Một bản thăm dò trên thế giới của hãng WIN/Gallup International cho biết, Đức Phanxicô là người lãnh đạo được yêu mến nhất thế giới. Làm sao điều này lại có thể được? Người có thể trả lời cho câu hỏi này là người mà Đức Phanxicô chọn để quản lý và hiện đại hóa ngành truyền thông của Vatican, đó là Đức ông Dario Edoardo Viganò, chủ tịch Quốc vụ viện Truyền thông Tòa Thánh. Trong quyển sách mới nhất của Đức ông có tên là“Fedeltà è cambiamento. La svolta di Francesco raccontata da vicino”, Đức ông kể đời sống “hậu trường” của Đức Phanxicô.
Kính Đức ông Viganò, trong quyển sách, Đức ông phân tích “cuộc cách mạng qua cử chỉ” của Đức Phanxicô. Đó là cái gì?
Đức ông Dario Edoardo Viganò: Những ai làm việc trong ngành truyền thông đều biết phải có chiến thuật lớn để tạo một sự kiện truyền thông. Đức Phanxicô có khả năng này. Một hành vi ngài làm phải trở nên một sự kiện. Ở đây chúng tôi có cái gọi là “gia vị để kể sự việc xảy ra hàng ngày”. Tại sao? Vì Đức Giáo hoàng cung cấp cho chúng tôi một phong cách mới. Chấm dứt các nghi thức, các kiểu xu nịnh… Ngài rất cảm xúc. Có người nói: “Ngài như người thân trong gia đình tôi”. Người ta cảm thấy nơi ngài có một cái gì rất gần gũi. Tôi cảm thấy mình được đón nhận như người cùng một gia đình.
Làm sao cha giải thích sự thay đổi này trong quan hệ riêng giữa Đức Phanxicô và truyền thông? Khi ngài còn là Tổng Giám mục, ngài chưa có các quan hệ này?
Đức Phanxicô đã có điều này trong máu của ngài. Đó là bản chất của ngài. Quần chúng nghĩ gì, quần chúng nói gì, đối với ngài ít quan trọng. Đến mức ngài không đặt quan trọng cho những gì người ta thêu dệt chung quanh những gì mình nói, nhất là những lúc ngài ứng khẩu. Tuyệt đối ngài không quan tâm đến vì ngài biết, tất cả chỉ là phù du của mọi phù du, một phiên chợ truyền thông: hôm nay thì như vậy, ngày mai là hết. Nhưng khi trở thành Giáo hoàng, ngài ý thức để Phúc Âm có thể vượt đại dương thì phải ép mình vào cố gắng này, cố gắng ở trọng tâm sự chú ý của truyền thông.
Ngay từ đầu giáo triều của ngài, tôi đã giải thích cho ngài, ngài phải dùng lại một dấu ấn chính thức, đến một lúc nào đó, các máy quay phim là cần thiết, nhưng chưa bao giờ ngài cho phép tôi làm điều này. Đó là con người ở ngoài tất cả mọi lý lẽ của sự làm màu mè. Ngài không thích mình ở trọng tâm, mình ở vị trí đầu tiên. Đương nhiên ngài hiểu, muốn ở gần các giáo dân ở xa thì phải ép mình vào khổ hình của các máy quay phim đi theo mình, có khi gần như đuổi theo mình.
Đức Giáo hoàng ăn hình khi lên truyền hình, nhưng chính ngài lại không xem truyền hình…
Đúng, ngược đời vậy! Vì phong cách của ngài nổi hẳn trên toàn cảnh màn hình, nơi mà chỉ có tiếng hét, lời nói thường trống rỗng: giọng của ngài chìm lỉm, âm điệu lại thấp, nhịp lại chậm. Sự tương phản này lại gây chú ý nơi người tin cũng như người không tin, nhất là khi ngài đề cập đến những vấn đề chính yếu của nam giới cũng như nữ giới. Tôi nghĩ đến công việc, đến tình cảm bị tổn thương, đến các giấc mơ của hy vọng.
Sau tài khoản trên Twitter, bây giờ là trên Instagram là tài khoản chỉ có hình. Có thể nói đây là bước đột phá mới trong nghệ thuật truyền thông của các Giáo hoàng không?
Đúng, tôi tin như vậy. Có một khía cạnh rất hay khi đăng một bức hình. Như thế ý tưởng trình bày sinh hoạt của một triều giáo hoàng qua hình ảnh sẽ đánh động tâm hồn lòng người, tạo ra xúc cảm làm cho giáo dân cảm nhận mình gần gũi, mình ở trong tình nồng ấm của Đức Giáo hoàng. Và tôi phải thú nhận, lần đầu tiên tôi chứng kiến một trường hợp duy nhất trong lịch sử Instagram: trong vòng mười hai giờ, chúng tôi bước qua con số một triệu người theo.
Đức Phanxicô được cả toàn thế giới yêu mến, kể cả những người không tin, tại sao? Đâu là bí mật của ngài?
Tôi nghĩ bí mật ở điểm ngài là một người “thật”, người bỏ mọi cách diễn tả theo kiểu khuôn mẫu, ngài dùng lôgic của những “điều thuận lý”, để kể chuyện, để cho ví dụ. Cách ngài chú giải Phúc Âm trong các thánh lễ ở Nhà nguyện Thánh Mácta đã trở thành một loại văn chương. Ngài kể lại Phúc Âm bằng cách đặt các câu hỏi mà các câu hỏi này là của bạn, của tôi. Và đó là điểm tạo nên sức mạnh của ngài.
goài ra các lời của ngài có một độ sâu, độ dày như câu chuyện của chính cuộc đời ngài. Ngay cả những người không tin cũng ngưỡng phục ngài ở cách ngài gọi tên họ cho những vấn đề ngài đề cập đến. Với một vài vấn đề, có khi ngài cũng không biết phải trả lời như thế nào. Khi trẻ em hỏi ngài vì sao có những em bé vô tội phải bị chết, ngài nói: “Cha cũng không biết trả lời cho con tại sao.” Nhưng ngài nói cho các em ngài làm gì trong trường hợp này, đó là nhìn “Chúa Giêsu trên Thập giá”.
Các dự án nào của Giáo hoàng về việc cải cách Giáo hội?
Ngài đã nói điều này với các ký giả ở Nhà nguyện Thánh Mácta ngay ngày hôm sau được bầu chọn, và trong thánh lễ khai mạc triều giáo hoàng của mình ngày 19 tháng 3-2013: một Giáo hội nghèo cho người nghèo. Nói một cách khác, một Giáo hội bỏ phong cách hoàng gia, đại chúng để trở nên “muối” cho trái đất. Không ai ăn muối không. Muối làm tôn lên hương vị. Ngài muốn Giáo hội như “bệnh viện dã chiến”, một Giáo hội đi ra ngoài, một Giáo hội mà sức mạnh dựa trên các yếu đuối của mình.
Giáo hội không phải là một cơ quan Phi Chính Phủ. Sự việc Giáo hội lo cho người nghèo, những người thấp kém nhất, những người ở ngoài lề không có nghĩa là Giáo hội có một chương trình xã hội, nhưng đó là chương trình của Phúc Âm. Qua Phúc Âm chúng ta biết, Chúa Giêsu quan tâm đến những điều này và đứng trước tội đã phạm, Chúa Giêsu không bao giờ nhìn đàng sau, nhưng nhìn đàng trước: “Tội của con đã được tha, con đứng dậy và đi”.
Xin cha nói về công việc của cha với Đức Phanxicô. Cha quản lý công việc truyền thông như thế nào?
Chúng tôi đang ở trong một thế kỷ rất phức tạp vì chúng tôi đang trong tiến trình cải cách. Đức Phanxicô rất quan tâm đến vấn đề này. Với sự cố vấn của các tân hồng y, ngài muốn không những cải cách ngành truyền thông, nhưng muốn cải cách cả hệ thống thông tin. Ngành truyền thông của chúng tôi đang bị trễ, chúng tôi phải chạy. Chúng tôi chưa quen thuộc với các phương tiện thông tin khác, với các quần chúng khác nhau. Với Đức Phanxicô, các quan hệ là những buổi thảo luận chặt chẽ, vì có những chuyện ngài chấp nhận quay phim nhưng ngài không muốn lan truyền nó đi.
Một mặt, ngài rất hiểu giá trị của một sự kiện được quay phim nhưng ngài thích có một sự đối thoại tự do, thẳng thắn và không thích phải bỏ các việc này. Mặt khác, ngài biết trong cương vị Giáo hoàng, trong đối thoại thẳng thắn và tự do cũng sẽ có những uyển chuyển, mà đứng về quan điểm thần học thì sẽ không hoàn hảo. Vì thế luôn có những thảo luận. Đức Giáo hoàng là một người rất thông minh, cởi mở, thẳng thắn trong các trao đổi này. Còn chúng tôi, chúng tôi phục vụ ngài. Và chính Đức Giáo hoàng là người quyết định và cũng vì thế mà ngài là Giáo hoàng.
Tác phẩm Fedeltà è cambiamento. La svolta di Francesco raccontata da vicino được nhà xuất bản Eri Rai phát hành.
aleteia.org, Silvia Costantini
Marta An Nguyễn (phanxico.vn) chuyển dịch