Vài tuần qua, trong giới Công giáo, có những ý kiến thảo luận, kể cả tranh cãi về việc Đức hồng y Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, kêu gọi các linh mục dâng lễ ad orientem, hướng về phía đông, tức là quay lưng với cộng đoàn thay vì đối diện với cộng đoàn như hiện nay. Điều này phải chăng cũng có nghĩa là trở lại với cách dâng lễ trước Công đồng Vaticanô II? Phải hiểu thế nào cho đúng?
Đúng là trong hội nghị về Phụng vụ thánh (Sacra Liturgia) được tổ chức tại Luân Đôn, Đức hồng y Sarah đã phát biểu: “Điều quan trọng là linh mục và giáo dân phải cùng quay về một hướng là hướng đông, hướng Chúa đang đến”. Dĩ nhiên đây chỉ là một gợi ý chứ không phải mệnh lệnh, tuy nhiên phát biểu này đã gây ra những phản ứng khác nhau, đồng thời khiến nhiều người hoang mang. Đây cũng là lý do cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, phải ra thông báo khẳng định “sẽ không có những chỉ thị mới về Phụng vụ cho Mùa Vọng tới, như một số người đã suy diễn từ những lời của Đức hồng y Sarah”.
Như thế, điều phải khẳng định trước hết là sẽ không có gì thay đổi trong cách dâng lễ, như phát ngôn viên Tòa Thánh đã nói. Từ khi thi hành sứ vụ Thánh Phêrô, mỗi năm ít là một lần, Đức giáo hoàng Phanxicô cũng làm lễ ad orientem, quay về hướng Đông, tại nhà nguyện Sistine, trong ngày ngài rửa tội cho con cái của các nhân viên làm việc ở Vatican. Ngài cũng dâng lễ bằng tiếng La tinh trong một số dịp, chẳng hạn trong những chuyến viếng thăm mục vụ ở nước ngoài. Tuy nhiên ngài hoàn toàn ủng hộ những cải cách của Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Phụng Vụ thánh Sacrosanctum Concilium. Vào tháng 3 năm 2015, khi cử hành lễ kỷ niệm 50 năm Thánh Lễ đầu tiên được cử hành bằng tiếng Ý, ngài đã nói việc cho phép các linh mục dâng lễ bằng tiếng địa phương hơn là tiếng La tinh đã giúp các tín hữu hiểu biết Lời Chúa và được khích lệ hơn: “Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì những điều Ngài đã làm trong Hội Thánh trong 50 năm canh tân phụng vụ… Đây thực sự là hành động can đảm của Hội Thánh để lôi kéo người dân đến gần Chúa hơn, để họ hiểu được những gì mình đang làm”. Trong lần đến thăm Bộ Phụng Tự, Đức giáo hoàng Phanxicô cũng nói rõ ràng: thể thức thông thường khi dâng lễ là thể thức được quy định trong Sách Lễ Rôma do Đức Phaolô VI ban hành, nghĩa là sau Vaticanô II. Còn cách thức dâng lễ được Đức Bênêđictô XVI cho phép với một số điều kiện trong Tông sắc Summorum Pontificum được coi là thể thức “ngoại thường”, và không nên lấy cái ngoại thường thành luật chung.
Vậy, nên hiểu thế nào về lời phát biểu của Đức hồng y Sarah? Cần phải đặt lời phát biểu này trong toàn bộ văn mạch bài thuyết trình của ngài, mang tựa đề Hướng đến việc thực thi đúng đắn Hiến chế Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium. Trong bài này, trước hết Đức hồng y Sarah nhắc lại những ý hướng chính của các nghị phụ khi bàn về việc canh tân phụng vụ; tiếp đó ngài nói đến những hoa trái Hiến chế Phụng Vụ đem lại cho đời sống Giáo Hội, tuy nhiên ngài cũng than phiền về nhiều cách giải thích và áp dụng sai tinh thần của Hiến chế, gây nên những xáo trộn và hậu quả tiêu cực trong đời sống đức tin của các tín hữu. Ngài nhấn mạnh: “Phụng vụ không phải là về anh chị em hay tôi, không phải là chỗ để chúng ta thể hiện căn tính hay tài ba của mình… nhưng phụng vụ trước hết và trên hết là về Thiên Chúa và những điều Ngài làm cho chúng ta”. Rồi ngài nhắc lại lời của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XI: “Nếu Phụng vụ xuất hiện trước hết như công việc và hoạt động của chúng ta, thì điều thiết yếu nhất đã bị bỏ quên: đó là Thiên Chúa. Bởi lẽ Phụng vụ không phải là về chúng ta nhưng là về Thiên Chúa. Quên lãng Thiên Chúa là mối nguy lớn nhất trong thời đại chúng ta”.
Hiểu như vậy, điều mà Đức hồng y Sarah quan tâm là làm sao cử hành phụng vụ phải đặt Thiên Chúa trên hết, phải thể hiện “phẩm chất cao quý của cử hành Thánh Thể, để diễn tả cách xứng hợp thái độ tôn kính và thờ phượng đối với mầu nhiệm Thánh Thể”. Đây chính là điều người Công giáo nói chung và các linh mục nói riêng, phải quan tâm. Càng sống trong thời đại tục hóa, chúng ta càng cần phải khơi dậy, giữ gìn, vun trồng cảm thức thánh thiêng nơi các tín hữu, nhất là tại những nơi thánh như nhà thờ và trong những việc thánh như khi cử hành Thánh Lễ và các bí tích. Phải dâng lễ thế nào để khơi dậy tâm tình thờ phượng trong cộng đoàn phụng vụ? Phải sắp xếp nhà thờ ra sao để nuôi dưỡng cảm thức thiêng thánh nơi người tín hữu khi đến nhà thờ? Phải giáo dục đức tin ra sao để vun trồng cảm thức thiêng thánh nơi thiếu nhi và giới trẻ? Đó là những câu hỏi mà các linh mục cần quan tâm trong sứ vụ thánh hóa Dân Chúa.
Ngày 14.07.2016
Người Mỹ Tho