Trong tháng tư tới đây ĐTC mời gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu công giáo toàn thế giới cầu xin cho giới trẻ biết quảng đại đáp trả lại ơn gọi riêng, kể cả khả thể sống đời thánh hiến linh mục tu sĩ.
Các thống kê năm 2016 của Toà Thánh cho biết hiện nay trên thế giới Giáo Hội Công Giáo có 1 tỷ 272 triệu tín hữu. Từ năm 2005 tới 2014 số tín hữu gia tăng 14,1% so với 10,8% sức gia tăng của số dân trên thế giới. Và tín hữu công giáo hiện chiếm 17,8% tổng số dân toàn thế giới. Trong vòng 9 năm số tín hữu công giáo tại Âu châu chỉ gia tăng 2% và chiếm 2% tổng số tín hữu công giáo thế giới. Trái lại số tín hữu công giáo Phi châu năm 2014 được 215 triệu và gia tăng gấp đôi so với tín hữu công giáo Á châu, tức gần 41%, so với sức gia tăng 23.8% dân số toàn đại lục Phi châu.
Liên quan tới hàng giáo sĩ, trong thời gian 2005-2014 số Giám Mục gia tăng 8,2% với 5.237 vị. Á châu tăng 14,3%, Phi châu tăng 12,9% trong khi Châu Mỹ chỉ tăng 6.9% Âu châu 5,4% và châu Đại dương 4%. Trong cùng thời gian này số Linh Mục giáo phận và dòng từ 406.411 vị năm 2005 tăng lên 415.792 vị trong năm 2014, nhưng chỉ trong 6 năm đầu, vì ba năm cuối lại giảm. Số Linh Mục Phi châu gia tăng mạnh nhất với 32,6%, tiếp đến là Á châu với 27,1%, trong khi Âu châu đứng chót vì giảm 8%, do số ứng sinh quá ít không đủ để thay thế các linh mục cao niên qua đời ngày càng nhiều hơn. Điều này cũng có nghĩa là số giáo dân do các linh mục trông coi gia tăng tại Phi châu và Mỹ châu và giảm tại Âu châu, vì hiện tượng dân già nua và thiếu ơn gọi linh mục. Nói chung số các linh mục giáo phận gia tăng – trừ trường hợp Âu châu – trái lại số các linh mục dòng giảm tại Mỹ châu, Âu châu và Đại dương châu. Trong 9 năm số linh mục dòng tại Phi châu, Á châu, Trung và Nam Mỹ gia tăng, Tiểu Á Trung Đông và châu Đại dương không thay đổi, trong khi Bắc Mỹ và Âu châu thuyên giảm.
Liên quan tới các Phó tế trong các năm 2005-2014 từ 33.000 tăng lên 45.000 tức gia tăng 33,5%. Âu châu và Mỹ có đông Phó tế nhất, trong khi Phi châu và Á châu hầu như không biết tới hiện tượng này. Tuy nhiên, khả năng của các Phó tế trong việc trợ giúp các Linh Mục vẫn còn hạn hẹp.
Liên quan tới các tu huynh hơi có suy giảm từ 54.708 thầy trong năm 2005 xuống còn 54.559 thầy trong năm 2014, đông nhất là tại Á châu chiếm 38% tổng số các tu huynh. Trong khi số nữ tu khấn trong năm 2014 trên toàn thế giới là 682.729 chị, trong đó có khoảng 38% sống tại Âu châu, tiếp đến là châu Mỹ với 177.000 chị và Á châu với 170.000 chị, tức giảm 10,2% so với năm 2005. Số nữ tu gia tăng tại Phi châu và Á châu từ 27,8% lên 35,3% trong khi tại Âu châu và Mỹ châu lại giảm từ 70,8% xuống còn 63,5%.
Số đại chủng sinh của Giáo Hội Công Giáo năm 2005 là 114.439 thầy, tăng lên 120.616 thầy trong năm 2011 nhưng lại giảm xuống còn 116.930 thầy trong năm 2014. Trong ba năm cuối cùng số đại chủng sinh giảm trong mọi đại lục, chỉ trừ Phi châu gia tăng 3,8%.
Như thế trên bình diện toàn cầu số linh mục tại Âu châu giảm từ 20,2% xuống còn 16,2%, tại Mỹ châu từ 32,9% giảm xuống còn 29,1%, trong khi Phi châu và Á châu chiếm 53.9% tổng số linh mục toàn thế giới. Và khả thể thay thế tại Phi châu và Á châu là 66 và 54 ứng viên cho mỗi 100 linh mục, trong khi tại Mỹ châu và châu Đại dương chỉ có 10 ứng viên cho mỗi 100 linh mục.
Tại các quốc gia kitô kỳ cựu như Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hoà Lan và Đức, các gia đình càng ngày càng có ít con, và vì thế càng ngày càng có ít người trẻ chọn sống đời thánh hiến trong ơn gọi linh mục tu sĩ. Số linh mục thiếu khiến cho các giáo phận phải đi tới chỗ đóng cửa nhiều nhà xứ. Đặc biệt thê thảm là tình trạng của Pháp, Bỉ và Hoà Lan. Từ nhiều thập niên qua Giáo Hội Hoà Lan đã phải bán hàng trăm nhà thờ, nhà xứ, trường học cũng như các tu viện, vì giáo dân không sống đạo, cũng không còn ơn gọi nữa và Giáo Hội không có tài chánh để bảo trì các cơ sở của mình.
Các thống kê trên đây phản ánh tình hình chung của Giáo Hội giúp chúng ta hiểu sự cần thiết gia tăng mục vụ ơn gọi và tìm ra các giải pháp hữu hiệu cụ thể giúp chia sẻ nhân lực giữa các Giáo Hội địa phương và giữa các giáo phận của cùng một Giáo Hội quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh đó có nhiều yếu tố không tuỳ thuộc Giáo Hội, mà liên quan tới các chiều kích xã hội, văn hoá, chính trị và kinh tế. Trước hết là tâm thức của người trẻ trong các xã hội tiêu thụ hưởng thụ và tục hoá của thế giới tây âu ngày nay. Người trẻ thường lập gia đình muộn, và không muốn có con sớm, hay không muốn có con để không bị ràng buộc và thiệt thòi trong nghề nghiệp, giờ giấc cuộc sống hay các sở thích giải trí, du lịch, bay nhảy đó đây của họ. Thứ hai là các đường lối chính trị tục hoá của chính quyền hạn chế sinh sản, khích lệ dùng thuốc ngừa thai, cho tự do phá thai, ly thân ly dị, không trợ giúp các gia đình, không dành nhiều ưu tiên cho các bà mẹ trong công ăn việc làm thời kỳ thai nghén, sinh con và nuôi con vv…
Bên cạnh đó là cung cách tổ chức cuộc sống xã hội và an sinh. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh khiến cho rất nhiều người trẻ học xong nhưng không tìm ra công ăn việc làm, nên không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình. Trái với các thập niên quá khứ người trẻ ngày nay không muốn rời gia đình sớm và tìm cách sống với cha mẹ. Bên cạnh việc làm và vấn đề nhà ở. Giá cả và đời sống mắc mỏ cũng là một lý do khác nữa khiến cho các cặp vợ chồng trẻ không muốn có nhiều con, vì không có khả năng nuôi dậy con cái kể cả trên bình diện tài chánh. Để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực trong nước và xã hội già nua từ nhiều thập niên qua chính quyền Pháp đã đề ra chính sách trợ giúp và dành mọi ưu tiên cho các gia đình đông con được thuê nhà rẻ, rộng rãi, được trợ cấp xã hội hàng tháng của chính quyền cho tới khi con cái trưởng thành vv… Nhưng rất nhiều người trẻ vẫn không muốn lập gia đình, hay lập gia đình nhưng không muốn có nhiều con.
Tất cả các lý do đo kể trên, cộng thêm nhiều lý do khác nữa khiến cho nhiều nước tây âu vẫn không giải quyết được tình trạng thiếu nhân lực và xã hội già nua.
Trong tháng tư tới đây hiệp ý với ĐTC và tín hữu công giáo toàn thế giới chúng ta cầu xin cho giới trẻ biết quảng đại đáp trả lại ơn gọi riêng, kể cả khả thể sống đời thánh hiến linh mục tu sĩ, để phục vụ Chúa, Giáo Họi và xã hội.
(Linh Tién Khải, RadioVaticana 24.03.2017)