Các bậc cha mẹ có thể làm gì hàng ngày để giúp con cái mình chuẩn bị rước Thánh Thể một cách đúng đắn?
Cùng với Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, Rước Lễ lần đầu là một trong ba bí tích khai tâm Kitô giáo. Thông thường, trẻ em theo Nghi lễ Latin được rước Thánh Thể lần đầu khi chúng đến tuổi khôn, trong độ tuổi từ 7 đến 13 (tùy các truyền thống địa phương khác nhau).
Theo Bộ Giáo Luật, “Để có thể được rước lễ, trẻ em buộc phải hiểu biết đủ và phải được chuẩn bị kỹ lưỡng đến độ hiểu được mầu nhiệm Đức Kitô theo khả năng của mình và có thể rước Mình Thánh Chúa với đức tin và lòng sốt sắng.” (Điều 913) Bộ Giáo Luật tiếp tục quy định rằng, “Trẻ em được Rước Lễ lần đầu cần tuân theo một sự chuẩn bị cụ thể trong vài tháng, tại giáo xứ hoặc trường học, có thể kết thúc bằng một cuộc tĩnh tâm nhỏ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng có một vai trò trong việc chuẩn bị này. Trước tiên là cha mẹ và những người thay quyền cha mẹ, kể cả cha sở, có bổn phận liệu sao cho nhi đồng đến tuổi khôn được chuẩn bị các bí tích chính đáng và được nuôi dưỡng bằng lương thực thánh này càng sớm càng tốt, sau khi đã lãnh nhận bí tích Sám Hối.” (Điều 914) Chúng ta có thể làm gì hàng ngày để dìu dắt con cái chúng ta một cách xứng hợp?
Điều đầu tiên cần làm là theo dõi sự chuẩn bị được truyền thụ tại trường học hoặc giáo xứ. Chúng ta có thể hỏi con mình: “Con đã nói về điều gì trong lớp học? Con đã học được gì? Con ấn tượng với điều gì nhất?” Sự quan tâm của chúng ta nói lên rằng chúng ta chẳng những không xem nhẹ mà còn coi trọng Bí tích Thánh Thể.
Thứ hai, sự hiện diện của chúng ta, đặc biệt là trong Thánh lễ, làm lan tỏa và ghi dấu ấn cho con cái chúng ta. Như vậy, hãy để gương sáng về việc ước muốn rước lễ nơi chính chúng ta trở thành một cách chuẩn bị giúp con cái chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Thể.
Cuối cùng, trong suốt toàn bộ thời gian chuẩn bị, việc dành sự quan tâm đặc biệt đến con cái chúng ta khi tham dự Thánh lễ là điều đúng đắn. Chúng ta có thể đảm bảo đến đúng giờ để con cái chúng ta có thể nhìn thấy rõ bàn thờ và vì thế mà chúng thêm phần chăm chú. Theo dõi buổi cử hành với sự trợ giúp của sách lễ sẽ giúp con cái chúng ta (và cả chúng ta) tập trung vào việc hiểu được Thánh lễ và các bản văn. Nhưng trường học tốt nhất giúp hiểu biết về phụng vụ chính là tham gia giúp lễ.
Sự lưu tâm đặc biệt dành cho phụng vụ Thánh Thể
Nếu có một lúc nào đó trong Thánh lễ mà chúng ta cần hướng con cái chú ý một cách đặc biệt, thì đó là lúc cử hành phụng vụ Thánh Thể. Chúng ta có thể khuyến khích con cái chúng ta lắng nghe vị linh mục cách cẩn thận, nhìn chú tâm vào ngài, quan sát cử chỉ từ tay của ngài: nâng lên và mở ra hướng về thiên đàng, hướng về phía cộng đoàn hay về phía bàn thờ, hay khi cầm bánh thánh. Những bài giáo lý mà con cái chúng ta đã tiếp thu trong giờ giáo lý sẽ có thể vang vọng nơi chúng ngay sau đó. Chúng ta cũng có thể thì thầm một vài lời giải thích: “Chính Chúa Giêsu dâng mình trong bánh và rượu cho chúng con”, “Chúa Giêsu sẽ đến với từng người chúng con…”
Trong khi dâng lễ, chúng ta có thể mời gọi con cái chúng ta đặt trọn những việc làm tốt và xấu, niềm vui và nỗi buồn của chúng vào trong tay Chúa. Vào lúc nâng cao Mình và Máu Thánh Chúa, tại sao lại không khuyến khích con cái chúng ta nói lên một lời đơn giản như: “Cảm ơn Chúa, con yêu Ngài”. Đây là một cách dạy chúng trở nên đặc biệt gần gũi với Chúa Giêsu ngay khoảnh khắc Người hiện diện giữa cộng đoàn.
Sau khi rước lễ, người tín hữu được mời gọi cầu nguyện. Mặc dù con cái của chúng ta vẫn chưa được rước lễ, nhưng chúng ta vẫn có thể dâng lời cầu nguyện với chúng.
Một lời “tạ ơn” đơn giản được nói lên bằng đức tin và lòng mến chính là một lời cầu nguyện tuyệt vời để tạ ơn sau khi rước lễ. Cha Sở thánh thiện họ Ars nói: “Các nhà thông thái đã hẳn sẽ rất hạnh phúc khi rời máng cỏ và đón lấy Hài Nhi Giêsu về nhà.” Chúng ta có thể giúp cho con cái chúng ta ý thức về món quà mà chúng lãnh nhận khi rước lễ. Như Thánh Julien Eymard nói, “Lễ tạ ơn sau khi rước lễ không phụ thuộc vào một đời sống thiêng liêng cao đẹp trước đó.”
Cuối cùng, khi ngày Rước lễ Lần đầu của con cái chúng ta cận kề, chúng ta có thể yêu cầu chúng chọn những tấm thiệp linh thánh nhỏ nhắn để trao cho những người thân yêu của chúng như một món quà lưu niệm nhân dịp này. Chúng có thể viết tên và ngày tháng trên đó, để chúng có thể được đánh động từ sự ngọt ngào hay từ tính biểu tượng từ những hình ảnh trên đó.
Tác giả: Mathilde De Robien
Chuyển ngữ: Pr. Nguyễn Quốc Nhã
(giaophanvinhlong.net/ Aleteia)