Trong tháng 9 tới đây ĐTC mời gọi chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho các giáo xứ, để được linh hoạt bởi tinh thần truyền giáo, chúng là các nơi hiệp thông đức tin và làm chứng cho tình bác ái.
Có lẽ không có tôn giáo nào trên thế giới có các cấu trúc chặt chẽ và sinh động như Giáo Hội Công Giáo, trong đó giáo xứ là đơn vị nhỏ nòng cốt. Trên bình diện toàn cầu Đức Giáo Hoàng là thủ lãnh Giáo Hội, với Hồng Y Đoàn, gồm một số Hồng Y làm Tổng trưởng các Bộ và cơ quan trung ương Toà Thánh cộng tác với Đức Giáo Hoàng trong việc cai quản Giáo Hội công giáo hoàn vũ. Các Hồng Y khác là cố vấn của các cơ quan trung ương. Ngoài ra từ thời Đức Phanxicô còn có Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn cho việc cải tổ các cơ quan trung ương Toà Thánh. Thế rồi còn có Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới để bàn về các vấn đề quan trọng trong Giáo Hội và đóng góp ý kiến cho Đức Giáo Hoàng. Trên bình diện quốc gia, mỗi nước có một Hội Đồng Giám Mục bao gồm các Giám Mục chủ chăn của mọi giáo phận, với Ban Thường Vụ gồm vị chủ tịch, các phó chủ tịch và chủ tịch nhiều uỷ ban khác nhau đặc trách các công việc của Giáo Hội địa phương. Nhiều giáo phận họp thành một giáo tỉnh. Chẳng hạn Giáo Hội Việt Nam hiện có ba giáo tỉnh là Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Mỗi giáo phận đều có Cha chính giáo phận và hội đồng linh mục cộng tác với Đức Giám Mục trong việc điều hành giáo phận. Mỗi giáo phận bao gồm nhiều giáo xứ, có khi lên đến mấy trăm khi đó là giáo phận lớn như Xuân Lộc và Sài Gòn. Nhiều giáo xứ họp thành một giáo hạt có cha hạt trưởng, và mỗi giáo xứ có một cha xứ. Giáo xứ lớn có nhiều nhu cầu và sinh hoạt đôi khi có thêm một hay nhiều cha phó. Khi có nhân lực dồi dào nhiều giáo xứ lớn có tới mấy cha phó đặc trách nhiều lãnh vực khác nhau như mục vụ các hội đoàn, mục vụ gia đình, mục vụ giới trẻ vv… Mỗi giáo xứ đều có hội đồng mục vụ gồm một số anh chị em giáo dân được bầu lên để giúp cha xứ trong việc tổ chức cuộc sống giáo đoàn.
Ở những nơi đâu quyền tự do tôn giáo được tôn trọng Giáo Hội còn có nhiều cơ sở hoạt động khác nữa như các nhà trẻ, các trường trung tiểu học, nhà thương, trạm phát thuốc, nhà dưỡng lão, viện cô nhi, nhà khuyết tật, trung tâm bác ái, trung tâm cai nghiện, trung tâm huấn nghệ, trung tâm dành cho các bà mẹ độc thân, cư xá sinh viên học sinh vv… Tất cả đều do các linh mục, tu sĩ các dòng tu, các hiệp hội đời thánh hiến và anh chị em giáo dân thiện nguyện hoặc thuộc các hiệp hội và hội đoàn khác nhau điều khiển dưới sự hướng dẫn của cha xứ và hội đồng mục vụ. Mỗi giáo xứ cũng thường có nhiều hội đoàn khác nhau, mỗi hội đoàn đều có các mục đích riêng với các đặc sủng riêng: chẳng hạn như hội các Bà mẹ công giáo, hội Đạo binh Đức Mẹ Legio Mariae, hội Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, hội Mân Côi, hội Tôn Vương gia đình, hội Thiếu nhi Thánh Thể, hội Hùng tâm dũng chí, hội Hướng đạo sinh công giáo, hội Thăng tiến hôn nhân, hội hát, hội giúp lễ, hội dâng hoa, hội trống, hội trắc, hội kèn, các nhóm chia sẻ Lời Chúa, hội gia đình trẻ, hội Thanh sinh công, đoàn thanh niên công giáo, đoàn thanh nữ công giáo, hội sinh viên công giáo, hội quân nhân công giáo vv…
Mục đích của tất cả mọi hội đoàn là khích lệ cuộc sống đạo của tín hữu thuộc mọi lứa tuổi, liên đới chia sẻ với nhau mỗi người tuỳ theo sở thích, nhu cầu và lãnh vực sinh hoạt tinh thần thiêng liêng mình ưa chuộng. Cũng còn có những hội như hội đọc kinh cho những người đã qua đời, hội thăm viếng người già và các bệnh nhân, khuyên nhủ những người khô khan nguội lạnh sống bê tha và xa Chúa. Nhiều sinh hoạt này cũng thường xuyên được các thành viên hội Đạo binh Đức Mẹ chia nhau đảm trách gọi là đi làm công tác tông đồ.
Hội đọc kinh Tôn Vương gia đình gồm nhiều nhóm gia đình quy tụ lại với nhau và đến nhà nhau đọc kinh mỗi thứ sáu đầu tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Hội Mân Côi cũng thế. Tượng Đức Mẹ Fatima được rước đến từng gia đình một và trong suốt tuần các gia đình khác đến tụ tập đọc kinh lần hạt kính Đức Mẹ. Sau đó ăn bành, uống trà, chía sẻ trao đổi kinh nghiệm sống và các tin tức với nhau, để liên đới an ủi khích lệ nhau. Các nhóm chia sẻ Lời Chúa thì thường xuyên gặp gỡ nhau trong các cơ sở của giáo xứ hay tại tư gia của các thành viên để hát thánh ca, đọc, suy niệm Thánh Kinh và chia sẻ các suy tư và kinh nghiệm sống với nhau dựa trên sứ điệp Lời Chúa.
Mỗi một hội doàn đều có các sinh hoạt riêng theo tôn chỉ và mục đích của hội. Nhưng tất cả đều nhắm mục đích khích lệ nhau sống đạo và nâng đỡ nhau trong cuộc sống thường ngày rất thường khi cả trên bình diện chía sẻ vật chất cho nhau, đặc biệt đối với các thành viên có hoàn cảnh sống khó khăn. Cũng thường xảy ra là trong các lần sinh hoạt như thế các thành viên giúp nhau giải quyết nhiều vấn đề cụ thể, kể cả giới thiệu và kiếm công ăn việc làm cho nhau, hay cho nhau công ăn việc làm.
Một trong các thí dụ khuyến khích nhau sống đạo đó là gương của các em thành viên hội Thiếu Nhi Thánh Thể, trong các thập niên 1950-1970 trong miền nam. Mỗi sáng các đội trưởng đội phó thức dậy rất sớm và đến từng nhà các đội viên để gọi nhau đi tham dự Thánh Lễ hay đi đọc kinh. Tinh thần sống đạo đó được cổ võ ngay từ ngày còn bé khiến cho các em sau này lớn lên có được nhiều ý thức và thói quen sống đạo và khi lớn hơn nữa tham gia tích cực vào cuộc sống và các sinh hoạt của giáo xứ.
Quả thế, chính các hội đoàn và các sinh hoạt đa diện của các nhóm và các hiệp hội làm thành sức sinh động của một giáo xứ và ảnh hưởng trên cuộc sống của mọi thành phần giáo xứ. Mỗi khi cần tổ chức các sinh hoạt lớn trên bình diện giáo xứ hay giáo phận, như trong các trường hợp xảy ra tai ương thiên nhiên cần cứu trợ các nạn nhân, thì Đức Giám Mục và các cha xứ huy động nhân lực từ các hội đoàn trong các giáo xứ. Và các cuộc quyên góp liên đới cứu trợ đã luôn luôn thành công.
Tình hình xã hội tục hoá tiêu thụ hưởng thụ làn tràn khắp nơi trên thế giới hiện nay có thể đã khiến cho các cơ cấu và sinh hoạt này trong các giáo xứ suy yếu nhiều. Nhưng cũng chính vì thế trong tháng 9 tới đây ĐTC mời gọi chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho các giáo xứ, để được linh hoạt bởi tinh thần truyền giáo, chúng là các nơi hiệp thông đức tin và làm chứng cho tình bác ái.
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 27.08.2017)