Chính phủ Nhật Bản tuyên bố trao Huân chương Mặt trời mọc – Sao vàng và Bạc cho ĐHY Raffaele Farina, để ghi nhận sự đóng góp của ĐHY trong việc củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Tòa Thánh.
Hôm 21/5 Đại sứ quán Tokyo cạnh Tòa Thánh tuyên bố Chính phủ Nhật Bản trao Huân chương Mặt trời mọc – Sao Vàng và Bạc cho Đức Hồng Y Raffaele Farina. Đây là một trong những Huân chương cao quý của Nhật dành cho những ai có những đóng góp quan trọng cho quan hệ quốc tế, phát triển văn hoá Nhật Bản, phát triển phúc lợi xã hội hoặc giữ gìn môi trường. Sở dĩ Đức Hồng Y được nhận Huân chương danh dự này vì những đóng góp của Ngài cho tình hữu nghị giữa Nhật Bản và Vatican.
Trong nhiều năm Đức Hồng Y giữ vai trò là Chuyên viên Lưu trữ của Viện lưu trữ mật Vatican và Quản thủ Thư viện Vatican. Với nhiệm vụ này Ngài đã củng cố quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Tòa Thánh. Một đóng góp đặc biệt của Đức Hồng Y đó là sắp xếp lại các tài liệu lịch sử thời Edo được nhà truyền giáo Mario Marega thu thập. Các tài liệu này liên quan đến thời kỳ cấm đạo Kitô giáo trong vùng Bungo, Nhật Bản.
“Rotoli di Marega” là một bộ sưu tập khoảng 10 nghìn tài liệu, mô tả sự hiện diện và bách hại cộng đoàn Công giáo tại Nhật Bản. Đây là giai đoạn từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Các tài liệu được nhà truyền giáo người Italia, cha Mario Marega đưa đến Vatican vào những năm 40 của thế kỷ 20. Kể từ đó, các tài liệu vẫn ở trong kho lưu trữ của Vatican cho đến năm 2010, khi nhà nghiên cứu Delio Proverbio tìm thấy chúng.
Các tài liệu được viết trên giấy gạo, chúng rất thanh mảnh; để có thể chạm vào phải dùng găng tay đặc biệt. Theo Đức ông Cesare Pasini, Giám đốc Thư viện thì đây là “bộ sưu tập tài liệu lớn nhất thuộc loại này”. Trong sáu năm bắt đầu từ năm 2014 có một thỏa thuận giữa Thư viện Vatican và 4 Viện lịch sử Nhật Bản về việc dịch và phân loại các tài liệu.
Văn bản đầu tiên trong số này có niên đại 1719, nội dung nói về sự xuất hiện Kitô giáo tại Nhật Bản vào năm 1549 do các cha Dòng Tên đến loan báo Tin Mừng. Để hiểu được đức tin đã lan rộng trong nước như thế nào, người ta có thể đọc trong một tài liệu mô tả việc bốn nhà quý tộc Nhật Bản đã đến Roma năm 1585 tham dự cuộc bầu cử của Giáo hoàng Sixtus V. Nhiều tài liệu trong số này đã cho biết chi tiết cuộc đàn áp chống cộng đoàn mới của Mạc phủ, và mô tả chi tiết cuộc tử đạo của 26 Kitô hữu Nagasaki, hậu quả dẫn đến việc trục xuất Kitô giáo vào năm 1612.
Ngọc Yến
(VaticanNews 22.05.2019)