Bí mật ngục tối giam cầm các thánh Phêrô và Phaolô

Ngục tối Tullianum dungeon, có niên đại còn sớm hơn cả thành Rôma, là nơi lính La Mã cầm tù những người đối địch, trong đó có hai vị thánh tông đồ Phêrô và Phaolô.
Bí mật ngục tối giam cầm các thánh Phêrô và Phaolô

Một trong những ngục tù cổ xưa và đáng sợ nhất, chỉ dành cho những người dám chống lại sự hung bạo và khát máu của vương triều La Mã, vừa được mở cửa lại vào năm 2016 sau nhiều năm khai quật. Cũng nhờ thế mà những manh mối mới về sự khai sinh của Thành phố Bất tử (chỉ Rôma) đã được phanh phui, bao gồm một phần lịch sử liên quan đến các tông đồ của Chúa Giêsu.

Carcer Tullianum (tiếng Latinh, có nghĩa là Nhà tù Tullianum) khét tiếng là một ngục tối bẩn thỉu và nhớp nhúa nằm trong lòng đất, giữa chân đồi Capitoline và lối vào Roman Forum, nơi đặt trung tâm hành chánh, tôn giáo và thương mại của triều đại La Mã vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên. Các tù nhân bị nhốt tại đây có thể kể đến Simon Bar Giora, một trong những kiến trúc sư của Cuộc nổi dậy vĩ đại năm 66-70, các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Tuy nhiên, 3 năm khai quật đã giúp người thời nay phát hiện nơi đây còn có ý nghĩa hơn cả một nhà tù. Sự tồn tại của nó có lẽ còn trước cả Rôma.

Trước thời Romulus giết Remus

Theo báo Haaretz, trong lúc nghiên cứu những bức tường làm bằng các khối đá tufa, các nhà khảo cổ học đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi phát hiện ngục tù phải có niên đại vào cuối thế kỷ thứ 9 hoặc đầu thế kỷ thứ 8 trước công nguyên. Trong khi đó, giới sử gia La Mã cho rằng Rôma được thành lập vào khoảng năm 753 trước công nguyên, trên đồi Palatine sát bên, và giới khảo cổ học hiện đại đã tìm được một chứng cứ cho giả thuyết này. Theo truyền thuyết sáng lập thành Rôma, Romulus là người cho xây ngôi thành nổi tiếng và giết em trai song sinh Remus để trở thành vị vua đầu tiên của Vương quốc La Mã. Tuy nhiên, có vẻ như trước thời điểm đó, các công trình như Tullianum đã có mặt. Trên thực tế, ngục tù là một phần của trường thành bao quanh Capitoline, đóng vai trò bảo vệ ngôi làng trên đỉnh đồi lúc đó.

Việc phát hiện những nơi như Tullianum với niên đại lớn hơn Rôma ủng hộ giả thuyết cho rằng thành phố này không phải mọc lên dựa trên quyết định của một cá nhân, mà có thể xuất phát từ một liên minh gồm vài cộng đồng sống tại 7 ngọn đồi từ cuối thời kỳ đồ đồng, theo Patrizia Fortini, chuyên gia đứng đầu dự án khai quật. Họ cũng phát hiện Tullianum khởi đầu không phải là một nhà giam, mà là một trung tâm thờ cúng tôn giáo được xây xung quanh một con suối nhỏ, nhân tạo, tràn vào hầm ngầm sâu nhất của nhà ngục. Có thể đây chính là khởi đầu cho cái tên Tullianum, vì tullius là chữ Latinh mang nghĩa suối nước; nhưng một số học giả vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng cái tên này xuất phát từ hai vị vua huyền thoại của Rôma là Tullus Hostilius và Servius Tullius.

Từ “cổng địa ngục” biến thành nơi rửa tội

Kế bên con suối, nhà khảo cổ học Fortini và đồng sự đã tìm được một số cổ vật như bình gốm, phần còn lại của động vật và thực vật (như nho, ô liu, hạt các loại), có niên đại từ thế kỷ thứ 6 trước công nguyên. Họ cũng đào được hài cốt của 3 cá nhân, gồm 1 nam, 1 nữ và 1 bé gái, tất cả đều có từ giai đoạn đầu tiên của công trình. Theo phân tích của giới chuyên gia, có vẻ như mọi thứ tìm được ở đây đều có liên hệ với con suối, mà theo quan niệm của người xưa là ống dẫn. Ý nghĩa của con suối có thể gợi lên sáng kiến biến Tullianum thành nhà giam. Theo bà Fortini, “những tù nhân bị giam cầm ở đây đều là những người bị quy kết đứng đầu các cộng đồng đối địch hoặc nhóm nổi dậy, vốn bị cho là mối nguy hiểm đối với sự tồn vong của Rôma”. Giới cầm quyền Rôma thời đó cho rằng những người như thế cần phải biến mất, không có quyền tồn tại trong xã hội, nên họ bị đẩy vào nơi tối tăm dưới lòng đất như là biểu tượng của hình phạt. Nhà tù bị ví như cổng địa ngục cũng vì sự hà khắc của nó.

Việc biến Tullianum thành nhà tù đã được thực hiện vào thời Cộng hòa La Mã, khoảng thế kỷ thứ 4 trước công nguyên. Nơi đây bị chia thành hai hầm, tách biệt với thế giới bên ngoài, với tầng thấp nhất nằm bên trên con suối và chỉ có một lối vào nhỏ hẹp. Chuyên gia Fortini giải thích: “Nó không phải là nhà giam mà chúng ta có thể hình dung như thời nay, Tullianum thường dùng làm nơi giam giữ những tù nhân có ‘giá trị cao’, chờ thời điểm xử án trước công chúng”. Ngoài Simon Bar Giora, những “kẻ thù của Rôma” từng trải qua những ngày cuối cùng trong ngục tối Tullianum bao gồm thủ lĩnh người Gaulois Vercingetorix, nhân vật đã đoàn kết các bộ lạc xứ Gaul trong một cuộc nổi dậy chống lại quân La Mã; Jugurtha, vị vua xứ Numidia; Aristobulus II, vua Judea. Hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô cũng từng bị nhốt tại đây.

Khi đế chế La Mã cải sang Kitô giáo, Tullianum càng hiếm khi được sử dụng làm nơi nhốt tù nhân. Ðến thế kỷ thứ 7, nơi đây trở thành một địa điểm linh thiêng của các Kitô hữu vì từng in dấu chân của các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô trước khi tử vì đạo. Nguồn suối xưa được tương truyền đã trở thành nước hai vị thánh rửa tội cho những người bị giam chung nhà ngục. Sau đó, nó được cải tạo thành một nhà thờ, trước khi một nhà thờ thứ hai được xây lên trên trong giai đoạn Phục hưng.

LING LANG

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc