Bảo tàng Vatican và Bảo tàng Do Thái tại Roma cùng triển lãm Menorah

WHĐ (28.05.2017) – Một cuộc triển lãm mang tên “Menorah. Phụng tự, lịch sử và huyền thoại” được tổ chức từ ngày 16 tháng Năm đến ngày 23 tháng Bảy 2017, đồng thời tại “Cánh Charlemagne” của Viện Bảo tàng Vatican và tại Bảo tàng Do Thái ở Roma: đây là dự án đầu tiên chung của hai tổ chức này.

Ban tổ chức cho biết: “Cuộc triển lãm kể lại lịch sử của menorah – chân đèn bảy ngọn, biểu tượng mang bản sắc của dân Do Thái – qua một sưu tập phong phú khoảng 150 tác phẩm nghệ thuật, gồm tranh, tượng, bản thảo và minh họa sách”.

Trong dịp này, Giám đốc triển lãm, nhà sử học nghệ thuật Francesco Leone, và Arnold Nesselrath, đại diện các phân bộ khoa học và các phòng phục chế của Viện Bảo tàng Vatican, đã có cuộc trao đổi với Đài phát thanh Vatican ở Italia.

Giáo sư Nesselrath nhấn mạnh rằng cuộc triển lãm trình bày “lịch sử của menorah”: “Chúng tôi bắt đầu với những dữ kiện xác thực: chúng tôi có một bản sao Khải hoàn môn Titus, với phù điêu trên đó cho thấy hình ảnh menorah đã đến Roma.

 
Tảng đá Magdala

Giáo sư gợi chú ý đến “tảng đá Magdala”: “Chúng tôi có tảng đá Magdala – thật là một cảm xúc tuyệt vời – mới được tìm thấy vào năm 2009. Đây là lần đầu tiên tảng đá này được đem ra khỏi Israel nhờ sự nhượng bộ của nhà nước Israel. Đó là bản chạm nổi của menorah được thực hiện vào thời chân đèn này vẫn còn ở trong Đền Thờ Giêrusalem. Và tất nhiên, có cả chân dung của hoàng đế Titus. Ở Đền thánh Mentorella của Công giáo trong khu phố La tinh, có một bức tranh Kitô giáo thể hiện menorah. Chúng tôi vừa trưng bày cây chân đèn Pandabor lớn, đó là một ví dụ thực tế chứng tỏ rằng qua những chân đèn bảy ngọn, Kitô giáo vẫn nhớ đến nguồn gốc Do Thái của mình”.

Ông giải thích rằng “quả thật, biểu tượng của Do Thái giáo cũng trở thành một điểm tham chiếu cho Kitô giáo” và đó là “một yếu tố quan trọng trong cả cuộc triển lãm”: “Khi mà người ta dùng tôn giáo để biện minh cho những cuộc chiến, chúng tôi muốn chỉ cho mọi người thấy rằng các tôn giáo không chống lại nhau, nhưng trái lại, đối thoại với nhau. Một cuộc đối thoại có thể làm nảy sinh điều gì đó tốt đẹp và mang tính xây dựng. Đối với tôi, thật là một cảm xúc tuyệt vời khi nhìn thấy tấm bích chương có hình menorah ở bên cạnh mặt tiền Đền thờ Thánh Phêrô. Tôi tin rằng đây là một biểu tượng rất mạnh mẽ mà cuộc triển lãm của Roma về menorah muốn chuyển tải. Đối với chúng tôi, cuộc đối thoại này rất quan trọng, đó là sự chung sống. Mặc dù có những quan điểm khác nhau, nhưng chúng tôi thực sự muốn nói rằng chúng ta có thể cùng nhau xây dựng, ngay cả khi có những ý tưởng khác biệt”.

Francesco Leone nhắc lại rằng “menorah là chân đèn bằng vàng có bảy nhánh, mang tính huyền thoại và truyền thuyết, mà trên núi Sinai Chúa đã truyền cho Môsê đúc nguyên khối bằng vàng ròng: cây đèn đầu tiên có lẽ phải nặng đến  35 kg. Menorah có một lịch sử hàng nghìn năm, mang tính truyền thuyết, một loại Chén Thánh. Menorah được đặt trong đền thờ của Salomon vào thế kỷ thứ X trước kỷ nguyên Kitô giáo; và bị người Babylon cướp đi, sau đó dân Israel đúc lại cái khác sau thời gian lưu vong ở Babylon trở về. Những câu chuyện khác mang tính truyền thuyết và huyền thoại ít nhiều, cũng liên quan đến chân đèn này. Menorah sau đó được tướng Titus đem về Roma vào năm 71, sau khi Đền thờ Jerusalem bị phá hủy năm trước đó. Nhưng tại Roma chân đèn này biến mất hẳn, có lẽ bị những người Wisigoth hay người Vandal đánh cướp, rồi có lẽ mất tích luôn ở Constantinopolis. Kể từ lúc menorah xuất hiện rồi biến mất, ở Roma loan truyền một loạt các truyền thuyết và huyền thoại, những câu chuyện huyền hoặc cứ tiếp tục mãi cho đến thế kỷ XX. Vì thế có lẽ Roma đã và vẫn luôn là sân khấu lý tưởng để tổ chức cuộc triển lãm này”.

(Theo Zenit)

Minh Đức