Trong tác phẩm Những Người Khốn Khổ của Victor Hugo chúng ta bắt gặp hai hình ảnh cao đẹp về lòng tha thứ .
Hình ảnh thứ nhất đó là lòng tha thứ của vị giám mục Myriel. Với tờ thông hành vàng, dấu hiệu của người có tiền án, Jean Valjean đã bị chủ quán trọ từ chối và buộc phải ngủ ngoài đường, nhưng vị giám mục nhân từ này đã cho Jean Valjean một chỗ nương náu và được đãi một buổi ăn tối tươm tất. Thế nhưng để đáp lại lòng tốt đó, lợi dụng khi mọi người ngủ, Jean Valjean lại ăn cắp mấy thứ đồ bạc của vị giám mục nhân từ và chạy trốn. Anh bị bắt lại sau đó, nhưng lại được vị giám mục Myriel cứu thoát khi nói với cảnh sát rằng Valjean là bạn của ông và những món đồ là do ông tặng. Cảm kích tột độ trước lòng nhân từ của vị giám mục, Jean Valjean đã thực hiện lời khuyên tâm huyết của Ngài đã nói với anh ta khi chia tay. Và anh đã quyết tâm trở thành một người lương thiện và làm nhiều việc tốt cho mọi người, cho dù đó không hề là điều dễ dàng khi anh không thể thoát được bóng đêm của quá khứ .
Và Javert-viên thanh tra cảnh sát chính là áng mây đen luôn bao phủ, che khuất ánh sáng hoàn lương mà Valjean đang nổ lực thắp lên cho cuộc sống của mình. Ông ta luôn theo đuổi và vồ bắt cho được Valjean. Javert không thể nào chấp nhận sự tồn tại của một thị trưởng Madeleine, một chủ xưởng giàu có và tốt bụng-thân phận mới của Valjean. Với ông, chỉ có một Valjean, người cựu tù khổ sai mà thôi.
Điều trớ trêu là khi Javert luôn vồ hụt con mồi thì chính ông ta lại trở thành con mồi trong tay Valjean trong một trạng huống khác của dòng đời. Chính tình huống này đã xây dựng nên hình ảnh thứ hai đẹp ngời về lòng tha thứ mà chúng ta gặp được trong tác phẩm. Khi Javert nghĩ rằng đây là cơ hội tốt nhất để Valjean trả thù mình và cũng để chấm dứt nỗi lo sợ đã và đang đeo bám cuộc sống mình thì kỳ diệu thay, Valjean lại để cho Javert một con đường sống.
Tuy nhiên, không như Jean Valjean đã tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc đời và làm lại nó sau khi nhận được sự tha thứ của vị giám mục già, Javert lại không chịu nổi việc một kẻ phạm tội lại làm ơn với mình. Ông ta bị dằn vặt giữa niềm tin vào luật pháp và niềm tin vào lòng tốt cách kỳ diệu của con người, điều mà ông đã nhận thấy nơi Valjean. Javert đã nhảy xuống sông Seine tự tử như một sự trốn thoát cơn xâu xé đau đớn trong nội tâm của mình.
Lần giở Kinh Thánh chúng ta thấy Phêrô và Giuđa cùng là môn đệ của Chúa Giêsu. Cả hai cùng có lỗi với Người. Người bán, kẻ chối chínhThầy của mình. Chúa Giêsu vẫn một mực yêu thương và cùng sẵn lòng tha thứ cho cả hai. Thế nhưng Phêrô đã nhận sự tha thứ đó để biến đổi đời mình trở thành người môn đệ nhiệt thành rao giảng Tin Mừng và là người nắm giữ chìa khóa Nước Trời, trong khi đó Giuđa lại đi tìm thòng lòng để kết liễu cuộc đời mình trong vô vọng.
Xưa nay chúng ta cứ nghĩ rằng lòng hận thù, sự ghen ghét mới là điều làm chúng ta khó có thể chấp nhận trong cuộc sống. Hóa ra chấp nhận lòng tốt, sự tha thứ của người khác cũng là điều không hoàn toàn dễ dàng. Victor Hugo đã nói : “Tha thứ là tôn giáo tuyệt vời nhất”. Và đã là tôn giáo thì không phải ai cũng có thể lãnh nhận được. Vậy nên mới có người có tôn giáo và có người không tôn giáo. Và một tố chất không thể thiếu để nhận được sự tha thứ, chấp nhận lòng tốt của người khác đó là lòng khiêm nhường. Lòng khiêm nhường sẽ giúp chúng ta công nhận lòng tốt của người khác và cũng chính lòng khiêm nhường mới giúp chúng ta nhận ra mình là kẻ có tội, đáng nhận lòng thương xót và tha thứ Thiên Chúa và của người khác. Và chỉ với tâm tình đó thì sự tha thứ, lòng nhân từ của người khác và của Thiên Chúa mới trở thành “ tôn giáo tuyệt vời nhất” có khả năng giúp cuộc sống chúng ta ngày càng thành toàn hơn.
Bình Minh