Bạn mến!
Khi các trường học đang rộn rã đón chào năm học mới, thì những dư âm về kỳ thi tuyển sinh 2015 vẫn còn râm ran đó đây… Sau kỳ thi tuyển sinh, người ta thấy chóng mặt trong cách đổi mới nền giáo dục Việt Nam mà ai đó đã ví von: Nền giáo dục ‘đẽo cày thành tăm’… Hậu quả là nhiều thí sinh đành ngậm ngùi nói tiếng G.bye-see you again, các cha mẹ tiếc thương cho số phận hẩm hiu con mình, còn các nhà hữu trách thì loay hoay với chuyên đề: ‘chất vấn và trả lời chất vấn, phê bình và tự phê bình’…
1. Chúng ta thường nghe câu nói: ‘Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó’. Gần đây, lại có thêm câu: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học tập để làm người” (Unesco). Những khẩu hiệu trưng ra là thế, nhưng đã mấy nhà trường thi hành cho đúng nghĩa, mấy thầy cô áp dụng triệt để, mấy cha mẹ nắm bắt vấn đề, mấy học sinh thấm nhuần tư tưởng. Thực ra, nhiều cha mẹ chỉ biết cố chạy theo những chỉ dẫn của thầy cô, gắng chạy theo những chỉ tiêu giáo dục phòng bộ. Nhưng khổ nỗi, trong khi tất cả vì con em mình, họ lại đi vào cái guồng xoáy của một số ‘bệnh thành tích’ ngày nay, cứ ‘chạy theo cái bóng’ của thời cuộc…Và cứ như vậy, các nhà giáo dục đã phản giáo dục: làm mất đi sự hồn nhiên vốn có mà Thượng đế ban tặng cho chúng, phương hại đến sự phát triển toàn diện một thế hệ măng non Đất Việt…
Gác bỏ chuyện ‘Cải cách giáo dục Việt Nam’ sang một bên, người viết muốn tản mạn đôi điều về những bế tắc của các cha mẹ trong việc giáo dục tại Việt Nam.
2. Nếu những cái ‘roi nhớ đời’ cái roi ‘nên thân nên người’ thuở còn thơ đã giúp bao người được biến đổi và thành danh, đã trở thành lối giáo dục truyền thống người Việt: ‘thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi’ thì nay, không ít cha mẹ vì thương con nên đỡ roi, đỡ vọt cho con, che chắn những lao nhọc để chúng chuyên chăm học hành, cho chúng thì giờ tối đa để ‘học trong học ngoài’, chạy đua với con nhà hàng xóm, với thời cuộc… Đặc biệt khi chúng là đứa con một, cháu đích tôn dòng tộc thì cưng chiều hơn nhiều. Cưng con như ‘cục vàng’, ‘nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa’ không cẩn thận sẽ làm chúng ngộ nhận mình trung tâm điểm. Đó cũng là nguyên nhân sinh ra muôn vàn tội lỗi khi đến tuổi teen và lớn hơn nữa: chúng sẽ xấu hổ khi làm gì đó vụng về, nhục nhã khi bị ai đó khinh chê, giận dỗi khi không được mọi người chiều chuộng, và sẵn sàng bỏ nhà ra đi khi, tối đâu là nhà ngã đâu là giường. Cuối cùng, cha mẹ lại nặng trĩu những ưu tư trăn trở khôn nguôi về những đứa con mình hư hỏng, những đứa con cứ rong chơi với đời, ngang ngược với người.
3. Nhận định về gia tài cho những đứa con: Trong cuộc sống, nhiều cha mẹ có tài sản kích xù dành dụm trong ngày con trai con gái khi lập gia đình. Nhưng có những cha mẹ đã dùng số tài khoản đó để trau dồi cho con tri thức, công việc xứng hợp, đem vào trong con những nhân đức cần thiết làm hành trang cho con vào đời, và chỉ có chút tiền ít ỏi như là món quà biểu tượng cho con.
Thí dụ 1: Bố vợ trao cho con rể một phong bì 10 triệu đồng. Trong đó:
– Vợ hiền lành đáng giá 2 triệu đồng
– Vợ chịu khó, 2 triệu đồng
– Vợ biết hy sinh tha thứ, nhẫn nại: 2 triệu đồng
– Vợ sống đạo đức: 3 triệu đồng
– Tiền mặt: 1 triệu đồng.
Ban đầu, chàng rể ấy có vẻ khinh bố mẹ nàng lắm, vì đã cho con gái mình làm của hồi môn đi lấy chồng quá ít như vậy… Về sau, khi đã kinh qua cuộc sống hôn nhân gia đình, và qua thực trạng việc cưới vợ gả chồng, người con rể ấy đã thốt lên: ‘Cảm ơn bố đã cho con một kho tàng lớn. Nếu cho con tiền nhiều, thì nay chắc cũng đã xài hết. Nhưng vợ con là một kho báu con mãi!
Thí dụ 2: Có vị giám đốc nọ để con trai độc nhất của ông đi rửa xe thuê, và những việc tương tự mà người ta vẫn cho là tầm thường. Đồng bạn và láng giềng thắc mắc về sự hà khắc của ông với con mình và tỏ vẻ xót thương. Ông nói với họ: ‘Tôi muốn như vậy, vì cha mẹ nào cũng đầu tư cho con mình học hành để lấy bằng cấp, có kiến thức; nhưng với tôi, tôi còn muốn con mình học cho biết những gì ngoài sách vở để giữ vững ý chí, để biết trân trọng và tìm về những giá trị vĩnh cửu cuộc đời,… Bắt con làm việc là tôi thương con dâu và các cháu tôi sau này’.
Thực thế, người cha kể trên muốn con mình tốt nghiệp loại ưu cả hai trường: trường học và trường đời. Bởi vì theo ông: ở trường học, bạn được dạy một bài học và sau đó được làm một bài kiểm tra. Trong khi ở trường đời, bạn được cho một bài kiểm tra và nó sẽ dạy bạn một bài học (Tom Bodett). Ông hiểu lắm: Con đường đi đến thành công và hạnh phúc chỉ là một quá trình, chứ không phải là điểm đến. Thành công và hạnh phúc ấy phải được kết tinh bởi những chuỗi ngày sống cuộc đời, như Đức Cố hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận đã dạy: “Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng. Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng” (ĐHV)!
4. Như vậy, đích nhắm thì giống nhau, còn hướng đi có sự khác biệt: một đàng cho con ‘con cá’, một đàng cho con cái ‘cần câu’. Ai khôn ai dại? Cha mẹ nào hơn cha mẹ nào?….Chỉ có những trải nghiệm đích thực trong hạnh phúc gia đình mới là những câu trả lời chính xác và hữu ích cho mỗi chúng ta. Khi cha mẹ chỉ cho con con cá chứ không dạy con biết câu cá , sẽ phương hại ít nhiều cho con. Hơn nữa, vì thương con, nên không cho con đi vào quĩ đạo của lề lối gia phong, kỷ cương phép tắc, không cho con một trái tim nồng biết yêu thương và mở ra với mọi người: không rèn cho con có cái đầu ‘lạnh’ và một trái tim ‘nồng’ thì hậu quả khôn lường. Đây cũng là vấn đề đáng được các bậc cha mẹ quan tâm trong cách dạy con ngày nay.
Là Ki-tô hữu, chúng ta có quyền tự hào hơn nữa vì được hấp thụ nền giáo dục văn minh Ki-tô giáo đã đi vào dòng lịch sử nhân loại. Lịch sử của Đấng là nguồn mạch sự khôn ngoan, đường về Thượng trí… Đó cũng chính là cùng đích đời người-là hành trình tìm về những giá trị cao quý để: là người và làm người… như lòng Chúa ước mong.
Phạm Quang