Chẳng lẽ em giận tôi?

Tình bạn của em với tôi đẹp thế, sâu xa thế, tại sao tôi gặp trắc trở? Em giận tôi. Nhìn về kí ức xa xăm, tôi quyết định phải sống cái hiện tại này. Lên đường như một hiệp khách hành, tôi lang thang đi tìm câu trả lời.

Bỏ làng tôi, sang làng bên, bầu không khí an bình tràn ngập. Nơi đây có chú Plato tốt lành và bạn Aristotle chí cốt. Chú Plato nhìn tôi hồi lâu: Có chuyện gì bất an hả? – Vâng, cháu đang buồn. – Chú thấy, tâm trí cháu vẫn tốt, tinh thần khá ổn, nhưng cảm xúc có vẻ hỗn loạn. – Sao chú biết hay vậy, chú học tâm lý à? – Chú cười: Chú sinh ra cái ngành ấy mà. – Cháu và cô bạn thân đang có chuyện. – Chú nheo mắt: Chắc hiểu lầm đôi chút thôi. Cháu nên đi thăm Aristotle, là bạn với nhau, có lẽ bạn ấy hiểu cháu hơn chú đấy! Có lẽ, chú muốn tình bạn của tôi cần có tính thực tế.

Hiểu ý chú, tôi đến nhà Aristotle. Anh đang cặm cụi nghiên cứu phân tích gì đó. Gặp tôi, anh vui tươi chào đón. Ôi, tình bạn thật ấm áp! Tôi biết tình bạn của chúng tôi chẳng dựa trên lợi ích, hay sở thích, mà dựa trên điều gì đó tốt lành linh thiêng. Anh lắng nghe tôi cách chăm chú, như thể đây là câu chuyện quan trọng nhất của anh. Không gian vô tận của hai cõi lòng đang trải ra, thì… anh hỏi: Cậu nhớ cụ Socrates không? – Nhớ chứ, cụ khôn ngoan nhất làng này, ai chẳng biết! – Cậu thấy dân làng này tốt không? – Tốt chứ, đây là ngôi làng tốt nhất tớ từng biết! – Thế mà họ kết án tử cho cụ. – Cậu biết đấy, bản tính con người là tốt lành, vậy mà người ta vì hiểu lầm vì tư lợi mà ghen tỵ… Dưới ánh lửa bập bùng trong đêm, tụi tôi nhỏ to tâm sự: Này cậu, tớ muốn lên thành phố một chuyến để thăm nhiều người bạn, để hiểu hơn về lòng người. Sáng tinh sương hôm sau, tôi lên đường hướng về thành phố. Tôi không quên ghé thăm cụ Socrates đang ở trong tù.

Trời nóng bức, người thấm mệt, cảnh xô bồ của thành phố hiện ra trước mắt. Người bạn đầu tiên tôi gặp là Machiavelli. Trông cậu ấy không như ngày xưa: ánh mắt là lạ, khá lạnh nhạt. Chưa kịp nói chuyện, cậu ấy đã thốt lên: Đời này toàn những kẻ ghen ăn tức ở! Cần phải có sức mạnh để trị cái bọn này. Tôi hỏi: Thế cậu có cần ai trị không? – Cần chứ, tao đang tức điên lên đây! Nếu tao mạnh hơn, tao đã xử hết bọn nó, nhưng vì yếu hơn nên tao chịu; mà nghĩ cũng phải: luôn cần có kẻ đứng đầu có đủ sức mạnh. – Còn đạo đức? – Tao không quan tâm, đó là việc riêng tư. Chỉ với cuộc trao đổi ngắn cùng ly trà đá, tôi chào tạm biệt người bạn xưa, vì dường như bạn không muốn tôi ở lâu thêm.

Qua nhiều con phố, tôi tìm đến anh Hobbes. – Này Hobbes, cậu đang làm gì đó? – Tôi nghĩ về một tình trạng không có luật lệ, không chính phủ. – Lạ vậy? – Hobbes lắc đầu: Cậu quê mùa quá, cậu vẫn nể phục mấy “bác nhà quê” Plato và Aristotle chứ gì! Cứ sống trong những cái thành phố lớn đi, rồi cậu sẽ biết. Con người khác lắm! – Khác là sao? – Hobbes khẳng định: Ai cũng ích kỷ, chẳng ai tốt hơn ai đâu. Nếu vô chính phủ, chắc người ta sẽ giết nhau hết thôi. Người ta chó má lắm, họ như những con sói cắn xé nhau. – Hobbes, cậu nói gì ghê thế? – Giải thích cho mà nghe: vì ai cũng ham sống, nhưng nếu họ cứ đánh nhau thì tất cả đều chết, nên để cùng sống, họ phải lập ra các thỏa thuận. Cậu đừng nghĩ cậu giỏi hơn tớ, tớ sẽ thuê người giỏi hơn để xử cậu. Tớ cũng đừng nghĩ tớ khỏe hơn cậu, cậu sẽ thuê người xử tớ. – Tôi ngạc nhiên: Ai cũng sống trong sợ hãi? – Hobbes đắc ý: Đúng vậy. – Tôi tiếp lời: Tôi đâu thấy tệ đến thế, cho dù có chiến tranh thế giới thứ nhất thứ hai, có bao nhiêu tội ác, nhưng còn đầy người tốt. – Hobbes nghiêng đầu: Cậu chưa hiểu lòng người rồi. Trong lòng, ai cũng thế thôi, ích kỷ và sợ hãi.

Quá say mê bàn luận, Hobbes và tôi quên mất sự hiện diện của Locke, cho tới khi bạn ấy lên tiếng vì “không chịu nổi” Hobbes. Locke nói: Tôi đồng ý với Hobbes là người ta xấu xa lắm, nhưng không đến nỗi như Hobbes nói. Bố mẹ và gia đình tôi đều là người tốt lành. Chúng tôi rất quan tâm và giúp đỡ nhau. Tuy nhiên, thú thật là các gia đình có tranh chấp về tài sản. Họ vừa muốn bảo vệ tài sản của mình, vừa muốn chiếm tài sản của người khác. Thế nên, họ cần hiệp ước để tránh chiến tranh. Tôi hỏi thêm: – Còn đạo đức? – Locke tỏ ra một sự thất vọng nhẹ: Đạo đức là chuyện riêng tư, còn đời sống chung là việc của chính trị.

Tôi ngạc nhiên về cả ba người bạn: Machiavelli, Hobbes, Locke. Họ đều nhìn tiêu cực về con người, và đề cao chính trị với các khế ước. Tôi tự nhủ: Đời sống đô thị phức tạp thế sao? Có thể có chính trị mà không màng đạo đức? Tôi thừa nhận, tôi cũng có những nết xấu như họ thấy, nhưng con người đâu chỉ có thế!

Thoáng buồn, sau ăn trưa với Hobbes và Locke, tôi rảo bước qua nhiều hàng cây để đến thăm anh Rousseau. Anh đón tôi với một khuôn mặt hiền lành nhưng không mấy vui. Rousseau cất nhẹ giọng: Bạn biết đấy, con người sinh ra ai cũng tốt, ai cũng tự do. Thế mà, cái xã hội này làm cho con người ra tệ hại, làm con người mất tự do. Khổ nỗi, con người không nhận ra là mình mất tự do. Họ cứ sống như những người nô lệ hạnh phúc vậy. – Bạn có thể nói rõ hơn? – Bạn thấy đấy, vì những cái xích bằng vàng, nên chúng ta lóa mắt chỉ thấy vàng mà không thấy đó là cái xích. – Ồ, đúng quá! Chúng ta có thể tự do? – Khó lắm, chỉ bớt nô lệ thôi, chẳng bao giờ hoàn toàn tự do. Thể chế này qua đi, thế chế khác tới, cái ách cũ và cái ách mới, khó có thể nói cái ách nào nhẹ hơn. – Bi quan quá! – Có lối thoát. Đó là khế ước xã hội. Nó sẽ giúp chúng ta tốt hơn, vì nó thể hiện ý muốn chung. Mỗi chúng ta đều tốt tự bản chất, nên ý muốn phổ quát của mọi người cũng tốt, khế ước có thể thay đổi nhưng ý muốn phổ quát thì không đổi. Chuyện trò hồi lâu, ánh mặt trời đã ngả bóng, tôi tạm biệt anh với tâm hồn miên man theo những tia nắng cuối ngày. Con người phức tạp thật!

Băng qua con đường nhỏ, tôi tiến về phía ngôi trường xa xa của thầy Aquinas. Xin gặp thầy, thật ngạc nhiên, tôi được mời vào. Kể cho thầy câu chuyện của tôi, thầy lắng nghe hồi lâu rồi nói nhỏ: Tình bạn của con thật tuyệt vì gắn với niềm tin sâu thẳm trong lòng người, vì hướng tới điều thiện hảo, nhưng tình bạn ấy cần thêm một chút gì đó. Một chút gì đó, con có thể cầu nguyện với bạn Giêsu, Người sẽ chỉ cho con. Ồ, Aquinas là người thật lạ! Mới gặp tôi, mà dường như ngài thấu tâm can tôi. Tạm biệt thầy, tôi đi tới nhà thờ gần đó.

Trời đã tối, nhà thờ im phăng phắc, không bóng người. Chìm trong cầu nguyện hồi lâu, tôi có thể nghe thấy âm thanh nhỏ. Hình như có ai đó đang cầu nguyện. Đi sâu vào bóng tối, tôi dần thấy tia sáng yếu ớt. Đúng rồi! Có một người trước tôi mấy hàng ghế. Người đó tiến về phía tôi. – Cha là Augustine. Con từ đâu tới? – Sao cha hỏi con thế? – Từ lâu lắm rồi, không có người tới nhà thờ vào giờ này, nên cha nghĩ con là người lạ. Mạnh dạn, tôi kể cho cha câu chuyện của tôi. Cha nói nhỏ nhưng rõ: Chúa sẽ soi sáng cho con. Con có thể ăn tối cùng cha. Con có thể ngủ lại tại đây, vì nhà cha có nhiều chỗ ở. Cha nghe tôi kể; tôi nghe cha tâm sự về cuộc đời cha. Thật thấm thía! Chúa dẫn dắt cha thoát con đường lầm lạc quá khứ để tới cuộc sống tử tế hiện tại. Con người thật tăm tối, nhưng ánh sáng của Giêsu có thể xuyên thấu bóng tối. Cha phải vất vả lắm mới có thể thoát khỏi vòng xoáy cuộc đời. Ánh sáng của Giêsu cũng vất vả lắm mới có thể len lỏi vào trong con tim của cha. Dù mới gặp, tôi cảm thấy cha như người bạn thân từ lâu lắm. Đêm về, nằm gác tay lên trán, nhìn ánh sao trên trời qua khung cửa, tôi chợt nhận thấy có ánh sáng nào đó trong tâm.

Hai ngày trôi qua. Tôi tìm gì? Tôi tìm ai? Phải chăng em đang giận tôi, hay là … chính tôi giận em. Tôi giật mình!!! Không phải là “em giận tôi” mà là “tôi cảm thấy và tôi nghĩ là em giận tôi”. Xin lỗi em! Muốn hiểu em, tôi cần hiểu chính mình. Đêm nhẹ trôi, bình minh ló rạng, tôi tươi vui trở về làng mình. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được làn gió trong lành trên cánh đồng xanh.

Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.

(Tôi tạo nên các nhân vật bằng cách vay mượn các triết gia, nhà chính trị, nhà giáo dục, các vị thánh… với vài nét đặc biệt của họ, để diễn tả một chủ đề rất đời thường rất thâm sâu và ngày nay trở nên “rất hiếm hoi” nữa, đó là TÌNH BẠN)