Cầu nguyện cho các nạn nhân trẻ em trong vụ đánh bom nhà thờ

Các vụ tấn công ở Indonesia gia tăng khiến các chuyên gia nghĩ có đường dây liên hệ với nhóm Hồi giáo thánh chiến quốc tế

child-victim.jpg
Hơn 100 người thuộc các nhóm khác nhau tham gia buổi canh
thức tại Jakarta hôm 14-11, cầu nguyện cho các nạn nhân
trong vụ đánh bom xăng tại nhà thờ Tin lành. Ảnh: ucanews.com

Những ngọn nến nhấp nháy trong gió ở Jakarta hôm 14-11, khi hơn 100 người thuộc các tôn giáo khác nhau tập trung cầu nguyện cho các trẻ em bị chết và bị thương trong vụ đánh bom xăng tại nhà thờ Tin lành trong thành phố Samarinda của Indonesia.

Johanda, một kẻ khủng bố bị kết án, đã ném một quả bom xăng vào nhà thờ Oikumene Hội Batak, trong lúc có một số trẻ em đang chơi đùa trong bãi đỗ xe hôm 13-11. Ba em bị bỏng nặng và bé Intan Ovivia Marbun, 2,5 tuổi, bị chết sau khi đưa đến bệnh viện.

Người dân tập trung tại Jakarta đốt nến, cầm hình bé Marbun và áp phích ghi các khẩu hiệu lên án hành động này và kêu gọi hòa hợp tôn giáo. Tại Samarinda người ta cũng tổ chức một buổi canh thức tương tự vào ngày 14-11.

“Chúng tôi tập trung nơi đây vì chúng tôi quan tâm các nạn nhân trẻ em và mong muốn đoàn kết chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố”, Imelda, người tham dự canh thức chỉ muốn cho biết tên gọi, phát biểu.

Olga Lidya, người mẫu và là nghệ sĩ Công giáo, cho biết cô tham dự đêm canh thức để cầu nguyện cho các nạn nhân và thủ phạm. “Tôi cầu nguyện xin Chúa làm mềm những trái tim đầy hận thù”.

Mục sư Henry Lokra, đại diện Hiệp hội các Giáo hội tại Indonesia kêu gọi người dân Indonesia không nên kích động về vụ này.

“Tình hình hiện nay rất đáng lo lắng, nhưng chúng ta hãy đoàn kết dù đang theo tôn giáo nào”, ông kêu gọi.

Lokra còn thúc giục chính quyền cải thiện chương trình phi cực đoan hóa được phát động sau các vụ đánh bom ở Bali năm 2002. Chương trình nhắm đưa những kẻ cực đoan trở về Hồi giáo chính thống.

Nhà nước Hồi giáo?

Đã có thêm nhiều vụ tấn công xảy ra sau vụ đánh bom trường học. Một kẻ tấn công không rõ danh tánh ném một quả bom xăng vào tu viện Phật giáo ở Singkawang và nhà thờ Công giáo Mục tử Nhân lành ở Malang nhận được các cuộc điện thoại đe dọa, cả hai đều xảy ra vào ngày 14-11.

Theo Nasir Abas, chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố và là cựu chiến binh Hồi giáo thánh chiến thuộc nhóm Jamaah Ismiyah, những người ủng hộ Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Indonesia, ước tính khoảng 2 triệu người, đang tìm thời điểm tốt nhất để tấn công.

IS trước đây chỉ nhắm vào người địa phương và người phương Tây nhưng hiện nay đang nhắm vào Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác. “Kitô hữu cũng là mục tiêu của IS”, Nasir phát biểu với ucanews.com.

Hendardi thuộc Viện Dân chủ và Hòa bình Setara nói vụ tấn công ở Samarinda cho thấy sự bất khoan dung tôn giáo đang được các tay súng Hồi giáo thánh chiến khai thác.

“Chính quyền cần đẩy mạnh và đề ra một chính sách toàn diện để giải quyết các vụ bất khoan dung có khả năng biến thành các phong trào cực đoan”, ông nói trong thông cáo.

(UCAN 16.11.2016)