Tùng tùng xèng…
Tùng tùng xèng xèng…tùng…
Mọi người từ từ kéo vào trong thánh đường, cúi chào trước linh cữu của ông cố qua đời ba hôm trước. Ông cố là người hiền lành, sống tốt đời đẹp đạo, khi sống ai cũng mến thương, lúc ra đi bao người lưu luyến. Hồi còn tại thế ai cũng cung kính nể trọng, ngày rời cõi thế ai cũng ca khen. Bà con tấm tắc rằng ông cố thật là diễm phúc.
Đoàn đồng tế gồm có Đức giám mục giáo phận và đông đảo các linh mục. Đức giám mục giảng một bài khá súc tích về kỉ niệm với ông cố. Ngài cảm ơn ông đã hi sinh cho con đi tu. Ca đoàn tấu vang bài ca phục sinh làm chan chứa lòng người. Cộng đoàn phụng vụ vừa tiếc thương vừa ngưỡng mộ ông cố.
Ở đây, để cổ võ ơn gọi đi tu nhằm mở rộng công cuộc rao giảng Tin Mừng, khi có người thân của một tu sĩ hoặc giáo sĩ qua đời, Thánh Lễ đồng tế được cử hành. Các đám tang khác thì không được phép đồng tế. Bởi thế, đám tang ông cố diễn ra rất long trọng và đầy vinh quang. Cuộc đời ông cố kể ra cũng may mắn nhiều: ai gặp ông cũng kính cẩn gửi thưa, mỗi ngày ông được bổ dưỡng bằng kinh nguyện và Thánh Lễ, ông lại có niềm vui qua công việc bác ái phục vụ,… Dẫu nghề nghiệp cũng lam lũ như bao người nhưng những gì ông cố có được thật đáng mơ ước đối với nhiều người.
Trong đám đông dự Lễ, có một người ngồi ở góc khuất phía bên phải nhà thờ, nơi ánh sáng chiếu đến ít nhất. Chị là mẹ của ba đứa con. Ngồi đây dự lễ của ông cố mà chị cứ hoang mang sợ hãi. Lòng chị ngàn cân trĩu nặng một nỗi đau không ai hiểu thấu. Con chị chưa mất cha mà chúng đã mồ côi từ lâu vì bị ông bỏ rơi. Chồng chị dính vào cờ bạc rượu chè hút sách…. Nhà thờ nhà thánh thì … quên đi! Cha xứ mấy lần đến gặp tìm cách khuyên giải cho ông, chẳng ăn thua gì! Sau khi phung phí hết tiền của, ông vướng vào nợ nần không thể trả được và phải lẩn trốn các chủ nợ doạ thuê giang hồ tính sổ với ông. Kiệt sức kiệt cả trí lực, ông tìm đến cái chết. Người ta phát hiện ông nằm bất động tại một khu ổ chuột, gọi chị đến để đưa ông đi nhà thương vì chẳng người thân nào muốn nhận ông nữa. Bác sĩ lắc đầu, bảo chị chuẩn bị hậu sự cho ông là vừa. Ông nằm đó thoi thóp chẳng còn biết gì, ruồi nhặng ở đâu kéo đến bậu lên. Chị biết làm gì đây? Giận hờn tức tủi đau sợ như xé nát tâm hồn chị. Chị chẳng muốn làm gì cho kẻ đã làm tổn thương cả cuộc đời chị.
Bài giảng của Đức Cha vẫn vang lên đều đều về những kỉ niệm đẹp với ông cố. Ông cố cũng là người có ơn với chị. Chị quý mến ông lắm. Chị đã bật khóc khi nghe tin ông qua đời. Nhưng, chị chợt cảm thấy xấu hổ nhục nhã cho hoàn cảnh của mình. Chẳng lâu nữa đâu, người chồng tệ hại của chị sẽ chết. Lúc đó sẽ ra sao? Một kẻ tự tử có được mang vào nhà thờ không? Cả làng này chẳng ai thiện cảm với con người này, liệu có ai đi đưa tang ông không?
Ruột gan chị rối bời bời.
Đức Cha vừa kết thúc bài giảng. Một khoảnh khắc thinh lặng để cộng đoàn lắng đọng cầu nguyện, cảm ơn ông cố. Chị tự hỏi bao giờ đời chị mới có được chút vui chút mừng như ông cố đây. Lại thở dài.
Bỗng có tiếng chuông nhà thờ vang lên. Tất cả lắng tai. Có bảy tiếng chuông. Đó là chuông báo tử. Chồng chị đã chết! Ai cũng biết kẻ chết, kể cả Đức Giám Mục ở xa cũng biết vì được kể cho nghe về kẻ đầy tai tiếng này. Ngài cảm thương cho cả gia đình chị và cầu nguyện cách đặc biệt cho anh.
Bình thường thì khi nghe tiếng chuông ấy, người ta sẽ chỉ nghĩ thoáng qua về việc mình sẽ đi dự thêm một đám tang nữa để phân ưu cùng tang quyến. Nhưng trong trường hợp này, ai cũng cảm thấy bỗng ngần ngại vì kẻ chết khi sống chẳng ra gì, chẳng được lòng ai, chán đời bỏ đạo, gương mù gương xấu đủ loại. Có gì tốt đẹp đâu để lưu luyến tiếc thương. Thôi khỏi, đi làm gì, vô tình mình lại góp phần cổ võ cho cái xấu. Quyết định vậy cho khỏe! Nhưng, bất chợt xuất hiện một sự ‘khó chịu’ không hề nhẹ. Sự khó chịu này không đến từ người vợ bất hạnh đang chết lặng đi. Có một ông chồng tồi tệ như thế thì chị chẳng còn dám nghĩ đến bất cứ một ân huệ nào từ bất cứ ai nữa. Sự khó chịu ấy đến từ một ý nghĩ bỗng len lỏi trong tâm trí người không muốn đi đưa đám kẻ tai tiếng: “Nhưng mình là một người có đạo mà! Có đạo thì phải…Tin Mừng!” Ái chà, đúng là khó chịu quá đi!
Có mấy người bắt đầu quay nhìn về phía góc khuất nhà thờ vì từ đó xuất phát một âm thanh gì như là tiếng thút thít của con nít. Đứa con út của chị đang ôm chặt mẹ sụt sịt. Đúng là con nít vô duyên, đang lúc nghiêm trang như thế mà chẳng kiềm chế được cảm xúc. Biết thế, nhưng biết làm sao. Con nít mà! Con nít hay vô duyên vì chúng vô tư. Thấy mọi người nhìn, người mẹ ôm chặt con, gượng đưa tay ra hiệu cho con đừng khóc nữa mà lòng nhói đau. Nhưng, tiếng thút thít hình như càng to hơn. Con nít có những cơn khóc phải khóc hết cơn thì mới nín được. Chị đành đứng dậy ôm con ra ngoài nhà thờ cho khỏi chia trí mọi người. Đức Cha và đoàn mục tử nhìn thấy mẹ con chị. Chạnh lòng thương lắm!
+++
Thánh Lễ kết thúc. Đông đảo bà con xếp hàng tiễn ông cố đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Chị không tiễn ông cố được. Vừa gạt nước mắt chị vừa nắm tay con đi về xóm nghèo.
Trống kèn lại trổi vang lên bài ca phục sinh. Đoàn người từ từ tiến bước về phía nghĩa trang. Nghe kèn trống rộn rã thì con nít bỗng quên cả khóc. Dù được mẹ nắm tay dẫn đi, nó vẫn cố ngoái lại nhìn đoàn người. Khi họ đã khuất tầm mắt, nó hồn nhiên hỏi mẹ với một ánh mắt long lanh hi vọng:
“Mẹ ơi, mai mốt Đức Cha cũng đến làm Lễ cho bố như hôm nay phải không mẹ?”
Trẻ con đã hết khóc. Bây giờ đến lượt người lớn. Chị khựng lại. Ngồi sụp xuống. Ôm chặt lấy con. Nức nở. Thằng bé thấy nước mắt mẹ tuôn ra giàn giụa thì đưa tay muốn ngăn lại vì nó sợ. Nhưng con nít ơi, người lớn cũng có những cơn khóc phải khóc hết cơn thì mới nín được.
Giuse Việt