Trang mạng Aleteia gặp cháu của bác sĩ đã gợi hứng cho nữ điện ảnh gia Anne Fontaine làm phim “Các Nữ tu trong trắng” (Les Innocentes).
Aleteia: Trong phim, nữ điện ảnh gia Anne Fontaine vẽ chân dung dì của ông như một phụ nữ vô thần và xuất thân từ một gia đình cộng sản. Như thế có đúng với ngoài đời không?
Philippe Maynial: Không, thật sự dì của tôi không cộng sản cũng không vô thần. Kịch bản đòi hỏi có một vài sửa đổi. Tôi đã xem phim này nhiều lần, tôi đã trao đổi với nữ điện ảnh gia Anne Fontaine, bà muốn bằng mọi giá, hai nhân vật chính, Mathilde – tên đặt cho nhân vật Madeleine Pauliac – do nữ diễn viên Lou de Laâge đóng và bác sĩ trưởng – một nhân vật hư cấu do nam diễn viên Vincent Macaigne đóng – sẽ không can thiệp vào các nữ tu, vì như thế sợ có liên hệ về mặt tôn giáo. Bà bảo vệ đường hướng “kịch bản” có thể bảo vệ được: sự can thiệp của Madeleine nhất thiết không do động lực bác ái, tội nghiệp, thương hại hay tôn giáo, sợ cuốn phim vì thế có bầu khí lê thê lướt thướt.Sau khi nghe lập luận của đạo diễn, cuối cùng tôi đồng ý với bà. Chỉ ý thức bổn phận mới có thể là động lực cho quyết định hành động của bà. Lúc đó, tôi phải thú nhận là tôi rất bứt rứt, nhưng cũng là tác giả, nên tôi tự cấm không được có một nhận xét nào. Tôi đã bán bản quyền câu chuyện này, vậy thì họ có toàn quyền sửa đổi nếu họ thấy cần. Vai trò của tôi là bảo vệ sự sáng tạo.
Đời sống dì Madeleine Pauliac của ông như thế nào?
Mẹ tôi và dì Madeleine được bà ngoại tôi nuôi, ông ngoại Roger đã chết năm 1916 ở Verdun. Năm 1939, khi chiến tranh bùng nổ dì mới 27 tuổi, dì là bác sĩ, chuyên gia về cổ họng. Mẹ tôi kể, dì là chuyên gia lành nghề. Phải hiểu là bác sĩ chỉ mở cuống họng để đặt ống khi bệnh nhân ngộp thở. Và làm trên trẻ em thì phải giỏi và phải có máu lạnh. Trong thời gian nước Pháp bị Chiếm đóng, bà vào lực lượng Kháng chiến, bà lo cho các lính nhảy dù đồng minh và tiếp tế cho các du kích.
Khi Giải Phóng, bà giữ chức trung úy và gặp Đại tướng de Gaulle, ông gởi bà đi Matxcơva, bà đứng đầu đặc vụ hồi hương các người Pháp còn ở lại trên đất Xô viết. Bà cũng đứng đầu Hội Chữ Thập Đỏ đặc trách toàn nước Ba Lan. Một vài báo cáo của các phụ nữ đi theo dì tôi, họ gọi các phụ nữ này là đại đội xanh, các bà đi thăm tổng cộng hơn 200 trại, phần lớn là các trại tập trung và đi không dưới 40.000 cây số. Trung bình họ đi 700 cây số để gom nhặt người Pháp bị lạc chỗ này, chỗ kia, họ đi cả ngày cả đêm.
Trong phim, giai đoạn nào trong đời của dì ông là giai đoạn mạnh nhất?
Một trong những giai đoạn gian nan nhất của dì Madeleine Pauliac là khi ở Nga. Cả đoàn công-voa Chữ Thập Đỏ bị quân đội Xô viết bắt lại, tất cả nhân viên kể cả dì tôi đều bị tù. Trong một cố gắng cuối cùng để thoát khỏi nơi này, dì Madeleine Pauliac buộc phải nói với cấp cao nhất. Khi đứng trước viên sĩ quan phụ trách đặc vụ, dì cho họ biết, một trong các anh em họ của dì là một trong các anh hùng của tiểu đội danh tiếng Normandie-Niemen, một đội quân biệt kích nổi tiếng của Pháp được Đại tướng de Gaulle gởi ra mặt trận phía Đông. Dì tôi ghi trong sổ, câu chuyện dựng đứng này đã cứu họ, vì may mắn, viên sĩ quan Nga cũng ở trong đội quân danh tiếng này và ngay lập tức ông cảm thấy mình mắc ơn. Câu chuyện này được ghi lại một cách tương tự khi Lou de Lâage làm cho binh lính xâm chiếm tu viện biết, tu viện đang bị nhiễm vi trùng thương hàn.
Được biết, trong thực tế không phải là một bác sĩ Do thái tháp tùng dì nhưng là một linh mục…
Đúng, đó là cha Belliard. Dì tôi ghi lại trong một bản báo cáo như sau:
Tôi phải kể, cha Belliard bị tù, được thả nhưng cha tự nguyện ở lại cho đến khi di tản xong các bệnh nhân ở vùng Torun. Cha biết họ, cha đi tìm họ, cha đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để an ủi họ, nhờ cha mà nhiều người bệnh được nhanh chóng tìm thấy và được hồi hương. Cha tận tâm tận tụy hết lòng với bệnh nhân.
Người ta không biết cha làm gì mà bị người Đức bắt tù. Điều chúng tôi biết chắc, là cha dứt khoát không muốn về Pháp mà đi theo dì tôi đến cùng trong đặc vụ của dì. Cha dâng thánh lễ bất cứ lúc nào, trên đường đi, ngoài trời, trong đống gạch đỗ nát. Thật sự có một sự hòa hợp giữa cha, các nữ y tá và dì Madeleine. Cha đã giảng một bài giảng huy hoàng trong tang lễ của dì tôi:
Bác sĩ Pauliac phục vụ ở đó cho vinh quang cao cả nhất của nước Pháp, vinh quang được yêu thương và yêu thương nước Pháp, mang lại cứu cấp về vật chất cũng như tinh thần cho những người, không phân biệt quốc tịch, rằng đau khổ và thù nghịch, tất cả đều cùng bị một cách đau đớn.
Bà chết như thế nào?
Trong những tháng cuối đời, dì Madeleine bị tai nạn xe khi xe cứu thương đi trên một chiếc cầu bị cắt. Bà bị chấn thương sọ não nặng. “Mẹ tôi nói, Madeleine Pauliac dù bị vỡ não vẫn tiếp tục giải phẫu ngày đêm”, một trong các người cháu của một nữ y tá đi theo dì vừa kể cho chúng tôi nghe.
Nhiều tháng sau, ngày 13 tháng 2-1946, dì chết thảm khốc khi dì đi trên xe của tòa đại sứ Paris ở Varsovie để đến bệnh viện. Có hai giả thuyết: một cho rằng xe trượt vì băng tuyết và tông vào một cây; một xác nhận chiếc xe bị mìn. Tất cả ngoại giao đoàn đều dự tang lễ của dì ở Ba Lan. Mùa hè sau đó, thi thể của dì được đưa về Pháp và chôn ở nghĩa trang Villeneuve-sur-Lot trong một buổi lễ thật long trọng.
(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 01.03.2016/
aleteia.org, Arthur Herlin, 2016-02-20)