Chúa Giêsu có bị đóng đinh và chết không?

Cả bốn Phúc Âm đều cho biết rằng Chúa Giêsu thực sự bị đóng đinh và chết trên Thập giá. Chứng cớ đó có đủ bảo đảm để kết luận rằng tường trình Phúc Âm là chính xác? Trước khi tìm câu trả lời, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của câu hỏi này. Cái chết cứu độ và sự phục sinh của Chúa Giêsu là giáo lý chủ yếu của Kitô giáo.

 

Cả bốn Phúc Âm đều cho biết rằng Chúa Giêsu thực sự bị đóng đinh và chết trên Thập giá. Chứng cớ đó có đủ bảo đảm để kết luận rằng tường trình Phúc Âm là chính xác? Trước khi tìm câu trả lời, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của câu hỏi này. Cái chết cứu độ và sự phục sinh của Chúa Giêsu là giáo lý chủ yếu của Kitô giáo.

Nếu một trong hai điều đó không xảy ra, việc rao giảng của các tông đồ về Kitô giáo đều vô ích. Vì nếu Chúa Giêsu không chết trên Thập giá thì không có cái chết hy sinh vì tội lỗi của chúng ta để cứu chuộc chúng ta như Phúc Âm truyền dạy. Hơn nữa, vì thuật ngữ “phục sinh” nói đến sự biến đổi thân xác thành thể xác bất tử, nếu Chúa Giêsu không chết thì không có thi thể nào được biến đổi nhờ sự phục sinh.

 
Không có sự phục sinh thì Kitô giáo là giả tạo, như Thánh Phaolô dạy: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1 Cr 15:17). Các Phúc Âm cho biết rằng Chúa Giêsu xác định “sự phục sinh của Ngài là chứng cớ của những lời tuyên bố về chính Ngài là thật” (x. Mt 12:39-40; Ga 2:18-22). Như vậy, theo Chúa Giêsu và Thánh Phaolô, nếu Chúa Giêsu không phục sinh, chúng ta phải tìm một thế giới khác. Do đó, vì sự phục sinh đòi hỏi có sự chết, chính cái chết của Chúa Giêsu do bị đóng đinh thực sự là mối liên kết không thể phá vỡ nếu Kitô giáo được coi là đúng thật.
 
Đây là 4 lý do củng cố niềm tin về việc Chúa Giêsu chịu chết do bị đóng đinh:
 
Thứ nhất, cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu được các văn bản cổ kể lại: Kitô giáo và ngoài Kitô giáo. Ngoài 4 Phúc Âm và một số Thánh Thư trong Tân ước, các văn bản đều được viết từ thế kỷ I, cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cũng được tường thuật bởi các văn bản cổ ngoài Kitô giáo. Josephus (cuối thế kỷ I), Tacitus (đầu thế kỷ II), Lucian (giữa thế kỷ II), và Mara bar Serapion (thế kỷ II và III) cũng tường thuật sự kiện này. Sự thật là các văn bản ngoài Kitô giáo này nói đến Chúa Giêsu và cho thấy rằng cái chết của Chúa Giêsu cũng được người ngoại giáo biết chứ không phải Kitô giáo bịa đặt.
 
Thứ nhì, rất khó có thể sống sót sau khi bị đóng đinh. Việc đóng đinh và hành hạ nhiều lần là cách tồi tệ nhất thời xưa. Nhiều người trong chúng ta đã xem phim “The Passion of the Christ” (Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu) của đạo diễn Mel Gibson (*) thì thấy rõ cách hành hạ rất dã man. Nhiều bản văn cổ cũng mô tả như vậy, chẳng hạn Josephus, một sử gia Do Thái hồi thế kỷ I, đã kể về một đàn ông bị đánh đập bằng roi da rất dã man đến nỗi lòi xương ra (1). Ông còn nói về một nhóm người bị đánh đập đến lòi ruột (2). Trong bản văn hồi thế kỷ II là “The Martyrdom of Polycarp” (Cuộc Tử Đạo của Thánh Pô-ly-ca-pô), lính La Mã đánh người đến đứt cả động mạch (3). Nạn nhân được đưa ra ngoài thành phố rồi bị đóng đinh vào thập giá hoặc một cây nào đó (4). Nạn nhân bị bỏ mặc chịu đau đớn cùng cực. Thế kỷ I, triết gia người Rôma là Seneca đã mô tả các nạn nhân bị đóng đinh là “bị đập liên hồi, bị cắt chân tay, bị biến dạng, bị đóng đinh và bị hành hạ đến bán sống bán chết” (5). Chỉ có một trường hợp được kể là sống sót sau khi bị đóng đinh. Josephus kể là đã chứng kiến ba người bị đóng đinh (6). Ông kêu gọi người bạn Titus làm đội trưởng lính La Mã, người đã ra lệnh tháo đinh ngay và được hỗ trợ y tế. Dù vậy, hai trong ba người vẫn chết. Như vậy, nếu Chúa Giêsu được tháo đinh sớm và được cấp cứu thì cơ may sống sót cũng rất khó. Tuy nhiên, không có chứng cớ nào nói rằng Chúa Giêsu được tháo đinh sớm khi còn sống và được cấp cứu.
 
Thứ ba, ý kiến chuyên ngành y khoa đều nhất trí kết luận rằng Chúa Giêsu chắc chắn chết vì bị đóng đinh (7). Một số người không chắc chắn, nhưng đa số vẫn nói rằng Chúa Giêsu chết vì ngộp thở (asphyxiation) hoặc thiếu oxygen. Vốn hiểu biết của chúng tôi về việc đóng đinh đều đồng thuận với ý kiến này. Nhiều nguồn cổ nói rằng việc đập gãy ống chân là để nạn nhân mau chết trên thập giá (8). Vậy là sao? Tôi có hai người bạn là trưởng khoa cấp cứu ở hai bệnh viện lớn (9). Tôi hỏi họ rằng đập gãy ống chân cho nạn nhân mau chết thì có đúng không. Họ trả lời rằng chắc chắn hiếm xảy ra lắm. Vậy họ đập gãy ống chân nạn nhân cho mau chết bằng cách nào?
 
Trong thế chiến I và II, người Đức thường hành hạ các nạn nhân bằng một “phương pháp” gọi là “aufbinden” – nạn nhân bị cột chặt hai tay rồi bị treo lơ lửng, chân không chạm đất. Khi nạn nhân kiệt sức, họ lại thả nạn nhân xuống. Khi nạn nhân tỉnh thì họ lại treo lên. Vì cơ bắp dùng để hít mạnh hơn dùng để thở, đi-ô-xít các-bon sẽ tích tụ và nạn nhân sẽ chết một cách khổ sở. Thí nghiệm cho thấy người ta bị treo lơ lửng sẽ bất tỉnh trong vòng 12 phút, nếu tay treo ở góc 45 độ hoặc nhỏ hơn so với cơ thể. Đập gãy ống chân nạn nhân bị đóng đinh sẽ làm cho nạn nhân dễ thở, dù chỉ tạm thời. Do đau đớn vì bị đóng đinh, nạn nhân sẽ chết vì thiếu oxygen, không có cơ may tỉnh lại. Thánh sử Gioan cho biết rằng một tên lính đã lấy ngọn giáo đâm vào ngực Chúa Giêsu để chắc chắn Ngài chết thật (x. Ga 19:34-37), cách này được nói tới trong tài liệu của Quintillian, sử gia Rôma hồi thế kỷ I (10).
 
Có lý do nào để tin rằng quân lính Rôma muốn xử lý cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá? Một sử gia Do Thái uy tín hồi thế kỷ I có nói tới việc người Rôma hủy hoại thành Giêrusalem năm 70. Người Do Thái có thói quen tháo xác các tử tội khỏi thập giá và chôn trước khi mặt trời lặn (11). Các tài liệu cổ cho biết rằng có người bị đóng đinh mà sống tới 3 ngày trên thập giá, các nạn nhân bị bỏ mặc trên thập giá cho tới chết để làm mồi cho chim chóc, chó, và côn trùng. Tuy nhiên, đây không là cách thực hành ở Giêrusalem trước khi thành này bị hủy hoại năm 70. Chúa Giêsu bị đóng đinh khoảng năm 30 hoặc 33. Như vậy, chúng ta có lý để tin chắc rằng Chúa Giêsu đã chết thật trước khi mặt trời lặn vào ngày Ngài bị xử tử. Thánh Gioan kể: “Sau đó, ông Giô-xếp, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Đức Giêsu xuống” (Ga 19:38).
 
Thứ tư, nếu Chúa Giêsu có thể sống sót sau khi bị đóng đinh, Ngài sẽ không bảo các môn đệ tin Ngài sống lại. Chúng ta thử tưởng tượng rằng Chúa Giêsu nửa sống nửa chết trong mộ đá. Ngài hồi tỉnh sau cơn hôn mê và thấy mình ở trong khoảng tối tăm. Ngài mò mẫn mà không tìm thấy lối ra. Mấy tên lính gác hỏi: “Ông định trốn đi đâu vậy?”. Chúa Giêsu trả lời: “Tôi muốn thoát ra khỏi đây”. Ngài đánh mấy tên lính gác, sau đó Ngài ra khỏi mộ đá và đi tìm các môn đệ. Cuối cùng, Ngài đến căn nhà mà Thầy trò đã ở và gõ cửa. Phêrô ra mở cửa và gặp Chúa Giêsu lom khom với hình hài toe tua tơi tả. Phêrô nói:“Lạy Chúa! Con không phải đợi Thầy phục sinh như Thầy đã nói sao?”. Hẳn là sử gia sẽ nói rằng Chúa Giêsu phải thuyết phục các môn đệ tin đó là Ngài trong tình trạng thương tích đầy mình và phục sinh trong thân xác bất tử. Còn sống ư? Chắc chắn là thế. Sống lại ư? Không còn cách khác.
Tóm lại, chứng cớ lịch sử xác nhận rằng Chúa Giêsu thực sự chết do bị đóng đinh (chết về nhân tính thôi). Nhiều nguồn cổ xác nhận như vậy, một số nguồn ngoài Kitô giáo, như vậy thì không thiên về cách hiểu của Kitô giáo về sự kiện này. Rất ít cơ may sống sót sau khi bị đóng đinh. Nếu Chúa Giêsu sống sót sau khi bị đóng đinh, không thể nào các môn đệ tin chắc là Ngài phục sinh.
 
Dù rất đa nghi, người sáng lập tổ chức “Jesus Seminar John Dominic Crossan” cũng kết luận: “Chúa Giêsu bị đóng đinh là điều chắc chắn như bất cứ điều gì khác trong lịch sử” (12). Cũng vậy, nhà phê bình Tân ước Gerd Lüdemann (người vô thần) đã viết: “Chúa Giêsu chết do bị đóng đinh là điều không thể chối cãi” (13).
 
Như vậy, đã rõ Chúa Giêsu chết vì bị đóng đinh, không có chứng cớ nào phản bác, sử gia đã xác nhận rằng Chúa Giêsu bị đóng đinh và quá trình đó đã khiến Ngài chết.
 
 
Đôi khi người ta nói rằng Chúa Giêsu không thể là Thiên Chúa vì Ngài đã chết, mà Thiên Chúa thì bất tử. Điều họ không hiểu là Chúa Giêsu có hai bản tính: Thiên tính và nhân tính. Về lý thuyết, chúng ta gọi đó là sự kết hợp thực thể (hypostatic union). Giáo hội dạy rằng Đức Kitô có hai bản tính riêng biệt, thần tính và nhân tính.
 
Chúa Giêsu có chết không? Không, Thiên Chúa không thể chết. Kinh thánh cho biết rằng Thiên Chúa bất biến (Tv 90:2; Mlk 3:6), nghĩa là Ngài không hề thay đổi. Nếu Ngài chết, đó là thay đổi. Thần tính của Chúa bất biết, vậy Ngài không thể chết. Vả lại, sự chết là chức năng sinh học mà sinh vật nào đó không còn sống. Nhưng Thiên Chúa không có tính sinh học. Ngài khác hẳn chúng ta. Về lý thuyết, chúng ta nói rằng Ngài “hoàn toàn khác”. Nghĩa là Ngài khác hẳn đối với phàm nhân chúng ta. Vì chúng ta chết, nhưng THIÊN CHÚA KHÔNG CHẾT.
 
Cũng vậy, ý tưởng về cái chết có ẩn ý về sự không tồn tại. Đây là vấn đề khác khi suy nghĩ về vấn đề Thiên Chúa chết. Theo Kitô giáo, Thiên Chúa hiện hữu vĩnh hằng – lại ngụ ý sự thay đổi về bản chất của Ngài, một tình trạng không thể có. Do đó, THIÊN CHÚA KHÔNG THỂ CHẾT.
 
Đôi khi người ta nói rằng Chúa Giêsu không thể là Thiên Chúa vì Ngài đã bị người Do Thái giết chết trên Thập giá. Điều họ không hiểu là Chúa Giêsu có hai bản tình: Thiên Chúa và con người. Về lý thuyết, chúng ta gọi đó là sự kết hợp thực thể hoặc bản thể. Giáo hoàng dạy rằng nơi Đức Kitô có hai bản tính riêng biệt, thần tính và nhân tính. Nhân tính chết trên Thập giá, chứ không phải là thần tính. Nhưng vì Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người, thế nên chúng ta nói rằng Chúa Giêsu chết trên Thập giá.
 
Như vậy, THIÊN CHÚA KHÔNG CHẾT; nhưng nơi Đức Kitô, ĐẤNG LÀM NGƯỜI CÓ THẦN TÍNH, chúng ta hiểu đó là cái chết về sinh học, chứ không là cái chết về thần tính bất tử của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã bị người ta giết chết về nhân tính, về thể lý, nhưng chính NGÀI ĐÃ PHỤC SINH vinh quang như Ngài đã nói trước.
 
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ 4truth.net và Y-Jesus.org)
1 Chiến Tranh 6:304. Xem 2:612; Tích Xưa 12:256.
2 Chiến Tranh 2:612.
3 Cuộc Tử Đạo của Thánh Polycarp 2:2.
4 Rất nhiều văn bản cổ nói tới việc dùng đinh đóng những người bị phạt một cái cây hoặc thập giá. Phúc Âm theo Thánh Gioan nói tới cuộc đóng đinh của Chúa Giêsu (20:25 & 27), và Thánh Luca cũng ám chỉ điều đó (24:39). Không có nguồn nào nói rằng Chúa Giêsu không bị đóng đinh vào thập giá.
5 Seneca, Các Thư, “To Lucilius” 101.
6 Josephus, Life 420-21.
7 Một số được nhắc tới trong sách “Raymond Brown, The Death of the Messiah”, Volume 2 (New York: Doubleday, 1994), 1088ff.
8 Cicero, Các bài Diễn Thuyết, bài 13, 12:27; Phúc Âm theo Thánh Phêrô 4:14. Trong Phúc Âm theo Thánh Phêrô, việc đánh gãy chân bị cấm, với mục đích là để nạn nhân phải chịu đau đớn lâu.
9 Dr. Jim Ritchie và Dr. Jack Mason.
10 Các bài Diễn Thuyết 6:9: “Đối với người chết trên thập giá, người hành hình không cấm chôn người bị xử tử”.
11 Chiến Tranh Do Thái 4:317. 
12 John Dominic Crossan, Chúa Giêsu: Tiểu Sử Cách Mạng (San Francisco: HarperCollings, 1991), 145.
13 Gerd Lüdemann. Sự Phục Sinh của Đức Kitô (Amherst, NY: Prometheus, 2004), 50.
 
(*) Phim sản xuất năm 2004 [https://www.youtube.com/watch?v=YthiJ07xRAs], diễn viên Jim Caviezel đóng vai Chúa Giêsu. Sáu tháng trước khi bắt đầu đóng phim “Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu”, Jim Caviezel thường hay thăm viếng nơi Đức Mẹ hiện ra ở Medjugorge (Mễ Du). Tại đây, tình cờ ông gặp một phụ nữ xa lạ, và bà này đã nói: “Anh sẽ đóng vai Chúa Giêsu đấy!”. Quả thật, đạo diễn Mel Gibson đã tìm thấy Jim Caviezel trong danh sách những người đăng ký xin đóng phim. Ông thấy tên Jim Caviezel và Jesus Christ rất gần nhau, đều được viết tắt là J.C. Có điều lạ nữa là Jim Caviezel lúc ấy cũng đúng 33 tuổi, rất trùng hợp với tuổi của Chúa Giêsu khi bị khổ nạn.