Cử hành long trọng Lễ Lá khai mạc Tuần Thánh bắt đầu bằng nghi thức rước lá truyền thống từ Cửa Đồng đến tiền sảnh Đền Thánh Phêrô: đi trước là các vị đồng tế mặc áo lễ màu đỏ, rồi đến Đức Thánh Cha tay cầm thánh giá kết bằng cành ô-liu. Tại đài tháp Obelisk, Đức Thánh Cha làm phép các cành cọ và ô liu của hàng chục ngàn tu sĩ và tín hữu đang cầm trên tay. Trong số này, có nhiều người trẻ của giáo phận Roma.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô đả kích thói ích kỷ, tìm kiếm quyền lực và vinh quang. Chú giải trình thuật Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong tiếng reo hò của đám đông cuồng nhiệt ít ngày trước cuộc Khổ Nạn nạn, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Chúa không cứu rỗi chúng ta bằng cách ngự đến vinh quang hay qua các phép lạ vĩ đại. Người sống giữa chúng ta như người đầy tớ; Người chịu nhục mạ, phản bội và bị từ chối.
Cũng như các di dân ngày nay, Người cũng đã biết đến thái độ dửng dưng khi chẳng ai muốn chịu trách nhiệm về số phận của Người. Khi tha thứ trên thánh giá, nơi đỉnh cao của sự hủy mình ra không, Người mạc khải dung mạo đích thực của Thiên Chúa là lòng thương xót. Và Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu đáp lại tình yêu vô biên của Thiên Chúa bằng một tình yêu nhỏ nhoi cụ thể. Có vẻ như chúng ta còn ở xa cung cách hành động của Thiên Chúa, khi chúng ta không thể quên mình một chút, từ bỏ một điều gì đó cho Ngài và cho người khác, khi chúng ta bị lôi kéo bởi ngàn lời phỉnh phờ của vẻ bề ngoài mà quên rằng “Giá trị con người hệ tại ở ‘cái mình là’ hơn hệ tại ở ‘cái mình có’ ” (Gaudium et Spes, 35).
Khởi đầu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục các Kitô hữu hãy chọn con đường phục vụ, cho đi, quên mình, học biết khiêm tốn yêu thương, một tình yêu cứu thoát và đem lại sự sống. Đức Thánh Cha nói, qua hành vi tự hạ, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thanh tẩy đời sống chúng ta. Người muốn đi vào các thành phố của chúng ta, vào trong cuộc đời chúng ta, như Người đã vào thành Giêrusalem, một cách khiêm tốn nhưng “nhân danh Thiên Chúa”. Nếu mầu nhiệm sự dữ là vực thẳm, thì thực tại Tình Yêu xuyên thấu sự dữ là vô biên. Ước chi không gì ngăn cản chúng ta gặp được nơi Người nguồn cội của niềm vui của chúng ta, niềm vui đích thực, niềm vui vĩnh cửu và đem lại bình an.
(Vatican Radio)