Sự kiện này quan trọng vì bản Nghi thức mới trừ quỷ, được duyệt sau Công đồng Vatican II và được Đức Gioan-Phaolô II chứng thực, chưa được dịch ra tiếng Mỹ, trong khi tiếng Pháp đã có từ năm 2006.
Hội đồng giám mục Mỹ đã chứng thực bản dịch này trong kỳ Họp khoáng đại vào mùa thu năm 2014. Nhưng Vatican chỉ công nhận (recognitio) bản dịch này từ đầu năm 2017.
Như một kinh cầu dài
Nghi thức trừ quỷ được trình bày như một lời cầu xin dài, có thể thực hiện với sự hiện diện của nhiều người, chẳng hạn thân nhân của người bị quỷ ám. Nghi thức bắt đầu bằng một lời cầu nguyện, làm phép nước, rảy nước thánh trên người bị “quỷ ám”. Tiếp đến là đọc kinh cầu các thánh, đọc thánh vịnh và đọc Phúc Âm.
Linh mục đặt tay lên đầu người bị quỷ ám, đọc Kinh Tin Kính và lời từ bỏ ma quỷ. Sau Kinh Lạy Cha, linh mục đặt thánh giá và ra lệnh cho thần dữ ra khỏi người bệnh, sau đó linh mục thổi lên mặt người bị quỷ ám.
Linh mục đọc một lời cầu nguyện dâng lên Chúa, sau đó kết thúc bằng ba lời gọi hỏi Satan: “Ta yêu cầu ngươi, Satan, kẻ thù của con người…”. Cuối cùng Nghi thức kết thúc với kinh Magnificat và ban phép lành lần cuối.
Khó tìm các linh mục nói tiếng la-tinh
Trong một buổi họp báo ngày 25 tháng 10, linh mục Andrew Menke, Tổng thư ký Ủy ban phụng vụ Hội đồng giám mục Mỹ cho biết: “Bản dịch mới bằng tiếng Anh sẽ làm thuận lợi cho việc tìm các linh mục chịu nhận giúp trong sứ vụ này”.
Vì càng ngày càng có ít linh mục học tiếng la-tinh nên rất khó tìm trong số các linh mục, không những “đạo hạnh, soi sáng, cẩn thận và có đời sống gương mẫu” (theo yêu cầu của Giáo luật) mà lại biết tiếng la-tinh. Theo Giáo luật 1172, chỉ các linh mục được giám mục của mình cho phép mới có thể trừ quỷ sau khi đã được đào tạo. Còn các giám mục thì họ được quyền trừ quỷ.
Theo linh mục Menke, việc nghe lời cầu nguyện bằng tiếng Anh cũng giúp ích cho người xin trừ quỷ. Vì những lời do linh mục trừ quỷ đọc là “những lời an ủi và nhắc lại quyền năng của Chúa Kitô trên quỷ dữ. Khi nghe các lời này, họ sẽ lấy lại được lòng tin tưởng”.
Dựa trên các lời chứng tá của các nhà trừ quỷ, linh mục Menke cũng công nhận “đối với nhiều người, việc nghe các lời trừ quỷ bằng tiếng la-tinh cũng được an ủi vì đương sự biết đó là lời cầu nguyện của Giáo hội. Nhưng dù sao, nhà trừ quỷ là người chọn ngôn ngữ nào mà họ muốn làm”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn tin: Phanxico