Chỉ còn ít ngày nữa, Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ long trọng cử hành nghi thức tuyên thánh cho Mẹ Têrêxa Calcutta. Chắc chắn sẽ có rất nhiều hoạt động tôn vinh vị thánh được xưng tụng là “mẹ của người nghèo”. Trong dịp này, tôi đọc lại diễn văn của Mẹ Têrêxa khi lãnh giải Nobel Hòa Bình năm 1997 tại Oslo, Na Uy, và gặp được ở đó những câu chuyện nhỏ nhưng thú vị và sâu sắc.
Mẹ Têrêxa kể lại chuyến viếng thăm của một phái đoàn gồm 14 giáo sư từ Hoa Kỳ đến tận Calcutta, để tận mắt chứng kiến những việc bác ái của Mẹ và hội dòng Mẹ sáng lập nhằm phục vụ người nghèo. Cuối cuộc viếng thăm, một giáo sư hỏi: Xin Mẹ nói với chúng tôi một điều thôi để chúng tôi có thể nhớ và thực hành. Mẹ Têrêxa trả lời: Hãy bắt đầu từ gia đình, hãy mỉm cười với nhau, hãy dành thời giờ cho nhau. Vị giáo sư hỏi lại: Thế Mẹ có kết hôn không? Chắc ông nghĩ vì Mẹ Têrêxa không kết hôn nên không biết đến những khó chịu, bực bội hằng ngày trong đời sống hôn nhân, gia đình. Không ngờ Mẹ Têrêxa nói: Có chứ! Tôi kết hôn với Chúa Giêsu và nhiều khi tôi thấy rất khó để mỉm cười với Chúa vì Ngài đòi hỏi nhiều quá!
Bằng câu trả lời dí dỏm đó, Mẹ Têrêxa trình bày đời tu là bước theo Chúa Giêsu và gắn bó mật thiết với Người đến nỗi nên một với Người như trong đời sống vợ chồng. Đồng thời việc bước theo Chúa không phải là chuyện dễ dàng vì Ngài đòi hỏi rất cao đến nỗi một vị thánh khác phải kêu lên, “Con biết mà, con biết Chúa ít bạn lắm vì Chúa đòi hỏi nhiều quá”. Thế nhưng đó chính là tình yêu Chúa dành cho những ai yêu mến Ngài. Không phải một tình yêu dễ dãi, nặng cảm tính, nhưng là tình yêu làm cho chúng ta nên tinh tuyền, thánh thiện, không tì ố, không vết nhăn hoặc bất cứ khuyết điểm nào (x. Eph 5,27). Tình yêu đích thực luôn hàm chứa trong nó những hi sinh, và chân lý đó được áp dụng cho mọi thứ tình yêu: vợ chồng, cha mẹ và con cái, cộng đoàn Giáo Hội, xã hội. Ngày nay người ta nói đến tình yêu nhiều nhưng lại không chấp nhận hi sinh, nên nhiều khi cái gọi là tình yêu chỉ là mỹ từ che giấu bên trong những tính toán ích kỷ và ham muốn chiếm đoạt, dẫn đến nhiều hậu quả bi thảm trong đời sống gia đình cũng như xã hội.
Một câu chuyện khác. Có người đến báo cho Mẹ Têrêxa biết về một gia đình rất nghèo, một bà mẹ với tám đứa con, nhiều ngày nay không có gì ăn. Mẹ Têrêxa vội mang theo ít gạo đến thăm gia đình đó, những người theo Ấn giáo. Vừa nhận được chút gạo, bà mẹ chia ra làm hai phần rồi đi ra ngoài. Lát sau bà về, Mẹ Têrêxa hỏi bà đi đâu vậy. Bà nói, con mang chút gạo đến cho gia đình theo đạo Hồi ở gần đây, họ cũng đang đói. Mẹ Têrêxa ngỡ ngàng.
Hãy nhìn vào thực tế hôm nay. Có nhiều người giàu đến mức “nứt khố, đổ vách”, ăn cả đời không hết nhưng vẫn tiếp tục tích lũy, vơ vét, nhiều khi vơ vét bằng những hành động gian ác và bất công. Thế mà bà mẹ nghèo này, cả nhà không có cơm ăn, vậy mà mới có chút gạo lại đem chia sẻ. Tâm hồn ai đẹp hơn ai? Có nhiều người nghèo nhưng tâm hồn họ đẹp biết bao! Chúa Giêsu chẳng ca tụng bà góa nghèo đã bỏ vào thùng tiền đền thờ “tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” đó sao? (x. Ga 21,1-4). Sau này, khi mỗi người đến trước mặt Chúa, Ngài sẽ ngắm nhìn vẻ đẹp thân xác hay nét đẹp tâm hồn của ta? Trong thời đại ngày nay, người ta quá đề cao và chăm chút vẻ đẹp thân xác mà không vun đắp nét đẹp tâm hồn, nên cuộc sống ngày càng thiếu vắng tình yêu.
Những bài diễn văn của Mẹ Têrêxa không nặng tính lý luận cũng chẳng chứa đựng những từ ngữ cao siêu. Chỉ là những kinh nghiệm và những mẩu chuyện nho nhỏ trong đời phục vụ, nhưng lại có giá trị thức tỉnh tâm hồn nhiều người. Thực sự, Mẹ đã làm thức tỉnh thế giới bằng chính cuộc sống yêu thương và phục vụ của mình.
Người Mỹ Tho