Bạn Phạm Thị Hoa hỏi:
Kính cha ! Mới đây, mẹ con đem bà ngoại con sắp qua đời về nhà con để làm tang lễ cho bà.Nhưng khi bà ngoại chết, gọi cha xứ ở giáo xứ con làm phép xác cho bà ngoại ngài không chịu đi.Con nghe đâu lý do ngài đưa ra là bà ngoại con không sống ở xứ này,ở mãi tận đâu chứ không phải thuộc quyền của ngài, tự dưng đem về đây làm mất công ngài.Nghe thấy vậy gia đình con cũng mời một cha quen đến làm các phép xác và tẩm liệm cũng như dâng một thánh lễ tại gia.Cuối cùng mọi sự cũng xong. Con xin hỏi khi mẹ con đem bà ngoại về giáo xứ con tổ chức tang lễ mẹ con có sai gì không theo luật Giáo Hội ?Và cha xứ của con không chịu đến nhà là vì lý do gì ?
Chị Hoa thân mến,
Để tiện việc tham khảo, tôi xin trưng dẫn cụ thể Giáo Luật điều 1177 hướng dẫn việc cử hành lễ an táng.
Điều 1177 §1 Thường lệ, lễ an táng cho một tín hữu quá cố phải cử hành tại nhà thờ giáo xứ của người ấy.
§2 Tuy nhiên, mọi tín hữu hay những người lo tang lễ cho tín hữu quá cố, được phép lựa chọn một nhà thờ khác để cử hành lễ an táng, miễn là được vị quản đốc nhà thờ đồng ý, và phải thông báo cho Cha Sở riêng của người quá cố biết.
§3 Nếu ai chết ở ngoài giáo xứ riêng, và thi hài không được đem về đó, cũng không có nhà thờ nào được chọn lựa hợp lệ để cử hành tang lễ, thì lúc đó phải cử hành lễ an táng tại nhà thờ của giáo xứ nơi người ấy chết, trừ khi luật địa phương chỉ định khác.
* Dẫn giải:
– Lễ an táng phải được cử hành tại nhà thờ giáo xứ vì người giáo dân có quyền được hưởng những ơn thiêng liêng trong giáo xứ của mình. Lễ nghi an táng có thể hiểu rộng: các Bí tích sau cùng, các nghi thức an táng, thánh lễ an táng, phần mộ nơi Đất Thánh của giáo xứ… Nếu không muốn nhận những đặc ân ấy, chúng ta có thể chọn một nhà thờ thuộc giáo xứ khác, tuy nhiên phải có sự chấp thuận của Linh mục phụ trách Giáo xứ ấy. Điều này cũng giả thiết rằng vị này có thể sẽ không chấp thuận. Sau khi được sự đồng ý của Linh mục phụ trách Giáo xứ, những người lo tang lễ còn phải thông báo cho cha xứ của người quá cố biết, lí do vì ngài có trách nhiệm với các tín hữu đã được trao phó cho ngài.
– Trong trường hợp này, giả như lúc mới đưa bà ngoại về khi chưa hữu sự, gia đình trình báo cho cha xứ biết, và ngỏ ý muốn ngài giúp đỡ các phần thiêng liêng cho bà cụ, thì tôi tin chắc cha xứ của chị, vì đức bác ái mục tử, sẽ không từ chối. Đàng này, khi bà ngoại của chị lâm sự, chị cho “gọi” cha xứ đến lo các phép cho bà ngoại chị, thì tôi cho rằng điều này là quá kém tế nhị.
– Cha xứ chị trong trường hợp này hoàn toàn không sai phạm Giáo Luật.
Mến chào,
Linh mục Giuse Ngô Quang Trung