Các linh mục này là nạn nhân của cuộc Cách Mạng Pháp. Mặc dù họ tử đạo trong thời gian khác nhau, nhưng được Giáo Hội mừng kính cùng một lúc vì tất cả đã hy sinh mạng sống với cùng một lý do. Hiến Chương Dân Sự về Tu Sĩ (1791) của nhà cầm quyền buộc tất cả các linh mục phải tuyên thệ những điều chung qui là chối bỏ đức tin. Họ đã từ chối và đã bị hành quyết.
John Francis Burté gia nhập dòng Phanxicô lúc 16 tuổi, và sau khi thụ phong linh mục, ngài dạy thần học cho các đệ tử sinh. Sau này, ngài là giám đốc tu viện lớn ở Balê cho đến khi ngài bị bắt, và bị giam trong tu viện dòng Camêlô.
Appolinaris Posat sinh năm 1739 ở Thụy Ðiển. Ngài gia nhập dòng Capuchin và nổi tiếng là một người thuyết giảng, một cha giải tội và nhà giáo dục các tu sĩ. Ðược sai sang Ðông Phương để truyền giáo, ngài đến Balê để học các ngôn ngữ Ðông Phương khi cuộc Cách Mạng Pháp bắt đầu. Từ chối không chịu tuyên thệ, ngài bị bắt và bị giam trong tu viện Camêlô.
Severin Girault, một người Dòng Ba, là tuyên uý cho một số các nữ tu ở Balê. Bị cầm tù với những người khác, ngài là người đầu tiên bị chết trong cuộc tàn sát ở tu viện.
Ba vị này cùng với 182 người khác – kể cả vài giám mục và nhiều linh mục dòng cũng như triều – đã bị thảm sát tại tu viện Camêlô ở Balê ngày 2 tháng Chín, 1792. Tất cả được phong Chân phước vào năm 1926.
John Baptist Triquerie, sinh năm 1737, gia nhập Ðan Viện Phanxicô. Ngài là tuyên uý và là cha giải tội cho các tu sĩ dòng Thánh Clara Khó Nghèo trong ba thành phố trước khi ngài bị bắt vì không chịu tuyên thệ. Cùng với 13 linh mục triều, ngài bị chém đầu ở Laval ngày 21 tháng Giêng 1794. Ngài được phong Chân phước năm 1955.
Lời Bàn
“Tự Do, Bình Ðẳng, Huynh Ðệ” là châm ngôn của cuộc Cách Mạng Pháp. Nếu mỗi cá nhân có “các quyền lợi không thể thay đổi”, như Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập khẳng định, thì những quyền này không thể xuất phát từ những thoả ước của xã hội (có thể rất mong manh) nhưng phải được phát xuất trực tiếp từ Thiên Chúa. Chúng ta có tin điều đó không? Chúng ta có hành động theo điều đó không?
Lời Trích
“Biến động xảy ra ở Pháp vào cuối thế kỷ 18 đã tàn phá mọi sự thiêng liêng và đã xúc phạm cũng như trút sự tức giận lên Giáo Hội và các mục tử. Những người vô đạo đức lên nắm quyền đã che đậy sự giận dữ Giáo Hội dưới chiêu bài triết lý lừa bịp… Dường như thời bách hại tiên khởi đã trở lại. Giáo Hội, nàng dâu không tì vết của Ðức Kitô, trở nên lộng lẫy với các triều thiên tử đạo” (Sử Liệu Tử Ðạo).