Hơn nữa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có một thiên bẩm giúp ngài rất nhiều khi gặp ai đó lần đầu tiên. Cha Angel Rossi, một cha Dòng Tên người Á Căn Đình, cho rằng ngài có một tri giác sâu sắc, có thể gọi là “tài chẩn đoán cõi lòng” (cardiognosis): biết được cõi lòng người khác. Theo cha, đây là một “tri thức trực giác” vì “với thật ít thông tin, ngài vẫn biết bạn… và bạn khó lòng dấu ngài được điều gì”. Khi gặp một ai đó lần đầu tiên, Đức Phanxicô quan sát cẩn thận, lắng nghe chăm chú và tìm cách vượt quá những gì người này nói để nắm được những điều thực sự ở trong lòng họ.
Điều trên được xác định bằng chính phát biểu của Đức Phanxicô trong cuộc phỏng vấn trên không từ Fatima về Rôma: ngài không phê phán ông Trump cho tới khi gặp và lắng nghe ông! Một nhà ngoại giao Âu Châu cũng cho hay: “Đức Phanxicô là người lịch thiệp nhất tôi từng được gặp”. Ông và nhiều người khác đồng ý với nhau rằng ngài sẽ hết sức lịch thiệp đối với Tổng Thống Trump, để ông ta nói tự do và chăm chú lắng nghe những gì ông trình bày và, trong khi làm thế, sẽ tìm các khe hé mở, như ngài nói trong cuộc họp báo trên không vừa nói, có thể dẫn tới các cơ sở chung.
Ông Trump không vừa, trước khi đến Vatican, ông ta đã bổ nhiệm Callista Gingrich, phu nhân của cựu chủ tịch Hạ Viện Newt Gingrich, làm đại sứ Mỹ tại Vatican. Dù bà này sẽ không có mặt tại Vatican khi Ông Trump tới đó, vì còn chờ được Quốc Hội thông qua việc bổ nhiệm, nhưng nguyên việc bổ nhiệm này cũng nói lên khá nhiều. Ngoài ra, đầu tháng này, tại Tòa Bạch Ốc, nhân Ngày Toàn Quốc Cầu Nguyện, ông đã hội kiến riêng với Đức Hồng Y Donald Wuerl của Thủ Đô Washington, và với Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trước khi ký ban hành lệnh hành pháp về tự do tôn giáo. Và điều chắc chắn là ông sẽ nói về nạn buôn người và tự do tôn giáo là hai chủ đề Vatican lưu ý. Nhưng các chủ đề khác như việc xích lại gần Cuba, giải pháp cho cuộc tranh chấp Do Thái Palestine, và loại trừ chủ nghĩa khủng bố… cũng có thể được nói đến. Tất cả đều là những quan tâm hàng đầu của Vatican.
Sau khi từ giã Đức Giáo Hoàng, Tổng Thống Trump sẽ hội kiến với Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin, và Ngoại Trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher.
Trong khi đó, Đệ Nhất Phu Nhân Melania Trump sẽ viếng Bambino Gesù, bệnh viện và trung tâm nghiên cứu nhi khoa lớn nhất Âu Châu nhưng thường được gọi là Bệnh Viện Của Đức Giáo Hoàng. Còn Đệ Nhất Ái Nữ, Ivanka Trump, sẽ viếng cộng đoàn giáo dân Sant’Egidio để dự cuộc thảo luận về nạn buôn người.
Tòa Thánh đã làm hết sức để chiều ý Tổng Thống Trump bằng cách sắp xếp để ông có buổi yết kiến riêng với Đức Giáo Hoàng vào lúc 8 giờ 30 sáng thứ Tư, dù nhận được yêu cầu khá trễ. Ai cũng biết, sáng thư Tư nào, Đức Giáo Hoàng cũng có buổi yết kiến chung tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô vào lúc 10 giờ sáng. Nhưng trước đó, lúc 9 giờ 30, ngài thường được lái xe đi giữa đám đông ở Công Trường. Lần này, Vatican phải thông báo để công chúng hay: buổi yết kiến chung chỉ có thể bắt đầu lúc 10m giờ 30 sáng, nghĩa là 2 giờ sau khi Tổng Thống Trump tới Vatican, đủ thì giờ để ông đàm đạo với Đức Giáo Hoàng và các cố vấn cao cấp của ngài.
Vì sẽ có hàng chục ngàn khách hành hương có mặt tại Công Trường vào hôm thứ Tư, nên Tổng Thống Trump sẽ không vào Thị Quốc Vatican dưới Cổng Chuông nằm ở phía trái của Công Trường. Thay vào đó, đoàn hộ tống ông sẽ chạy qua Porta del Perugino, gần Nhà Thánh Mácta nơi Đức Phanxicô cư ngụ, vòng phía sau Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô để vào Cortile di San Damaso, nơi Tổng Thống sẽ được dàn chào bởi một trung đội Vệ Binh Thụy Sĩ, sau đó, được tháp tùng vào Loggia thứ hai của Tông Điện để hội kiến với Đức Giáo Hoàng.
Đi theo chiều hướng Công Giáo đối với Hồi Giáo
Dù cuộc gặp gỡ với Đức Phanxicô cùng lắm chỉ kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ, nhưng như trên đã nói, Tổng Thống Trump đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc gặp gỡ này: cử nhiệm Callista Gingrich làm tân đại sứ Hoa Kỳ cạnh Vatican, và nhất là ký ban hành lệnh hành pháp về tự do tôn giáo, một chủ đề chắc chắn được Đức Phanxicô hoan nghinh.
Không những thế, sau lệnh hành pháp kia và trước khi tới Vatican, ông đã viếng thăm Saudi Arabia, nơi có đền thờ thánh thiêng nhất của Hồi Giáo và do đó, trên thực tế được coi như Trái Tim của Hồi Giáo. Tại đây, ông đã đọc một bài diễn văn với các nhà lãnh đạo Hồi Giáo mà Giáo Sư Charles C. Camosy cho rằng rất phù hợp với giáo huấn Công Giáo, một giáo huấn hoàn toàn bác bỏ ý niệm cho rằng người Kitô Giáo tranh chấp văn hóa với người Hồi Giáo, khác với hồi còn tranh cử, lúc ông không ngừng nói tới “chủ nghĩa khủng bố duy Hồi Giáo triệt để”, “Hồi Giáo ghét chúng ta”, “rất khó có thể” tách biệt người Hồi Giáo cực đoan và người Hồi Giáo ôn hòa, và đòi “đóng cửa hoàn toàn và trọn vẹn” việc di dân Hồi Giáo vào Hoa Kỳ.
Giáo huấn tôn trọng các tôn giáo không phải là Kitô Giáo của Công Giáo, lẽ dĩ nhiên, hoàn toàn bất tương hợp với phương châm của chiến dịch tranh cử trên đây. Giáo Hội vốn kết án bất cứ hành vi kỳ thị nào dựa trên tôn giáo.
Điều gây ngạc nhiên lớn là Tổng Thống Trump chọn Saudi Arabia làm trạm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi thứ nhất kéo dài 9 ngày của ông, trước cả Israel và Vatican. Và bài diễn văn trước các nhà lãnh đạo của các quốc gia đa số theo Hồi Giáo còn làm người ta ngạc nhiên hơn nữa vì đã trình bày một giọng điệu khác hẳn.
Ông bắt đầu bằng việc nhấn mạnh rằng ông “không đến đây để giảng bài” cho một cử tọa Hồi Giáo. Mà đúng hơn, ông đến để tìm cách chấm dứt nạn khủng bố và bắt đầu diễn trình hòa bình tại Trung Đông, cho hay 95% nạn nhân của khủng bố là người Hồi Giáo.
Và trong khi nói thế, ông Trump nhấn mạnh rằng trận chiến ông muốn đánh không phải là giữa những người thuộc các tín ngưỡng hay văn minh khác nhau. Trái lại, ông muốn tìm cách đồng minh với những người có cùng “các quyền lợi và giá trị”. Điều đáng kể là Ông Trump nhấn mạnh rằng Hồi Giáo là “một trong các tín ngưỡng vĩ đại của thế giới” với một “di sản cổ xưa” từng được sử dụng làm “chiếc nôi của văn minh”.
Kiểu nói “chủ nghĩa khủng bố duy Hồi Giáo triệt để” không hề được lặp lại trong bài diễn văn ở đây.
Cách tiếp cận mới mẻ này quả phù hợp với giáo huấn Công Giáo là giáo huấn hoàn toàn bác bỏ ý niệm cho rằng người Kitô hữu có tranh chấp văn hóa với người Hồi Giáo. Trái lại, Giáo Hội nhấn mạnh rằng ta nên qúy mến người Hồi giáo, coi họ như đồng tín hữu vào Ngày Sau Hết và vào cuộc phán xét của Thiên Chúa duy nhất đối với tội lỗi của nhân loại. Người Hồi Giáo cũng có chung một lòng tôn sùng Chúa Giêsu, thậm chí còn tin rằng Người sinh ra từ một trinh nữ. Lòng sùng kính Đức Maria của họ vượt xa hẳn nhiều Kitô hữu, thậm chí còn tuyên xưng cả sự vô nhiễm thai của ngài.
Vì các sự kiện trên, không lạ gì khi các vị giáo hoàng như Phaolô VI, Gioan Phaolô II, Bênêđíctô XVI và Phanxicô nói rất tích cực về Hồi Giáo.
Nhưng theo Camosy, vì Trump hay thay đổi quan điểm, nên ta cần làm áp lực để chính phủ của ông biến kiểu nói mới mẻ trên thành chính sách hẳn hoi.