“Nói về Thiên Chúa”, hay cách khác, “truyền giáo” là nét đặc biệt căn bản trong các công cuộc saledieng. Don Bosco đã từng hứa hẹn với nhưng ai cộng tác với Ngài ba điều: cơm ăn, việc làm và Thiên đàng. Mục đích chính trong giáo dục mục vụ tông đồ saledieng là vì phần rỗi các linh hồn, và các hoạt động tông đồ luôn quy chiếu về Thiên Chúa.
Cha ông ta ngày xưa hay nói “có thực mới vực được đạo”. Các môn đệ của Marx thì quả quyết “Vật chất quyết định ý thức”.
Một thực tế về “thực” và “đạo” làm tôi suy nghĩ là: tại sao ở những nơi nghèo khổ thì lòng đạo đức vẫn còn mạnh mẽ; còn những nơi đã ăn dư mặc đủ thì Thiên Chúa bị “đuổi” ra khỏi đời sống con người? Có “thực” (vật chất) nhiều lắm rồi, nhưng “đạo” (tinh thần) không thể nào vực lại được. Phải chăng theo như nhiều người suy nghĩ, Thiên Chúa chỉ do con người tạo nên; và nếu như con người không còn nghĩ tới ngài nữa, thì Thiên Chúa cũng biến mất luôn khỏi cuộc sống của họ? Phải chăng của cải vật chất làm con người no thỏa và lòng họ không còn mong ước gì thêm nữa, kẻ cả Thiên Chúa? Chúng ta không đủ thời gian để tranh luận dài dòng về Thiên Chúa và sự hiện hữu của Ngài, nhưng có thể xác tín rằng thế giới vật chất không là tất cả của con người; con người cần đến Thiên Chúa. Tuy nhiên, giữa Người và thế giới này có một vực thẳm cách biệt. Cũng vì thế, sự lựa chọn giữa Thiên Chúa và “thế giới của Cesare” là một việc “sinh tử” của kiếp người.
Ai cũng muốn mình được sống tự do, nhưng hình như con người bị vật chất ràng buộc suốt cả cuộc đời, và người ta khó thoát ra khỏi sự nô lệ vật chất. Chính Chúa Giêsu đã khuyến cáo các môn đệ người rằng: hãy tỉnh thức, vì tinh thần thì mạnh mẽ nhưng thể xác thì yếu đuối.
Người Bulgari có câu ngạn ngữ: “Nếu tôi có hai ổ bánh mì, tôi sẽ bán một ổ để lấy tiền mua một nhánh hoa hồng”. Tôi nghĩ ngay: sao mà người ta “chảnh” thế nhỉ, ăn chưa đủ no mà bày đặt chuyện tiêu phí! Nhưng người ta có lý: con người không chỉ sống vì nhu cầu vật chất mà còn cần đến các nhu cầu tinh thần. Chúa Giêsu cũng đã dạy rằng người ta sống không nguyên bởi “bánh”, bởi của ăn thức uống, nhưng còn bởi Lời của Thiên Chúa nữa.
Qua các thông tin về truyền giáo ở Mông cổ, tôi cảm nhận một điều là người nghèo ở đó họ cần trợ giúp vật chất, nhưng việc hoán cải và lãnh nhận đức tin Kitô giáo nơi họ không phải vì nhu cầu “đi đạo có gạo để ăn” như một thời; mà phải vì một thôi thúc nào đó sâu xa hơn từ nhu cầu được cảm thông và hiệp nhất trong tình yêu thương liên đới giữa con người, từ những cảm nhận về niềm tin và sức sống nơi các kitô hữu đang sống bên cạnh họ.
Cha Fabio Attard, Tổng Cố vấn về Mục vụ giới trẻ, khi dạy ở Đại Học Saledieng UPS, có kể về kinh nghiệm mục vụ của ngài ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài đã từng làm việc trong một trường salêdiêng. Theo qui định dân sự, ở đó người ta không cho phép nói gì về Chúa Kitô, không được biểu lộ niềm tin công giáo. Trường học saledieng đón nhận các trẻ em Hồi giáo để dạy dỗ họ nhiều thứ, nhưng “nói về Thiên Chúa” thì không được phép. Chỉ có một cách là sống chứng tá niềm tin bằng những gì nhân bản nhất và âm thầm nhất, một cách “nội bộ”…
Trong thực tế, nơi nhiều Nguyện Xá saledieng, các bạn trẻ đến sinh hoạt hằng ngày phần lớn không mang niềm tin Kitô giáo. Vấn đề về niềm tin ở đây đôi khi rất tế nhị: với một số bạn trẻ theo tôn giáo khác, hình thánh giá hay Chúa Giêsu gây “dị ứng”; hoặc giờ cầu nguyện vắn tắt của một Kinh Lạy Cha trong lúc giải lao mà các saledieng vẫn làm với giới trẻ của mình chẳng mang một ý nghĩa hay giá trị nào với họ. Dù sao người trẻ cần được nhắc nhở để nhận ra rằng “người khác đang cầu nguyện và họ cũng như bạn, cần có một sự tôn trọng nào đó vì niềm tin của chính mình”. Dần dần các bạn trẻ cũng nhận ra đây là điểm đặc biệt của Nguyện xá: với họ không chỉ là sân chơi mà còn là trường học và nhà thờ nữa. Trong tất cả mọi sự người ta cần một chút kiên nhẫn vậy!
Trong bối cảnh đa văn hóa và đa tôn giáo, người ta phải làm quen dần với một thực tế mà trước đây chưa phải là vấn đề, một thực tế của đối thoại liên tôn. Từ đó, một số cũng hay nói rằng, với tôi không quan trọng Thiên Chúa của bạn là ai, nhưng quan trọng là với bạn Ngài là ai, và Ngài có chỗ đứng ở đâu trong cuộc đời bạn; với Ngài bạn sống thế nào.
Nói về Thiên Chúa cho người khác là bổn phận của mỗi kitô hữu. Với một tu sĩ saledieng thì sao? Có lẽ như bao người kitô hữu khác, chúng ta phải trở về với điểm căn bản này: Thiên Chúa là ai, và Người có chỗ đứng nào trong cuộc sống con người. Điểm khác biệt hơn cho bản thân các saledieng là: với tôi Chúa Kitô là ai, và tôi phải nói về ngài thế nào với người trẻ. Việc Phúc Âm hoá như thế là sứ mệnh của Giáo Hội, nhưng đôi khi được gắn với nhiệm vụ của các nhà truyền giáo hoặc những ai có bổn phận giáo dục đức tin. Và người ta hay bàn đến cách thức, hay kiểu truyền thông về Đức tin ngày nay, nhất là cho người trẻ. Điều đó thật căn bản và cần thiết. Chúng ta thử tưởng tượng xem: làm sao một người trẻ có thể chấp nhận Thiên Chúa là Cha yêu thương trong khi bố em đã bỏ rơi gia đình, và ra đi tìm một phương trời mới khi em vừa chào đời? Làm sao có thể nói với người trẻ về một cộng đòan hiệp nhất và yêu thương trong khi họ đã có quá nhiều kỷ niệm đau thương về sự chia lìa trong gia đình? Làm sao người trẻ tin là tồn tại đức ái và niềm vui của sự trao ban – cho thì có phúc hơn là nhận, nếu họ tiếp xúc với những người đang sống bên cạnh mình, như cha – thầy – bạn luôn tỏ ra mệt mõi, căng thẳng, buồn rầu?
Con người của thời đại nào sử dụng ngôn ngữ của thời đại ấy. Mà đời sống một cá nhân thánh thiện gương mẫu cũng là một thứ ngôn ngữ gây tiếng vang mạnh mẽ và lâu dài. Lại một đòi hỏi nữa về đời sống chứng tá Tin mừng đối với các salêdiêng, một đời sống “với những dấu chỉ khả tín” cho một niềm tin siêu nhiên vậy!
Lê An Phong, SDB