mừng hai cụ. Dịp vui này, các con cháu đồng thanh hỏi thăm bí quyết nào hai ông bà giữ được hạnh phúc bền vững cho đến ngày nay? Các cụ trả lời ngay, không có bí quyết nào bí mật cả, mà đơn giản đó chỉ là sự nhượng bộ nhau.

Nhượng bộ là hy sinh một phần cái gì đó của mình vì ích lợi chung và vì lợi ích của người khác. Trong một cuộc cãi vã bất phân thắng bại, sự nhượng bộ tốt nhất chính là giữ im lặng. Người khôn ngoan nói, “Phân nửa những vấn đề rắc rối trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng”. Trong cuộc sống chung, hằng ngày có vô vàn những điều trái ý nhau, từ những chuyện nhỏ nhất như ăn uống, sinh hoạt, giải trí, giờ giấc…đến những vấn đề lớn như việc chi tiêu trong gia đình, việc dạy dỗ con cái, việc ứng xử với cha mẹ (chồng/ vợ), với họ hàng hai bên…nếu cả hai bạn chỉ biết bảo lưu ý kiến riêng của mình thì sớm muộn cũng sẽ xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Thực ra, không nhất thiết hai người phải đồng thuận 100%, nhưng ít nhất họ cần bàn tính sao để cuối cùng có tiếng nói chung, vừa lòng cả đôi bên…

Tóm lại, hãy ghi nhớ điều mà ông bà ta đã dạy “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê” hay “Một sự nhịn chín sự lành”…Đó là hy sinh, đó là khiêm nhường, đó là nhịn nhục. Thiếu những đức tính này, cuộc sống hôn nhân của chúng ta khó bền vững và hòa hợp lâu dài. Chúng ta cũng hãy thường xuyên thực hành lời của thánh Phao-lô đã khuyên nhủ các tín hữu như sau:

Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3, 12-13)./.

Aug. Trần Cao Khải