Lễ khai mạc Thế vận hội Olympics Paris 2024 có những phân cảnh chế giễu niềm tin tôn giáo đã gây phản ứng mạnh trên khắp thế giới. Những phản ứng đó đang hạ nhiệt dần, tuy nhiên bản thân sự kiện vẫn chất chứa nhiều điều đáng suy nghĩ cho người Công giáo.
Lá cờ Oplympics
Trước hết là nỗi đau. Sự kiện xảy ra trên đất Pháp, vốn được gọi là trưởng nữ của Hội Thánh. Giả như sự báng bổ tôn giáo diễn ra ở một đất nước mà người Công giáo chiếm thiểu số hoặc mới khai sinh thì còn hiểu được, đằng này lại xảy ra tại Pháp là nơi sản sinh bao vị thánh, bao vị thừa sai, nhiều triết gia và thần học gia nổi tiếng, cũng như nhiều công trình kiến trúc tôn giáo, văn chương, nghệ thuật in đậm ảnh hưởng Kitô giáo.
Hơn nữa, sự kiện lại diễn ra ngay sau khi Tổng giáo phận Paris tổ chức lễ cầu nguyện cho Olympics, có các viên chức chính quyền tham dự, và trong dịp này Đức Tổng giám mục Laurent Ulrich công bố sứ điệp của Đức giáo hoàng Phanxicô với những lời lẽ hết sức tốt đẹp về Oplympics: “Các cuộc tranh tài tại Oplympics, nếu thực sự là thể thao, có thể là nơi gặp gỡ đặc biệt giữa các dân tộc, kể cả những dân tộc thù địch. Năm vòng tròn nối kết nhau diễn tả tinh thần huynh đệ là đặc điểm của sự kiện Olympics và các cuộc thi đấu thể thao nói chung…Hi vọng Olympics Paris sẽ là cơ hội cho mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới khám phá và trân trọng lẫn nhau, phá vỡ những định kiến, thúc đẩy sự tôn trọng thay vì khinh miệt, thúc đẩy tình bằng hữu thay vì thù ghét”.
Trong bối cảnh đó, sự báng bổ tôn giáo trong lễ khai mạc Oplympics được ví như gáo nước lạnh tạt vào mặt người Công giáo, và được truyền đi khắp thế giới qua các phương tiện truyền thông, chẳng trách được sự phẫn nộ của rất nhiều người Công giáo trên thế giới.
Cùng với nỗi đau là lời hỏi: Tại sao có thể xảy ra một chuyện như thế? Phải chăng đây là sự thể hiện điều mà Đức Benedicto XVI gọi là “sự độc tài của chủ nghĩa tương đối”? Marion Marechal, một đại biểu Nghị viện châu Âu, viết trên X (Twitter) rằng không phải nước Pháp chủ trương như thế, nhưng chỉ là nhóm nhỏ cánh tả cực đoan! Có đúng thế chăng? Lễ khai mạc Oplympics tiêu tốn 1,5 tỉ Euro và có tầm ảnh hưởng toàn cầu, làm sao chính quyền không biết? Đúng hơn, đây là dấu hiệu cho thấy sự thống trị của chủ nghĩa thế tục, không chỉ đơn thuần là một quan điểm nhưng còn muốn áp đặt sự thống trị tuyệt đối trên đời sống con người. Hội Thánh Công giáo là sức cản lớn nhất nên bị thù ghét và tấn công không thương tiếc: “Nếu thế gian ghét các con, hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước….các con không thuộc về thế gian, nên thế gian ghét các con” (Ga 15).
Thế nhưng cũng phải nghĩ đến yếu tố khác. Elon Musk phê phán lễ khai mạc Olympics Paris là “hết sức thiếu tôn trọng các Kitô hữu”, đồng thời nói thêm rằng “Kitô giáo đã trở thành không có răng”! “Không có răng” có nghĩa là không dám đánh lại như nhiều người đặt câu hỏi: Ban tổ chức có dám xúc phạm Hồi giáo như thế chăng? Hậu quả sẽ ra sao? Nhưng “không có răng” còn có nghĩa là “bà già rụng răng” hết rồi, không còn sức sống! Đây chính là điều phải quan tâm. Phải chăng Kitô giáo đã hết hơi, cạn kiệt sức sống? Nhiều người bảo là lễ khai mạc Olympics xúc phạm đến 2 tỉ Kitô hữu trên thế giới. Nhưng phải tự hỏi, trong 2 tỉ Kitô hữu ấy – nhất là tại các nước phương Tây, có bao nhiêu người còn thực sự tin Chúa, còn đến nhà thờ mỗi Chúa nhật, còn đọc Kinh Thánh và lắng nghe Lời Chúa? Hay chỉ là Kitô hữu trên danh nghĩa?
Gắn với lời hỏi tại sao là câu hỏi về phản ứng. Có những lập trường khác nhau: người thì cho rằng phải quyết liệt như Hồi giáo; người lại cho rằng phải hòa hoãn để biến thù thành bạn.
Tôi nhớ lại cảnh Chúa Giêsu bị một tên lính tát vào mặt mà nói: “Ông trả lời vị thượng tế như thế sao?” Chúa Giêsu đã không đánh lại nhưng Ngài cũng không câm lặng. Ngài hỏi lại tên lính đã đánh Ngài: “Nếu tôi nói sai, hãy chứng minh xem sai ở chỗ nào; nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,22-23). Ngài chất vấn anh ta để thức tỉnh lương tri, để anh ta biết hành động theo lẽ phải chứ không chỉ dùng bạo lực để áp chế người khác. Thánh Phêrô thấm nhuần tinh thần của Chúa nên ngài cũng khuyên nhủ các tín hữu: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hi vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng” (1 Pet 3,15-16). Đó chẳng phải là cách ứng xử mà Kitô hữu nên có trong những hoàn cảnh bị xúc phạm sao?
Thiết tưởng chính trong tinh thần này mà chúng ta nên đọc lại phản ứng của Hội đồng giám mục Pháp ngay sau lễ khai mạc Olympics, cũng như phản ứng mới đây của Tòa thánh Vatican: “Tự do biểu đạt không bị đặt thành vấn đề ở đây, nhưng tự do ấy cần có giới hạn vì sự tôn trọng người khác”. Người Pháp vốn có tiếng là lịch thiệp và vẫn tự hào có văn hóa cao, hi vọng ban tổ chức Olympics Paris sẽ hiểu được những lời này.
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: giaophanmytho.net