THÁNG MÂN CÔI
Truyền thống Giáo Hội vẫn dành Tháng Mười làm Tháng Mân Côi, cách riêng năm nay, tại Việt Nam, các tín hữu lại được mừng trọng thể lễ Mân Côi vào Chúa nhật đầu tháng 10.
Nói đến Tháng Mân Côi, không thể không nói đến việc lần chuỗi Mân Côi. Các vị giáo hoàng ở mọi thời đều khuyến khích việc lần chuỗi, tuy nhiên phải nhìn nhận một thực tế là ngày nay, nhiều người Công giáo, nhất là người trẻ, không còn lần chuỗi Mân Côi nữa. Lý do đưa ra thường là việc đạo đức này vừa mất giờ vừa nhàm chán vì có một câu kinh mà lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần. Thế nhưng chính lập luận này lại thúc đẩy chúng ta khám phá lại ý nghĩa của phương pháp cầu nguyện này.
Từ xa xưa, trong nhiều tôn giáo, đã có hình thức cầu nguyện bằng cách niệm kinh, lặp đi lặp lại một câu kinh, chẳng hạn “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con”. Phương pháp đó có giá trị đặc biệt nên vẫn tồn tại trong thời đại ngày nay, dù có thể mặc lấy một bộ mặt mới. Thí dụ, trong phương pháp cầu nguyện của cộng đoàn Taizé, người ta hát đi hát lại một câu kinh “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến”, hoặc lời thân thưa của người trộm lành với Chúa Giêsu: “Khi Ngài vào Nước của Ngài, xin nhớ đến con”.
Phương pháp cầu nguyện này nhấn đến khía cạnh chiêm niệm hơn là suy niệm, nghĩa là nhấn mạnh đến “tâm” hơn “trí”. Việc lặp đi lặp lại một câu kinh ngắn, cùng với việc lần chuỗi trên tay, sẽ giúp tâm hồn ta đi vào tĩnh lặng (tâm-thân-khẩu), đặt mình trong sự hiện diện của Chúa, sống với Chúa, cảm nghiệm về Chúa hơn là suy nghĩ về Ngài.
Trong cõi tĩnh lặng của tâm hồn, chuỗi Mân Côi sẽ dẫn ta vào nẻo đường của lòng thương xót là đường Chúa Giêsu đã đi. Cách cụ thể, chuỗi Mân Côi giúp ta nhớ lại những biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời Chúa Giêsu, những biến cố mà Mẹ Maria cũng có mặt: từ thời ẩn dật ở Nazarét (năm sự vui), đến thời hoạt động công khai (năm sự sáng), đến cuộc thương khó của Chúa (năm sự thương), cuối cùng là mầu nhiệm phục sinh và Thăng thiên (năm sự mừng).
Chuỗi Mân Côi ôn lại tất cả những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế, nhưng sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả những biến cố đó chính là tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại tội lỗi. Đó là tình yêu “đi đến cùng” (Ga 13,1), đến cùng không gian, đến cùng thời gian, đến cùng sự tận hiến, nhờ đó cả nhân loại được cứu thoát.
Một khi cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót của Chúa thì cùng với Mẹ Maria, chuỗi Mân Côi giúp ta tập “mang trong lòng những tâm tư của Chúa” (Phil 2,5), những tâm tư của lòng thương xót: khiêm nhường, khó nghèo, thương người, biết ăn năn sám hối, chịu sỉ nhục vì Danh Chúa, vác thánh giá theo Chúa, nhờ đó được chia sẻ ơn phục sinh với Chúa.
Trong cuộc sống tràn ngập tiếng động bên ngoài và cả những ồn ào bên trong như ngày nay, hơn bao giờ hết chúng ta cần có sự bình an trong tâm hồn, để có thể trở thành khí cụ bình an. Chuỗi Mân Côi là phương thế hiệu nghiệm giúp ta đón nhận sự bình an đó. Hãy thử và sẽ biết.
Ngày 02.10.2016
Người Mỹ Tho