Bốn vị thánh chống độc tài… và bài học chúng ta học được

Các vị nhắc nhớ chúng ta về phẩm giá của mình, và khích lệ chúng ta kiên gan bền chí phấn đấu cho những gì thích hợp với phẩm giá ấy, bất chấp ngoại cảnh.

Tôi vẫn nhớ cái cảm giác choáng váng, sửng sốt khi lần đầu nhìn thấy khung cảnh man rợ, trong đó, 21 Kitô hữu mặc bộ đồ áo liền quần mầu cam, bị cưỡng bách quỳ trên bãi biển. Bức hình chụp những thời khắc trước khi họ bị chặt đầu bởi các chiến binh IS. Sự man rợ, bạo lực của bức hình khiến tôi phải nôn ọe (Tôi không thể cầm lòng mà xem cảnh tượng sát hại được, xem cảnh tượng trước đó là quá đủ rồi).

Tuần vừa qua, chúng ta được nhắc nhớ một lần nữa về những bạo lực trút đổ trên những người có đức tin, qua việc kỷ niệm ngày phá ngục Bastille, đánh dấu cho sự khởi đầu giai đoạn bách hại tôn giáo, với hệ quả là ước chừng 30.000 linh mục Công giáo bị sát hại hay phải đi đày. Đó không phải là một sự kiện lịch sử đơn lẻ, nhưng sự bách hại các Kitô vẫn tiếp diễn đó đây trên khắp thế giới. Không chỉ là các nhóm “bạo loạn cách mạng”, các phiến quân, hoặc là những nhóm cực đoan bạo lực, thực hiện việc bách hại này, nhưng thậm chí, việc bách hại này được thực hiện, bởi một chính phủ có vẻ hợp pháp, với chính công dân của mình. Ví dụ, dưới chế độ độc tài của Kim Jong-un, Bắc Hàn tiếp tục là nước bài Kitô giáo và chống lại các quyền cơ bản của con người một cách không thương xót.

Rõ ràng, tôi chẳng có tư cách để bình luận về các vấn đề địa-chính trị, nhưng tôi đưa các vấn đề này ra, như một nhắc nhớ rằng, không bao giờ chúng ta có được một chính phủ hoàn hảo, và sẽ luôn luôn có những nhóm, những thứ văn hóa bài Kitô giáo và bách hại Kitô giáo cách triệt để. Không phải là không thể xảy ra việc: biết đâu, trong số những người đọc bài báo này, sau này và một lúc nào đó, một khoảng thời gian trong đời mình, họ cũng sẽ phải sống dưới một chế độ hà khắc, dưới quyền cai trị của một tên độc tài. Chúng ta cứ nghĩ, chuyện không thể nào xảy ra với mình, cho đến khi đó là hiện thực.

Tôi tự hỏi, mình sẽ hành động ra sao khi phải từ bỏ mọi sự vì các xác tín bản thân, đặc biệt là để bảo vệ một xã hội công bình. Tôi có thể có được sự quả cảm dấn thân nhờ biện biệt, nhưng tôi thấy mình được khích lệ (và bạn cũng vậy) khi suy niệm về cuộc đời các vị thánh, chẳng phải xa xôi, nhưng gần gũi với thời đại chúng ta, các vị đã đứng lên chống lại độc tài và những tên sát nhân. Các ngài không bao giờ thoái lui, và đều vinh thắng, mỗi vị theo cách rất riêng của mình.

Charles Lwanga

Charles Lwanga bị sát hại cùng với 22 thanh thiếu niên trẻ khác, vào năm 1887 bởi tay Mwanga, vua của Babadan, một bộ tộc Uganda. Mwanga bắt các thần dân, đặc biệt là các cận thận phải triệt để thần phục ông ta.Charles đứng đầu một nhóm các người hầu trong triều, họ là  các nam thanh thiếu niên có tiếng là giỏi các môn điền kinh và có vẻ ngoài dễ nhìn. Nhóm người hầu này bắt buộc phải phục lạy Mwanga, bảo vệ ông ta vô điều kiện, thậm chí phải đáp ứng nhu cầu tình dục của ông ta nữa. Khi Charles đứng đầu nhóm này, họ đã đứng lên phản đối và không chấp nhận các đòi hỏi này. Kết cục, họ bị xử tử.

Thật khủng khiếp khi một chính phủ bắt chúng ta phải hợp tác trong những chuyện chúng ta thấy là phi luân, và lúc nào cũng vậy, luôn có những thỏa hiệp, đổi chác trong bất kỳ xã hội nào. Thánh Charles cho chúng ta thấy, dù có xảy ra chuyện gì, dù cái giá phải trả có ra sao, chúng ta cũng nên trung tín với đức tin của mình. Và rồi, ngài đã chết khi cố bảo vệ các bạn bè khỏi bị lạm dụng, thậm chí ngài đã tha thứ cho những kẻ sát hại mình nữa.

Miguel Pro

Nhiều người khá ngỡ ngàng khi biết rằng, trong những năm 1920, trong khi Mỹ đang dưới thời của Harding và Coolidge, thì Mêhicô rơi vào tay của Plutarco Calles, một tên độc tài Mác-xít. Calles sát hại bất kỳ ai cản lối hắn. Hắn cho rằng, một trong những tổ chức ngáng trở hắn nhất, chính là Giáo hội Công giáo, và hắn quyết định thủ tiêu nó bằng cách bắt đi lưu đày và sát hại các linh mục. Một trong số các linh mục đó là cha Miguel Pro. Thay vì rời Mêhicô thoát thân, ngài quyết định ẩn mình để tiếp tục bí mật mục vụ và cầu nguyện chung cùng bổn đạo.

Rốt cuộc, cha Pro bị bắt và bị xử tử bằng các xử bắn (a firing squad), thế nhưng gia sản của ngài vẫn trường tồn, và xác tín của ngài rằng, con người có quyền tự do tôn giáo, thì bền vững hơn là thứ ý thức hệ áp bức của Calles. Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền tự nhiên quý giá, đáng để cho chúng ta dấn thân bảo vệ nó, trước bất kỳ ai có ý tước đoạt nó.

Margaret Clitherow

Bà Margaret, còn được gọi là “Hạt ngọc của vùng York”, sống và qua đời tại Anh hồi thế kỷ XVI. Nữ hoàng Elizabeth I, một trong những người con gái của vua Henry VIII, lên ngôi và bắt đầu có những biện pháp độc đoán, đặc biệt gạt bỏ quyền tự do tôn giáo tại Anh. Nhiều nhóm đã bị bách hại trong thời gian này, và các linh mục dòng Tên bị bách hại dữ dội nhất, các vị bị săn lùng và bách hại quyết liệt.

Những ai không chịu đăng ký gia nhập vào giáo hội chính thức của nhà nước, họ sẽ bị phạt nặng và không được tiếp cận với các dịch vụ công. Bà Margaret thương cảm các vị linh mục bị săn lùng này, và thường giúp họ ẩn náu, bà thường giấu họ trong nhà. Thế là bà bị bắt, bà không chịu chối bỏ đức tin, và bị buộc tội chống phá nhà nước và bị sát hại bằng hình phạt đá đè. Bất chấp sự an nguy của chính bản thân, bà Margaret chống lại những đòi hỏi bất công của nữ hoàng, chống lại chính đồng bào của bà.

Thậm chí, hôm nay đây, chúng ta vẫn bị đẩy vào những tình thế tương tự, và bà Margaret cho chúng ta thấy một chọn lựa ưu tiên – yêu thương và bảo bọc cho tha nhân luôn là một chọn lựa đúng đắn, bất chấp áp lực để chúng ta thỏa hiệp có lớn lao, dữ dội đến đâu.

Maximilian Kolbe

Maximilian Kolbe là một linh mục Ba Lan, thời Đệ Nhị Thế Chiến. Ngài là một cây viết tâm linh có tiếng, có số lượng đông đảo độc giả theo dõi nguyệt san mà ngài sáng lập. Sau khi Đức xâm lược Ba Lan, ngài bắt đầu viết các bài báo chống Đức quốc xã (Nazi) và phát hành công khai. Cùng lúc, ngài dùng nhà xứ của mình để che giấu cho ước chừng 2.000 người Do Thái, giúp họ tránh khỏi bị sát hại.

Rốt cuộc, do các hoạt động của mình, ngài bị bắt và bị đưa vào trại tập trung khét tiếng Auschwitz. Cuộc đời ngài hoàn tất bằng án tử bỏ đói cho đến chết, khi ngài chấp nhận thế mạng cho một người tù khác, chấp nhận một sự trừng phạt bất công để cứu mạng người khác. Cha Kolbe giờ đã được tôn kính tại Ba Lan và trên toàn thế giới vì đức quả cảm, hy sinh vị tha của ngài, trong một khung cảnh huống xem ra là không thể có được.

Quả thực, ngay cả trong những hoàn cảnh khủng khiếp nhất như trại tập trung chết chóc của Đức quốc xã, một người vẫn có thể chọn cư xử thật yêu thương, kính trọng hết mực phẩm giá của con người. Hitler có thể tạm thời chiếm được đất Ba Lan, nhưng hắn không thể chiếm được trái tim và tâm hồn của cha Maximilian Kolbe. Chẳng tên độc tài hay chính phủ nào có thể khống chế được con người ta, nếu họ giữ vững được phẩm cách, phẩm giá và đức tin của mình.

Lm. Michael Rennier
Chuyển dịch: Hoàng Long (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)
https://aleteia.org