Trong Tin Mừng, có hai trạng từ khác nhau chỉ thời điểm Chúa phục sinh: “ngày thứ ba” và “sau ba ngày”. Hai từ này về từ ngữ là đối nghịch nhau, và có thể làm khó khăn trong việc xác định thời điểm Chúa sống lại. Xét theo “sau ba ngày” thì cần 72 giờ, Chúa chịu chết 3 giờ chiều ngày thứ sáu thì cần đến 3 giờ chiều ngày thứ hai (Monday) sau đó mới đúng. Còn nếu là “ngày thứ ba” thì sự kiện Phục Sinh diễn ra vào Chúa nhật có thể có lý.
Theo học giả Thánh Kinh Ben Witherington, các tác giả Tin Mừng viết sách theo cách hiểu của thời các ngài. Thực tế, thời đó, cách nói “sau ba ngày” có thể hiểu là “sau một thời gian” hay “sau vài ngày” chứ không nhất định là tròn ba ngày.
Còn theo ngữ cảnh Cựu Ước thì “sau ba ngày” hoàn toàn giống như “vào ngày thứ ba.” Thời nay thì hai cụm từ này xem ra trái nghĩa. Hơn nữa, “ngày” trong truyền thống Do Thái không phải là một khoảng 24 giờ giữa đêm này và đêm kia như thời nay, mà một ngày bắt đầu khi mặt trời lặn và kết thúc trước khi mặt trời lặn lần kế tiếp.
Thế thì, thực tế Chúa Giêsu sống lại vào lúc nào?
Ngữ cảnh Kinh Thánh đã cho biết rõ rằng Chúa chịu chết vào ngày thứ sáu, “ngày chuẩn bị cho ngày Sabát”, mà Sabát là ngày thứ bảy. Nhà hộ giáo Jimmy Akin cho biết cách hiểu “ba ngày” về sự kiện Phục Sinh như sau: “Nếu Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chết vào chiều thứ sáu, đó là ngày thứ nhất; mặt trời lặn ngày thứ sáu tức là ngày thứ hai bắt đầu; và mặt trời lặn ngày thứ bảy là ngày thứ ba bắt đầu. Vậy Đức Giêsu phải sống lại vào ngày thứ ba.”
Điều này đúng với đoạn Tin Mừng Mátthêu cho biết các phụ nữ đã viếng mộ Chúa vào sáng Chúa nhật, “Sau ngày Sabát, ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên Maria đến mộ…” (Mt 28,5-6).
Vậy là, theo đúng lời Chúa báo Người sẽ sống lại vào ngày thứ ba, Người đã sống lại và ra khỏi mồ sau khi mặt trời lặn ngày Sabát và trước khi mặt trời mọc ngày thứ nhất trong tuần, tức ngày Chúa nhật. Do đó, Giáo Hội đã giữ đúng thời gian này, cử hành canh thức Phục Sinh vào chiều thứ bảy, tức là chỉ vừa hơn 1 ngày sau khi Chúa chết, ngày thứ ba theo cách tính Do Thái.
Theo Philip Kosloski
Gioakim Nguyễn lược dịch